Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tai ù (nhĩ minh) chữa trị không đơn giản

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 24/02/2014 01:10 SA

Hỏi:

Từ cuối năm ngoái, thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác như trong tai như có tiếng ve kêu, có khi lại thấy vù vù như gió thổi, ... Tôi đã tới bệnh viện khám Tai - Mũi - Họng, bác sĩ chẩn đoán tai bình thường, không viêm nhiễm, không bị ráy tai làm tắc nghẽn, ... Nói rằng sau một thời gian sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nhiều tháng đã trôi qua, mà bệnh vẫn không thấy "tự khỏi". Vì vậy, mong được "Thuốc vườn nhà" tư vấn cho biết, có thứ thuốc Nam nào khống chế được hiện tượng lạ lùng như trên không?

Bùi Bình Duy, Kiếng Xương, Thái Bình

Đáp:

đỗ trọng

Đỗ trọng

Trong Y học hiện đại, "tai ù" được xem như một triệu chứng cục bộ, do ráy tai tích lại quá nhiều, hay do một số bệnh viêm nhiễm tại chỗ, khiến cho ống tai bị tắc nghẽn, gây nên. Trong khi đó, tai ù lại được Đông y coi là một chứng bệnh đặc biệt, gọi là "nhĩ minh" ("nhĩ" = tai; "minh" = tạp âm, tiếng ù), liên quan mật thiết với sự thịnh suy của Âm Dương khí huyết, cũng như tình trạng hoạt động của các tạng phủ, trong toàn bộ cơ thể.

Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn tới "nhĩ minh" có thể do một số bệnh cục bộ ở tai, nhưng chủ yếu thường do các chứng bệnh toàn thân gây nên. Tùy theo nguyên nhân, mà tiếng ù có thể xuất hiện ở một hoặc hai tai; âm thanh phát ra có thể giống như ve kêu, như tiếng nước óc ách, như tiếng sóng thủy triều, tiếng gió ù ù, tiếng chuông, tiếng sấm, ... Ngoài hiện tượng tai ù, thường kèm theo đầu đau, mặt đỏ, bồn chồn, nóng nẩy, hoặc tức ngực, đầy bụng, nôn mửa đờm dãi; hoặc kèm theo đầu choáng mắt hoa, lưng gối đau mỏi, ...

Tai ù, tuy là hiện tượng có vẻ đơn giản, nhưng ảnh hưởng không nhỏ thính giác, công việc và sinh hoạt hàng ngày, mà chữa trị cũng không đơn giản, do liên quan tới rất nhiều trạng thái bệnh lý khác nhau. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tìm đến một thầy thuốc Đông y giàu kinh nghiệm, để được chẩn đoán và tư vấn dùng thuốc cụ thể. Tuy nhiên, tạm thời bạn có thể căn cứ vào triệu chứng và biểu hiện cụ thể ở bản thân, để nhận biết thể bệnh, và lựa chọn, sử dụng thử, một trong số các bài thuốc dưới đây:

1. Thể Can hỏa thượng viêm:

    - Biểu hiện: Khả năng nghe đột nhiên giảm mạnh, tai ù - âm thanh nghe như sóng thủy triều, hoặc như tiếng gió rít; khi nặng khi nhẹ, mỗi khi bực bội thì nặng thêm, kèm theo những biểu hiện như đau đầu, choáng váng, hoa mắt, mặt đỏ hồng, mắt đỏ tía, miệng đắng, họng khô, người bồn chồn, dễ nổi khùng, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện táo kết, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.

    - Phép chữa: Thanh can, tả hỏa.

    - Bài thuốc:

        (1) Bài thuốc 1: Cúc hoa 30g, xương bồ 15g, xa tiền thảo (cây mã đề) 30g; sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục 7-8 ngày.

        (2) Bài thuốc 2: Sài hồ 9g, chi tử 9g, thiên hoa phấn 18g, xa tiền thảo 30g, đường trắng lượng thích hợp; sắc lấy nước, bỏ bã, hòa thêm đường trắng, chia ra nhiều lần uống trong ngày, liên tục 7-8 ngày.

2. Thể Đàm trọc ung kết:

    - Biểu hiện: Tiếng ù trầm thấp, hoặc âm thanh như bị nghẽn trong tai, kèm theo đầu choáng váng nặng, ngực ngột ngạt, bụng đầy trướng, đôi khi nôn mửa ra đờm dãi, miệng khô đắng, đại tiện tiểu tiện không thông suốt, rêu lưỡi vàng nhớt; mạch hoạt sác.

    - Phép chữa: Thanh trọc hóa đàm.

    - Bài thuốc:

        (1) Bài thuốc 1: Dùng trần bì 10g, hạnh nhân 20g, sinh khương 10g; sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục 7-8 ngày.

        (2) Bài thuốc 2: Rau cần liền cả rễ 120g, gạo tẻ 250g; cùng nấu cháo, chia ra ăn trong ngày, liên tục nhiều ngày.

3. Thể Thận tinh suy tổn:

    - Biểu hiện: Hay gặp ở người cơ thể suy nhược hay người già; tai có tiếng như ve kêu, ban đầu nhẹ sau nặng dần, đêm đến nặng thêm, gây mất ngủ; tai nghe kém dần; kèm theo lưng mỏi, gối yếu, đầu choáng, mắt mờ, di tinh, di niệu, mạch tế nhược.

    - Phép chữa: Tư bổ thận tinh.

    - Bài thuốc:

        (1) Bài thuốc 1: Bầu dục lợn 1 đôi, đậu đen 60g, đỗ trọng 15g, sinh khương 9g, xương bồ 10g; cùng hầm chín, thêm gia vị, chia ra ăn trong ngày, liên tục nhiều ngày.

        (2) Bài thuốc 2: Thịt chó 250g, đậu đen 60g; cùng hầm nhừ, chia 2 lần (sáng và tối) ăn hết trong ngày, cách ngày ăn một lần, liên tục 2-3 tuần.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]