Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Thuốc Nam chữa đau lưng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 07/03/2014 01:34 SA

Hỏi:

Cháu năm nay 24 tuổi, đang học năm cuối Trường sĩ quan lục quân I, ... Cháu đang bị căn bệnh gai đôi cột sống đoạn S1 hành hạ, đã khoảng hơn một năm nay, đã sử dụng một số loại thuốc Đông y và Tây y (thuốc giảm đau) nhưng không hiệu quả. Vậy mong "Thuốc vườn nhà" cho cháu biết căn bệnh này có chữa khỏi được không? Có thể giới thiệu cho cháu một bài thuốc Nam được không?

Thanh V. Cao, Hà Nội

Đáp:

thổ phục linh

Gai đôi cột sống, gây đau lưng, hoặc đau xuyên xuống chân - dọc theo đường phân bố của thần kinh tọa, thuộc phạm vi các chứng "yêu thống" hoặc "yêu thoái thống" của Đông y. Thời gian qua, có lẽ bạn mới chỉ uống thuốc Tây y để giảm đau, hoặc uống thuốc Đông y theo kinh nghiệm do một số người mách bảo, nên bệnh thuyên giảm chậm.

Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn tới "yêu thống" (đau thắt lưng), hoặc "yêu thoái thống" (đau thắt lưng lan xuống dưới chân), có thể do một số nguyên nhân chủ yếu như (1) Sinh hoạt lâu ngày ở những nơi ẩm thấp, ngâm nước lâu, bị mưa ướt, đang vã mồ hôi ra ngoài gió, ... khiến "hàn tà" và "thấp tà" xâm nhập vào cơ thể, làm cho kinh lạc bị nghẽn tắc, khí huyết bị ngưng trệ, mà gây nên bệnh; (2) Hàn thấp ứ đọng trong cơ thể, tích tụ lâu ngày hóa thành "hỏa độc", hoặc mùa Hạ bị nhiễm phải "thấp tà" và "nhiệt tà", khiến kinh lạc nghẽn tắc, mà gây nên bệnh; (3) Do vùng thắt lưng - khung chậu bị tổn thương, khiến khí huyết ứ đọng, gây nên đau nhức; (4) Do bẩm sinh yếu ớt, hoặc mắc bệnh mạn tính, khiến tinh huyết ở hai tạng Can và thận bị hao tổn, kinh mạch không được nuôi dưỡng đầy đủ, mà gây nên bệnh.

Căn cứ vào 4 nguyên nhân trên, trên lâm sàng Đông y thường chia bệnh thành 4 loại hình sau đây, để dùng thảo dược hoặc thức ăn chữa trị, theo nguyên tắc "biện chứng luận trị":

1. Hàn thấp:

    - Triệu chứng chính: Đau nhức, kèm theo cảm giác lạnh từ thắt lưng xuống chân, khó xoay người, bệnh ban đầu đau nhẹ sau nặng dần, nằm nghỉ đau không giảm, chườm ấm hoặc thời tiết ấm lên thì đau giảm. Rêu lưỡi trắng nhớt, mạch trầm trì (chìm, chậm).

    - Bài thuốc tiêu biểu: Độc hoạt 10g, tang ký sinh 8g, thương truật 12g, xuyên khung 10g, cam thảo 6g, phòng phong 6g, ngưu tất 15g, mộc qua 10g, quế chi 10g, can khương 6g, phục linh 15g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, mỗi thang sắc 3 lần, hợp 3 nước với nhau, cô đặc còn 3 bát, chia ra 3 lần uống cách xa bữa ăn; liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

    - Món ăn - Bài thuốc: Can khương (gừng khô) 5-6g, thổ phục linh 15g, táo tầu 5 trái; sắc lấy nước bỏ bã, dùng nước thuốc thêm 50-100g gạo tẻ nấu cháo, thêm đường đỏ, chia ra ăn 2 lần trong ngày.

    - Rượu thuốc: Thương truật 15g, hồng hoa 10g, mộc qua 15g, rượu trắng 500ml; ngâm ít nhất 7 ngày, ngày uống 2 lần, mỗi lần 15-20ml.

2. Thấp nhiệt:

    - Triệu chứng chính: Đau nhức suốt từ lưng xuống chân, vị trí đau có cảm giác nóng, gặp trời mưa hoặc thời tiết nóng thì đau tăng lên. Rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác (trơn, nhanh).

    - Bài thuốc tiêu biểu: Vỏ núc nác 12g, thương truật 12g, ý dĩ nhân 30g, ngưu tất 15g, cốt khí củ 10g, tỳ giải 12g, xuyên khung 8g, nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 30g, cam thảo 6g; sắc lấy nước, mỗi thang sắc 2 lần, chia ra 3-4 lần uống cách xa bữa ăn, liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày, lại tiếp tục 1 liệu trình khác.

    - Món ăn - Bài thuốc: Ý dĩ nhân 50g, đậu xanh (để cả vỏ) 50g; nấu thành cháo, chia ra 2-3 lần ăn trong ngày.

3. Huyết ứ:

    - Triệu chứng chính: Đau như dùi đâm, vị trí đau cố định, ấn vào đau tăng, ngày đau nhẹ đêm đau nặng hơn. Chất lưỡi tím tái, hoặc có chỗ ứ huyết, mạch sáp (rít). Thể bệnh này thường gặp ở những người có tiền sử bị chấn thương vùng thắt lưng, xương chậu.

    - Bài thuốc tiêu biểu: Đào nhân 12g, đương quy 12g, xuyên khung 10g, đan sâm 8g, xích thược 8g, cốt khí củ 12g, ngưu tất 12g, hương phụ 15g, thanh bì 10g; sắc và uống giống như bài thuốc trong mục "1. Hàn thấp".

    - Rượu thuốc: Hồng hoa 30g, đan sâm 30g, kê huyết đằng 30g, rượu trắng 1000ml; ngâm ít nhất 7 ngày, mỗi lần uống 20ml, ngày 3 lần.

4. Can thận suy hư:

    - Triệu chứng chính: Lưng gối đau mỏi yếu, đau âm ỉ, thích được xoa bóp, khi người mệt nhọc đau tăng lên, nằm nghỉ đau giảm. Thường tái phát đi tái phát lại, kèm theo đầu choáng mắt hoa, tai ù, sắc diện đen sạm. Chất lưỡi nhạt rêu lưỡi mỏng, mạch trầm tế vô lực (chìm nhỏ yếu).

    - Bài thuốc tiêu biểu: Bổ cốt chi 12g, đỗ trọng 12g, hồ đào nhục 12g, ngưu tất 12g, hoài sơn 30g, thỏ ty tử 12g, câu kỷ tử 10g, đương quy 15g, cẩu tích 12g, tục đoạn 10g, độc hoạt 6g, mộc qua 10g; sắc và uống giống như bài thuốc trong mục "1. Hàn thấp".

    - Món ăn - Bài thuốc:

        (1) Hoài sơn 30-60g, câu kỷ tử 20-30g; sắc lấy nước, thêm gạo tẻ (50-100g), nấu cháo ăn trong ngày.

        (2) Tục đoạn 25g, đỗ trọng 30g, đuôi lợn 1-2 cái (bỏ da); hầm lên, thêm mắm muối gia vị, làm thức ăn trong bữa cơm.


Để phân biệt thật chính xác 4 loại hình bệnh nói trên, còn cần biết thêm một số triệu chứng toàn thân khác. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đến cơ sở chẩn trị Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc khám bệnh trực tiếp, đồng thời gia giảm các đơn thuốc cho thật thích hợp với bệnh tình, cũng như thể tạng của bạn. Trước mắt, nếu chưa có điều kiện để đi khám Đông y, chỉ nên áp dụng thử Món ăn - Bài thuốc, tương ứng với từng loại hình bệnh.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]