Hỏi:
Người ta thường nói, mùa Xuân là mùa của hy vọng, nhưng đối với tôi mùa Xuân lại là mùa khốn khổ, vì cơ thể vô cùng mệt mỏi và hay bị cảm. Là bạn đọc thường xuyên của "Thuốc vườn nhà", tôi mong được "Thuốc vườn nhà" cho biết, có thể sử dụng thuốc Nam để làm tăng sức sống và giải trừ mệt mỏi hay không?
Văn Thanh, Hà Nội
Đáp:
Mùa Xuân cây cối đâm chồi nảy lộc, cảnh vật tươi đẹp, nhưng cũng là giai đoạn thời tiết biến đổi đột ngột và có nhiều gió. Trong những tháng đầu Xuân, nhiệt độ không khí nói chung vẫn còn thấp, trời vẫn lạnh, lại thêm mưa phùn, khiến cho tầng khí quyển gần mặt đất chứa nhiều hơi nước, độ ẩm không khí rất cao, có khi lên tới 90-95%.
Nhiệt độ môi trường tăng, khiến da và lỗ chân lông giãn nở dần; lưu lượng máu trong hệ thống huyết quản ngoại vi tăng lên, khiến lượng máu cung cấp lên não và cơ quan nội tạng giảm xuống. Mặt khác, bước vào mùa Xuân, chuyển hóa cơ bản của cơ thể cũng tăng dần, nên nhu cầu về máu và ô-xy cũng tăng lên, khiến lượng máu đưa lên não càng bị giảm thiểu, dẫn tới tình trạng độ hưng phấn thần kinh vỏ não giảm xuống rõ rệt. Suốt mùa Đông, bộ não của chúng ta đã quen hoạt động trong điều kiện huyết dịch dồi dào. Sang Xuân não chưa thích ứng ngay với tình trạng huyết dịch giảm thiểu, nên thường dẫn tới tình trạng mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ, ... mà Đông y gọi là "Xuân khốn" (tình trạng khốn khổ trong ngày Xuân).
Thực ra, "Xuân khốn" là giai đoạn quá độ, khi cơ thể con người phải điều chỉnh lại "đồng hồ sinh học", để thích nghi dần với những biến đổi của môi trường bên ngoài. Trong giai đoạn này, trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người cơ thể suy yếu, mắc bệnh mạn tính, khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường không đầy đủ, rất dễ bị mắc một số chứng bệnh ngoại cảm, cũng như nội thương.
Để khắc phục "Xuân khốn", tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa bệnh cũ tái phát, trước hết cần chú ý ngủ đủ thời gian, nhất là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Ngủ đủ có tác dụng giải trừ "Xuân khốn" rất tốt. Thứ hai, cần tăng cường luyện tập thể dục, thể thao và tham gia các hoạt động ngoài trời.
Kinh nghiệm thực tiễn lâu dài của Đông y cho thấy, cùng với những biện pháp trên, có thể sử dụng thêm một số bài thuốc Nam, có tác dụng bổ gan thận, khắc phục "Xuân khốn" và nâng sức đề kháng, dưới đây:
(1) Bài thuốc 1: Nấm hương (hoặc nấm đông cô) 50g, kỷ tử 20g, đại táo (táo tầu) 10g, thịt lợn nạc 100g; nấu thành món canh ăn trong ngày; liên tục 10 ngày. Có tác dụng tăng cường chức năng tiêu hóa, bổ gan thận và giải trừ tình trạng "Xuân khốn".
(2) Bài thuốc 2: Kỷ tử 20g, đại táo (táo tầu) 10g, trứng gà tươi 2 quả; cho tất cả vào nồi, thêm nước, nấu đến khi trứng chín, vớt trứng ra, bóc bỏ vỏ, lại cho trứng vào nấu tiếp 15 phút là được; ăn trứng, uống nước thuốc. Có tác dụng tăng cường chức năng tiêu hóa, bổ gan thận và giải trừ tình trạng "Xuân khốn".
(3) Bài thuốc 3: Nấm linh chi 15g, hoàng kỳ 20g, chân giò lợn 100g; tất cả đem chế biến thành món hầm, ăn chân giò và uống nước canh. Thường xuyên sử dụng có tác dụng tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng; ngoài ra còn có tác dụng nhất định trong điều trị bệnh thần kinh suy nhược, phòng ngừa các bệnh tim mạch và hen suyễn tái phát.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.