Hỏi:
Tôi mắc bệnh ngứa từ 20 năm trước, cứ tới mùa đông là bệnh phát kịch liệt, tôi phải đun nước nóng để rửa thì mới đỡ ngứa. Tôi đã đi khám và uống thuốc ở nhiều nơi nhưng tới nay bệnh ngứa vẫn không giảm, tôi không biết phải làm thế nào... Mong được "Thuốc vườn nhà" tư vấn sử dụng thuốc Nam nào đó để có thể chữa khỏi bệnh ngứa.
Văn Bá, Thạch Thất, Hà Nội
Đáp:
Ké đầu ngựa
Chứng ngứa có nguyên nhân rất phức tạp. Y học hiện đại cho rằng ngứa có thể phát sinh do rối loạn và tổn thương nội tạng, rối loạn nội tiết, thần kinh suy nhược, ... các bệnh tiêu hóa, gan, thận, đái tháo đường, thiếu các vitamin, ... đều có thể gây nên ngứa.
"Nhiễm độc bên trong cơ thể" như táo bón, gan yếu, dị ứng thuốc toàn thân, ... có thể sinh ra ngứa. "Nhiễm độc bên ngoài" như ký sinh trùng (nấm, ghẻ), dị ứng thuốc ngoài da, dị ứng với hóa chất trong sinh hoạt hoặc nghề nghiệp, lạm dụng xà phòng, tắm nước quá nóng, ... cũng có thể sinh ngứa.
Nguyên nhân phức tạp như vậy nên với chứng ngứa lâu ngày không khỏi, bác cần mất công đến bệnh viện để xác định chính xác nguyên nhân, có như vậy mới có thể điều trị tận gốc.
Theo Đông y: Chứng ngứa có thể do "ngoại nhân" (nguyên nhân bên ngoài) hoặc "nội nhân" (nguyên nhân bên trong) gây nên. Ngoại nhân chủ yếu bao gồm "phong hàn", "phong nhiệt" và "thấp nhiệt". Nội nhân chủ yếu do âm dương khí huyết mất cân bằng, chức năng tạng phủ bị rối loạn, trong đó thường hay gặp nhất là tình trạng mà Đông y gọi là "can vượng huyết hư".
Nguyên nhân phức tạp như vậy, nên bác vẫn cần kiên trì tìm đến một phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc chẩn bệnh, xác định chính xác nguyên nhân, trên cơ sở đó mà áp dụng phép chữa, bài thuốc thích hợp với bệnh tình và thể tạng của bác.
"Thuốc vườn nhà" chỉ có thể đưa ra một số ý kiến để bác tham khảo:
Theo Đông y: Để phòng trị chứng ngứa trong mùa đông, trước nhất cần tuân theo các phép tắc dưỡng sinh để nâng cao sức khỏe một cách toàn diện, nhờ đó mà có thể phòng chống các loại bệnh tật trong đó bao gồm cả chứng ngứa.
Người cao tuổi da khô thường hay bị ngứa về mùa đông cho nên cần chú ý: Không nên tắm quá nhiều, nói chung mỗi tuần tắm một hai lần là đủ; nước tắm không nên quá nóng và không nên dùng các loại xà phòng kiềm tính cao.
Ngoài ra tùy theo điều kiện cụ thể, cũng có thể áp dụng một trong số các biện pháp như sau:
1. Trong những ngày rét đậm, đối với người cao tuổi tạng hàn, da khô ngứa, bong vẩy, ngứa nhiều về đêm hoặc lúc thay quần áo; thường ngứa ở đùi, chân và các khớp; có thể dùng loại trà thuốc có tác dụng "khu phong tán hàn" như sau phòng trị ngứa:
- Trà thuốc: Gừng khô 9g, táo tàu (hồng táo) 10 quả, quế chi 6g; sắc uống mỗi ngày 1 thang, liên tục trong 1 tuần.
2. Đối với người có thể tạng "can hư huyết táo" với những biểu hiện như da khô vàng sạm, kèm theo chóng mặt, váng đầu, mất ngủ, ... có thể nấu món ăn như sau để dưỡng huyết, nhuận phu và phòng ngừa chứng ngứa:
- Món ăn dự phòng: Thịt lươn 30g, tào tàu 15g; nấu canh hoặc thêm chút gạo vào nấu thành cháo ăn liên tục 10-15 ngày; mỗi ngày dùng món này 1 lần.
- Nếu không kiếm được lươn, có thể ra hiệu thuốc mua thuốc "Lục vị hoàn" uống theo chỉ dẫn trong đơn thuốc, đồng thời sắc kinh giới 8g, tía tô 8g, bạc hà 4g (cho vào sau) lấy nước để chiêu thuốc.
3. Có thể sử dụng thêm một số thuốc dùng ngoài như sau:
(1) Lá đào tươi khoảng 20g, cho vào nồi, đổ ngập nước, sắc kỹ lấy khoảng 1 bát nước cốt; tối trước khi đi ngủ lấy bông thấm nước thuốc bôi vào chỗ ngứa; thường thì khoảng 5 ngày có thể đỡ.
(2) Quả ké đầu ngựa (thương nhĩ tử) 30g, rửa sạch, giã nát; cho vào nồi, đổ 3 bát nước, sắc lấy 1 bát nước cốt; buổi tối uống nửa bát, phần còn lại thêm vài hạt muối rồi bôi vào chỗ ngứa.
(3) Rượu trắng nửa lít, gừng tươi 250g; gừng đem rửa sạch, thái lát, ngâm trong rượu 3 ngày đêm; hàng ngày lấy bông tẩm thứ rượu này bôi vào chỗ ngứa; ngày bôi 2 lần, sáng và tối trước khi đi ngủ.
Chú ý đặc biệt: Chữa ngứa trong mùa đông không giống mùa hè. Mùa hè nóng ẩm, Đông y thường dùng các bài thuốc hoặc món ăn có tác dụng "lương huyết tiêu độc" để trừ phong - thấp - nhiệt. Mùa đông mà lạm dụng thuốc "lương huyết tiêu độc" ngược lại có thể gây nên mất cân bằng âm dương trong cơ thể, khiến cho sức đề kháng giảm sút và ngứa tăng thêm. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.