Hỏi:
Cứ tới mùa lạnh, gia đình chúng tôi thường hay có người bị cảm lạnh rồi bị biến chứng thành viêm thận. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, trong trường hợp như vậy có thể dùng thuốc Nam để chữa hay không?
Lê Văn Vinh, Sơn Động, Bắc Giang
Đáp:
Chứng viêm thận mà bạn hỏi, là viêm thận cấp tính. Bệnh có thể phát sinh trong cả năm, nhưng thường hay gặp nhất trong các giai đoạn thời tiết lạnh. Thường xuất hiện sau khi bị viêm ở những vị trí khác của cơ thể. Thường hay gặp nhất (3/4 các trường hợp) là sau các viêm nhiễm ở đường hô hấp trên, như viêm họng, nhất là viêm amiđan có hốc, ... và nguyên nhân chủ yếu là do bị nhiễm liên cầu khuẩn tan máu nhóm A; 1/4 các trường hợp còn lại có thể xảy ra sau nhiễm trùng ở những nơi khác như răng, mũi, phổi, da, ... Ngoài viêm nhiễm do vi khuẩn, bệnh còn có thể phát sinh do cơ thể suy yếu, sức đề kháng giảm, thời tiết biến đổi quá mạnh và đột ngột, nhiệt độ không khí xuống quá thấp, độ ẩm quá cao, ...
Đông y truyền thống không có tên bệnh "viêm thận cấp tính", nhưng các triệu chứng, nguyên nhân phát sinh và cách chữa trị bệnh lý này, đã được đề cập trong phạm vi chứng "phù thũng" thể "Dương thủy" của Đông y.
Theo Đông y: Nguyên nhân gây nên bệnh là do "phong tà", "thấp nhiệt" và "thủy thấp" xâm phạm vào cơ thể, làm tổn thương các tạng Phế, Tỳ và Thận, khiến cho tạng Phế mất khả năng thông điều thủy đạo, tạng Tỳ không vận hóa được thủy thấp và tạng Thận không khí hóa thủy dịch, dẫn đến tình trạng thủy dịch bị ứ đọng mà sinh ra phù thũng.
Muốn sử dụng thuốc Nam chữa trị, cần căn cứ vào những triệu chứng biểu hiện cụ thể, để nhận dạng thể bệnh và chọn dùng phép chữa, bài thuốc tương ứng, theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y như sau:
• Thể "Phong tà": Thường gặp trong những trường hợp viêm cầu thận dị ứng do cảm lạnh và viêm nhiễm.
- Triệu chứng: Đầu tiên là phù mặt và nửa người phía trên, sau đó phù toàn thân; phát sốt, gai rét, tiểu tiện ít, rêu lưỡi trắng đầy mạch phù (sờ nhẹ tay đã thấy ngay mạch).
- Phép chữa: Thông Phế, phát hãn, lợi niệu.
- Bài thuốc Nam tiêu biểu: Lá tía tô 20g, lá tre 12g, hành tăm 12g, lá chanh 10g, bông mã đề 20g, cát căn (củ sắn dây) 12g, gừng tươi 6g, cam thảo đất 10g; cho tất cả vào nồi, đổ nước ngập trên mặt thuốc khoảng 2 phân, đun sôi, sau đó tiếp tục đun nhỏ lửa khoảng 15 phút; chia thành 3 phần uống trong ngày.
• Thể "Thấp nhiệt": Thường gặp trong những trường hợp viêm cầu thận cấp do mụn nhọt gây dị ứng, nhiễm trùng.
- Triệu chứng: Phù toàn thân, bụng đầy tức, khó thở, tiểu tiện ít, nước tiểu đỏ, khát nước nhiều, da nhiều chỗ bị viêm nhiễm, rêu lưỡi vàng, mạch sác (nhanh, trên 80 lần/phút).
- Phép chữa: Thanh nhiệt, trừ thấp, giải độc.
- Bài thuốc Nam tiêu biểu: Thổ phục linh 20g, rễ cỏ tranh 20g, cỏ mần trầu 20g, lá cối xay 20g, bông mã đề 30g; cho tất cả vào nồi, đổ nước ngập trên mặt thuốc khoảng 2 phân, đun sôi, sau đó tiếp tục đun nhỏ lửa khoảng 15 phút; chia thành nhiều lần uống thay trà trong ngày. Nếu đầu đau thêm mạn kinh tử (quả cây quan âm) 12g; nếu cao huyết áp thêm hoa cúc 12g; cùng sắc uống.
• Thể "Thủy thấp": Thường gặp ở những trường hợp viêm cầu thận bán cấp.
- Triệu chứng: Phù toàn thân, sốt nhẹ, người mệt mỏi, kém ăn, tiểu tiện ít, nước tiểu trong, đại phân lỏng, rêu lưỡi trắng dầy, mạch trầm hoãn (phải ấn nặng tay mới thấy mạch, đập chậm).
- Phép chữa: Ôn Thận, kiện Tỳ, trừ thấp, lợi niệu.
- Bài thuốc Nam: Quế chi 8g, gừng khô 8g, hậu phác 8g, mộc hương 12g, củ gấu 12g, vỏ quít 10g, vỏ cau khô 10g, ngũ gia bì 10g, bông mã đề 20g, bồ công anh 12g; cho tất cả vào nồi, đổ nước ngập trên mặt thuốc khoảng 2 phân, đun sôi, sau đó tiếp tục đun nhỏ lửa khoảng 15 phút; chia thành 3 phần uống trong ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.