Hỏi:
Răng tôi không bị sâu, nhưng khoảng một năm nay rất hay bị đau. Những lần đầu bị đau, tôi đi khám nha khoa, bác sĩ kê đơn cho dùng Dorogyne (uống) và Metrogyl Denta* (bôi ngoài), bệnh rất mau khỏi. Có điều, từ mấy tháng nay, những thứ thuốc đó đối với tôi không còn có tác dụng nữa. Do đó, mong "Thuốc vườn nhà" tư vấn cho biết, có thể chữa trị đau răng bằng Đông y hay không?
Trần Quang Tuấn, Ninh Bình
Đáp:
Kim ngân
Đau răng, trong Đông y gọi là "nha thống".
Theo Đông y: Nha thống có thể do nguyên nhân bên ngoài (ngoại nhân) hoặc nguyên nhân bên trong cơ thể (nội nhân) gây nên. Ngoại nhân, chủ yếu do cơ thể suy yếu, sức chống bệnh suy giảm, "phong hỏa" (tác nhân gây bệnh) xâm nhập vào cơ thể mà gây nên bện. Còn nội nhân, có thể do "vị nhiệt" - tức nhiệt độc ứ đọng ở tràng vị (đường ruột và dạ dày), hoặc do "hư hỏa" - thứ "hỏa" do Âm dịch bị hư tổn, không đủ sức cân bằng với Dương khí, Dương khí hóa thành "hỏa" - mà gây nên bệnh.
Do đó, trên lâm sàng, để tiến hành biện chứng thi trị, nha thống thường được chia thành 3 loại hình chính là "Phong hỏa nha thống", "Vị nhiệt nha thống" và "Hư hỏa nha thống". Bạn có thể căn cứ vào những biểu hiện cụ thể (triệu chứng) của bản thân, mà chọn dùng phép chữa, bài thuốc tương ứng như sau:
1. Phong hỏa nha thống:
- Triệu chứng: Răng đau kịch liệt, chỗ đau không sưng tấy, răng không lung lay hoặc chỉ hơi lung lay, có thể kèm theo sốt nhẹ; rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng; mạch sác (nhanh). Loại hình này hay gặp trong "viêm tủy răng cấp tính" hoặc "viêm chân răng cấp tính" theo chẩn đoán của Tây y.
- Chữa trị: Có thể sử dụng bài thuốc có tác dụng "trừ phong thanh nhiệt".
- Bài thuốc: Dùng kim ngân hoa 12g, liên kiều 8g, trúc diệp (lá tre hoặc lá trúc) 12g, kinh giới 8g, ngưu bàng tử 8g, đạm đậu xị 8g, cát cánh 6g, bạc hà 3g, cam thảo 3g, lô căn 15g; sắc nước uống thay nước trong ngày, liên tục 7-10 ngày.
2. Vị hỏa nha thống:
- Triệu chứng: Răng đau kịch liệt, chỗ răng đau và vùng miệng lân cận sưng tấy đỏ, lợi mưng mủ rỉ nước, có khi khó há miệng, có thể kèm theo sốt nhẹ hoặc sốt cao, miệng đắng, khát nước, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện thường táo; rêu lưỡi trắng dầy hoặc hơi vàng, mạch sác (nhanh). Loại hình này hay gặp trong "viêm chân răng cấp tính", "viêm chân răng mưng mủ" theo chẩn đoán của Tây y.
- Chữa trị: Có thể sử dụng bài thuốc có tác dụng "thanh vị tả hỏa".
- Bài thuốc: Sinh thạch cao 30g (đập nhỏ, sắc trước 30 phút), chi tử 10g, cát căn 10g, hoàng liên 6g, sinh địa 12g, đan bì 9g, thăng ma 6g; sắc nước uống trong ngày, liên tục 10-15 ngày.
3. Hư hỏa nha thống:
- Triệu chứng: Răng hơi đau, lợi răng không sưng thũng hoặc có ngòi, răng lung lay; kèm theo miệng khát nhưng không thích uống nước; lưỡi không rêu hoặc rêu trắng mỏng, mạch tế sác vô lực (nhanh nhỏ yếu). Loại hình này thường gặp trong bệnh "nha chu mạn tính" hoặc "viêm quanh răng mạn tính" theo chẩn đoán của Tây y.
- Chữa trị: Có thể sử dụng bài thuốc có tác dụng "tư âm giáng hỏa".
- Bài thuốc: Thục địa 12g, sinh địa 12g, sơn thù du 8g, sơn dược 8g, trạch tả 6g, đan bì 6g, phục linh 8g, vỏ núc nác 8g, ngưu tất 8g; sắc 2-3 nước, trộn đều 3 nước, cô lại còn khoảng 3 bát, chia ra 3 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng, liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3-4 ngày lại tiếp tục liệu trình khác.
Đây là dạng đau răng dai dẳng, cần kiên trì uống thuốc mới có thể khỏi hẳn. Tốt nhất, bạn nên đi khám Đông y, để được hướng dẫn cách gia giảm vị thuốc, cho thật phù hợp với thể tạng.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.