Hỏi đáp

Tác dụng chữa bệnh của hoa mào gà đỏ

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/11/2011 07:51 SA

Hỏi:

Tôi nghe nói, hoa mào gà đỏ cũng là một cây thuốc. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết rõ hơn về tác dụng chữa bệnh và cách dùng cây này để chữa một số bệnh thông thường.

Nguyễn Mạnh Toàn, Hải Dương

Đáp:

cây hoa mào gà đỏ, hoa mào gà, bông mồng gà đỏ, kê quan hoa, kê đầu, kê quan, Celosia cristata L.

Cây hoa mào gà đỏ còn có tên "bông mồng gà đỏ", "kê quan hoa", "kê đầu", "kê quan", tên khoa học là Celosia cristata L.

Cây mào gà đỏ là một loại cỏ sống lâu năm, mọc hoang hoặc được trồng làm cảnh ở khắp nước ta. Tuy thường gọi là "mào gà đỏ", nhưng màu hoa có thể đỏ, vàng hoặc trắng.

Cần phân biệt cây với cây "mào gà trắng" - còn gọi là "mào gà đuôi nheo", "thanh tương tử" - hoa hình trứng thuôn dài, đầu nhọn, màu trắng hoặc trắng hồng, nhìn không giống như mào con gà (không nói đến ở đây).

Trong hoa mào gà có các chất dinh dưỡng và hoạt chất như: Chất đạm, chất béo; các acid folic, pantothenic; các vitamin B1, B2, B4, B12, C, D, E, K; các amin acid trytophan, lysine; 12 loại nguyên tố vi lượng; 50 loại mem thiên nhiên (bao gồm enzyme và coenzyme). Đặc biệt, hàm lượng chất đạm (protein) lên tới 73%, vì vậy hoa mào gà được coi là một loại thức ăn bổ dưỡng cao cấp.

Theo Đông y, hoa mào gà vị ngọt, tính mát; vào kinh Can và Đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, chỉ huyết, chỉ lỵ. Dùng  chữa trĩ lậu hạ huyết, xích bạch hạ lỵ, thổ huyết, khái huyết, huyết lâm, phụ nữ băng trung, xích bạch đới hạ, tiện huyết, niệu huyết. Cành và lá có tính năng và tác dụng tương tự như hoa; cũng thường được dùng để cầm máu và chữa trị các chứng viêm loét.

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số đơn thuốc có dùng hoa và cây mào gà:

    (1) "Hoa ngọc kê" - Món ăn bổ dưỡng: Hoa mào gà 150-200g, gà mái một con; gà làm thịt, nấu chín đến nửa phần, sau đó cho hoa mào gà vào nấu tiếp cho chín nhừ, thêm mắm muối gia vị cho vừa miệng là được. Món ăn này là sự tổng hợp giữa đạm thực vật và đạm động vật, vừa bổ dưỡng lại vừa ngon miệng. Có tác dụng tăng lực và bổ khí huyết, dùng cho trường hợp lao lực người mệt lả và dễ mắc các chứng xuất huyết (Theo Bách thảo dược dụng thú thoại).

    (2) Chữa thổ huyết, khạc huyết, nục huyết (chảy máu cam):

        - Dùng hoa mào gà tẩm với giấm, đun sôi, phơi hoặc sấy khô, tán thành bột mịn, mỗi lần uống 6g, chiêu bằng rượu ấm (Theo Kinh nghiệm phương).

        - Hoặc dùng hoa mào gà tươi 15-20g (khô 7-15g), sắc lấy nước hầm với phổi lợn, ăn sau các bữa cơm (Theo Tuyền Châu bản thảo).

        - Hoặc dùng hoa mào gà, cỏ nhọ nồi, thiến thảo - mỗi thứ 10-15g, sắc nước uống (Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam).

        Thiến thảo (Rubia cordifolia L.) còn gọi là "tây thảo", "mao sáng", "dù mi nhùa" (Mèo), "hùng sì sẻng" (Tày); mọc hoang ở rừng núi.

    (3) Chữa dạ dày, ruột chảy máu, tử cung xuất huyết, lỵ ra máu, ỉa ra máu, kinh nguyệt dài ngày không hết: Dùng hoa mào gà đỏ khô 10g (nếu tươi dùng 25-30g) sấy khô, tán nhỏ; chia làm nhiều lần uống trong ngày; mỗi lần uống 1-2g (Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).

    (4) Chữa kiết lỵ: Dùng hoa mào gà đỏ 15-20g, sắc với nước uống. Phân có lẫn máu thì hòa với đường đỏ uống, có lẫn mủ trắng thì hòa với đường trắng uống (Theo Tần Hồ tập giản phương).

    (5) Chữa trĩ xuất huyết: Dùng hoa mào gà, phòng phong - 2 thứ liều lượng bằng nhau; tán thành bột mịn, trộn với hồ gạo làm thành viên to bằng hạt đậu xanh; ngày uống 2-3 lần vào lúc đói bụng, mỗi lần 7-10 viên, dùng nước cơm hoặc cháo loãng chiêu thuốc (Theo Vĩnh loại kiềm phương).

    (6) Chữa viêm đường tiết niệu: Dùng bông mào gà 15g, biển súc (rau đắng) 15g, thài lài 30g; sắc nước uống (Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam).

    (7) Chữa kinh nguyệt không điều hòa: Dùng cả cây hoa mào gà đỏ khô 30g, tán thành bột mịn, hòa với rượu uống vào lúc đói bụng (Theo Bách thảo dược dụng thú thoại).

    (8) Chữa tử cung xuất huyết cơ năng: Dùng hoa mào gà 15g, hải phiêu tiêu (mai mực) 12g, bạch biển đậu (đậu ván trắng) 12g; sắc nước uống trong ngày (Theo Bách thảo dược dụng thú thoại).

    (9) Chữa da nổi mề đay: Dùng cả cây hoa mào gà nấu nước, uống ngày 3-4 bát và rửa ngoài (Theo Giang Tây trung thảo dược thủ sách).

    (10) Chữa rết cắn bị thương: Dùng cả cây hoa mào gà đỏ giã nát đắp vào chỗ vết thương (Theo Giang Tây trung thảo dược thủ sách).


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]