Hỏi đáp

Thuốc Nam chữa tiểu đêm nhiều lần

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 07/11/2014 06:56 CH

Hỏi:

Tôi năm nay 32 tuổi, nặng 50kg, có tiền sử viêm phế quản. Mấy năm gần đây, tôi thường bị đi tiển nhiều lần trong đêm, mặc dù buổi tối đã ăn khô và uống ít nước; mùa hè khoảng 5 lần, mùa đông khoảng 10 lần. Vì bệnh tình nên tôi rất ngại không dám đến đi chơi nhà ai qua đêm. Rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết tôi đang bị bệnh gì? Và có thể dùng bài thuốc Nam nào để chữa?

Ngô Thế Hùng, Hà Nội

Đáp:

hoài sơn, củ mài

Sơn dược (Hoài sơn, Củ mài)

Theo Đông y, chứng tiểu đêm nhiều lần mà bạn đang mắc, có thể là hậu quả của bệnh phế quản (thuộc tạng Phế). Vì Phế thuộc hành Kim, Thận thuộc hành Thủy. Kim sinh Thủy, Tạng Phế suy yếu, mất khả năng tương sinh (hỗ trợ tạng Thận), nên sau một thời gian sẽ khiến cho tạng Thận cũng bị suy yếu.

Cũng theo lý luận của Đông y, số lần tiểu tiện, lượng nước tiểu, cũng như màu sắc của nước tiểu, ... có liên quan mật thiết với "tạng Thận" (một trong ngũ tạng: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận). "Tạng Thận" trong Đông y, không phải là hai quả thận trong Giải phẫu sinh lý, mà là một nhóm chức năng, như "tàng tinh" (tàng trữ tinh), "chủ sinh trưởng phát dục" (quản lý quá trình sinh trưởng, phát dục của cơ thể), "chủ cốt" (liên quan mật thiết tới xương cốt), "chủ thủy", "nạp khí" (hỗ trợ hô hấp, giúp thở sâu) ... Trong đó chức năng "chủ thủy" liên quan mật thiết nhất với quá trình bài tiết nước tiểu.

"Chủ thủy" có nghĩa là chủ quản, quản lý quá trình chuyển hóa thủy dịch trong cơ thể. Theo Đông y, quá trình chuyển hóa thủy dịch (bao gồm: hấp thu, phân bố và bài tiết chất cặn bã trong thủy dịch) diễn ra dưới tác động hiệp đồng của Tỳ, Phế, Thận và Tam tiêu, trong đó tạng Thận đóng vai trò chủ chốt (chủ quản). Quá trình bài tiết nước tiểu, liên quan trực tiếp tới hai chức năng "Phân thanh tiết trọc" và "Khai hợp" của tạng Thận.

"Phân thanh tiết trọc" là tách riêng, phân lập chất trong (thanh) và chất đục (trọc) - tương đương với quá trình tái hấp thu và tạo thành nước tiểu của Thận trong Y học hiện đại. Chất trong (hữu dụng) sẽ được giữ lại trong cơ thể, còn chất đục (vô dụng) sẽ được bài tiết ra ngoài.

Sau khi đã "Phân thanh tiết trọc", chất dịch trong, có ích sẽ được giữ lại bên trong cơ thể, gọi là "hợp"; còn chất dịch đục, vô dụng sẽ được bài tiết ra ngoài, gọi là "khai". Quá trình "khai hợp" liên quan tới chức năng của "Thận dương". Thận dương suy yếu, sẽ dẫn tới tình trạng "khai" nhiều "hợp ít" - tiểu tiện nhiều lần và lượng nước tiểu nhiều.

Ban đêm là thời gian "Âm thịnh Dương suy" trong một ngày đêm. Thận dương vốn đã yếu, đêm đến là thời gian "Âm thịnh Dương suy", nên càng yếu hơn. Do đó, vào ban đêm tiểu tiện càng nhiều.

Để chữa trị, bạn có thể sử dụng thử 2 bài thuốc có tác dụng ôn bổ Thận dương dưới đây:

    (1) Thận khí hoàn: Thục địa 240g, sơn thù du 120g, sơn dược (hoài sơn, củ mài) 120g, trạch tả 90g, đan bì 90g, phục linh 90g, quế chi 30g, phụ tử 30g; tất cả tán thành bột mịn, trộn với mật hoàn thành viên; ngày uống 1-2 lần, mỗi lần khoảng 10g, chiêu thuốc bằng nước sôi hoặc nước muối nhạt. Cũng có thể giảm liều lượng, giữ đúng tỉ lệ trên sắc uống.

    (2) Thập bổ hoàn: Phụ tử 60g, nhục quế 30g, thục địa 30g, sơn thù du 30g, sơn dược 30g, trạch tả 30g, đan bì 30g, phục linh 30g, ngũ vị tử 60g, lộc nhung 30g; tất cả tán thành bột mịn rồi trộn với mật hoàn thành viên; ngày uống 1-2 lần, mỗi lần khoảng 10g, chiêu thuốc bằng nước muối nhạt. Cũng có thể giảm liều lượng, sắc uống.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]