Hỏi:
Tôi nghe nói, củ thiên niên kiện là vị thuốc Nam có tác dụng chữa đau nhức xương khớp rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, thông tin trên có đúng hay không? Nếu đúng thì cách sử dụng cụ thể như thế nào? Vì tôi thường hay bị đau ngang thắt lưng và đầu gối, mà cây thiên niên kiện lại mọc hoang rất nhiều ở vùng quê tôi.
Lê Nam Cường, Chợ Mới, Bắc Kạn
Đáp:
Thiên niên kiện đúng là một vị thuốc có tác dụng chữa đau nhức gân cốt tốt. Kinh nghiệm dùng thiên niên kiện làm mạnh gân cốt, chữa đau nhức, đã được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay. Người xưa đặt cho cây tên "thiên niên kiện" vì cho rằng, dùng vị thuốc này thì "nghìn năm khỏe mạnh" ("thiên" = nghìn, "niên" = năm, "kiện" = khỏe mạnh).
Thiên niên kiện còn có tên là "sơn thục", "săn sục", "ráy xước", "bao kim", ... tên khoa học là Homalomena aromatica (Roxb). Schott (Calla aromatica Roxb), thuộc họ Ráy (Araceae).
Thiên niên kiện là loại cây sống lâu năm, có thân rễ mập, màu xanh, đường kính 1-2cm. Lá mọc so le, có cuống dài từ 18-25cm, màu xanh, mềm, nhẵn; phía dưới cuống nở rộng thành bẹ, có màu vàng nhạt; phiến lá hình đầu mũi tên, dài 11-15cm, rộng 7-11cm, đầu nhọn, phía dưới hình cánh tên, mép nguyên, mặt trên lá có màu đậm hơn, hai mặt đều nhẵn, gân ở hai mép đều hướng về phía đỉnh lá. Cụm hoa mẫm, nở vào tháng 3-4. Quả mọng.
Thiên niên kiện mọc hoang rất nhiều ở các miền rừng núi nước ta. Thường gặp ở những nơi ẩm ướt, cạnh suối hay dọc theo suối. Có thể khai thác quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa Thu, Đông.
Vị thuốc "thiên niên kiện" (Rhizoma Homalomenae) trong Đông y là thân rễ của cây: Hái về, rửa sạch đất cát, bỏ rễ con, phơi hay sấy khô là được.
Thiên niên kiện được sử dụng làm thuốc trong Đông y từ nhiều thế kỷ trước; trong sách thuốc, hiện tại được xếp vào nhóm thuốc "trừ phong thấp, mạnh gân cốt" (khư phong thấp, cường cân cốt).
Theo Đông y: Thiên niên kiện có vị đắng cay, tính ấm; đi vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng trừ phong thấp, mạnh gân cốt.
Đông y truyền thống chủ yếu sử dụng chữa khớp xương, gân cơ đau nhức do phong thấp, lưng gối lạnh đau, hạ chi tê bì, co rút, đau nhức.
Dân gian nhiều địa phương nước ta thường dùng chữa tê thấp, mạnh gân cốt, cắt cơn đau; dùng trong bệnh người già bị đau mình mẩy, nhức xương khớp; còn dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, chữa đau dạ dày.
Hiện đại trên lâm sàng, thiên niên kiện được sử dụng để chữa viêm khớp cấp, viêm khớp dạng thấp, viêm cơ, viêm dây chằng và đau thần kinh tọa.
Kết quả nghiên cứu dược lý cho thấy: Tinh dầu trong thiên niên kiện có tác dụng diệt nhiều loại trực khuẩn và ức chế virus gây mụn rộp loại I (Herpes simplex virus type 1). Nước sắc thiên niên kiện có tác dụng thúc đẩy lưu thông huyết dịch, giảm đau và chống đông máu tương đối mạnh. Cồn thuốc thiên niên kiện có tác dụng chống viêm, giảm đau và kháng histamine, chống dị ứng.
Như vậy, kinh nghiệm dân gian dùng thiên niên kiện để chữa đau xương khớp, một số bệnh nhiễm trùng, dị ứng, là có cơ sở.
Để chữa làm mạnh gân cốt, chữa các chứng đau mỏi do phong thấp, bạn có thể sử dụng thiên nhiên kiện như sau:
(1) Dùng thiên niên kiện 8g, cốt toái bổ 10g, bạch chỉ 8g; sắc uống trong ngày. Có tác dụng chữa đau gân cốt và sợ nước.
(2) Dùng thiên niên kiện 8g, dây đau xương 10g, cẩu tích 10g, ngưu tất (hoặc rễ cỏ xước) 10g; sắc uống trong ngày.
(3) Rượu mạnh gân cốt: Dùng thiên niên kiện 80g, đương quy 100g, sinh địa 120g, thục địa 120g, ba kích 100g, đỗ trọng 80, trần bì 20g, cam thảo 20g, ngâm với 2 lít rượu trắng tốt; mùa Hè sau 3 tuần, mùa Đông sau 1 tháng, có thể chắt rượu ra sử dụng; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 chén con (khoảng 20ml).
Một số vấn đề cần chú ý:
1. Không dùng liều cao. Thông thường, chỉ nên sử dụng thiên niên kiện với liều từ 5-10g; sắc lấy nước hoặc ngâm rượu uống. Dùng quá liều dễ dẫn tới trúng độc.
2. Triệu chứng trúng độc: Choáng váng, đau đầu, lợm giọng, buồn nôn, nôn; thậm chí toàn thân co giật, sùi bọt mép, đầu gáy cứng đơ, lưng ưỡn cong (giác cung phản trưởng).
3. Theo Đông y, thiên niên kiện là vị thuốc cay ấm, khí vị đậm đặc, người "Âm hư nội nhiệt" sử dụng phải thận trọng. Vì vậy khi sử dụng, tốt nhất cần có sự tư vấn và theo dõi của thầy thuốc Đông y.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.