Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng của Ngô công (Con rết)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 08/02/2012 11:19 CH

Hỏi:

Tôi bị viêm dây thần kinh số 7, bác sĩ khám và cho thuốc thần kinh về uống vẫn không khỏi. Tôi đành phải tìm đến phòng khám Đông y, thầy thuốc bán cho 2 con ngô công, bảo về rang vàng tán mịn, uống theo cân tiểu li. Tôi uống và khỏi được 1 năm. Nay bệnh tái phát, tôi lại đến phòng khám Đông y và thầy thuốc lại bán cho 2 con ngô công. Tôi muốn hỏi, uống ngô công nhiều có tác dụng phụ gì không? Ngoài tác dụng chữa bệnh dây thần kinh, ngô công còn có những tác dụng gì khác?

Thanh Tú, M'đrắk, Đắk Lắk

Đáp:

con rết, rết, ngô công, thiên long, bách túc trùng, bách cước

"Ngô công" có nghĩa là con rết. Vị thuốc "ngô công" trong Đông y là toàn bộ con rết sau khi phơi hoặc sấy khô, còn có tên là "thiên long", "bách túc trùng", "bách cước".

Theo Đông y: Ngô công có vị cay, tính ấm, có độc, vào kinh Can. Có tác dụng thông kinh hoạt lạc (khơi thông kinh mạch), trừ phong chỉ kinh (chống co giật), chỉ thống (giảm đau), giải độc, tán kết. Thường dùng chữa trúng phong, bán thân bất toại, động kinh, nhọt độc, lở loét, loa lịch (tràng nhạc), rắn độc cắn, đau đầu ngoan cố, phong tê thấp mình mẩy chân tay đau nhức.

Ngô công là vị thuốc có độc, nên chỉ sử dụng với liều nhỏ: Ngày dùng 1-3g, mỗi lần uống 0,6-1g. Trẻ nhỏ thiếu máu, phụ nữ có thai, người cơ thể suy nhược không được dùng độc vị.

Ngô công có tác dụng gây tán huyết, dẫn đến choáng, dị ứng. Lượng nhỏ gây hưng phấn cơ tim, lượng lớn gây tê liệt tim, ức chế trung khu hô hấp.

Triệu chứng nhiễm độc: Buồn nôn, nôn, đau bụng tiêu chảy, mỏi toàn thân, mạch chậm, hồi hộp, khó thở, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, hôn mê.

Phương pháp giải độc: Dùng phượng vĩ thảo (cỏ seo gà) 100g, kim ngân hoa 100g, cam thảo 20g, sắc nước chia 2 lần uống (cách 4 giờ 1 lần); ngày uống 2 thang.

Một số bài thuốc có sử dụng ngô công:

    (1) Trĩ lở loét, đau nhức: Ngô công bỏ đầu, chân, sấy khô, tán nhỏ, hòa ít long não, thêm ít nước hay rượu bôi lên búi trĩ; ngày bôi 1-2 lần.

    (2) Mụn nhọt, sâu bọ cắn: Rết cả con, đem ngâm trong rượu cao độ ít nhất 10 ngày (hoặc ngâm trong dầu vừng khoảng 3-4 tháng); dùng rượu (hoặc dầu) này bôi lên mụn nhọt, chỗ bị sâu bọ cắn.

    (3) Chữa tê liệt thần kinh mặt (dây số 7), tê thấp đau nhức, động kinh: Ngô công sấy khô, bỏ đầu chân, tán nhỏ, trộn với lượng tương đương bột cam thảo (có thể trộn với nước hồ làm thành viên); ngày uống 3 lần uống, mỗi lần 0,2g.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

2 Ý kiến bạn đọc
gioi (21/12/2016 12:02 SA)

cho chau hoi tham voi bac si con rết chữa bệnh động kinh uông bao nhiêu lâu là khỏi ạ và cách làm như thế nào cho hợp lý ạ

gioi (24/11/2016 05:23 SA)

ngô công chữa bệng động kinh còn cam thảo liều lượng như thế nào vậy thầy

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]