Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng chữa bệnh của cây sau sau

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 16/03/2012 09:12 CH

Hỏi:

Tôi bị thấp khớp đã lâu ngày, uống nhiều loại tân dược không khỏi. Gần đây, có một người bạn phổ biến cho kinh nghiệm: Dùng 10-15g trái cây sau sau phơi khô, sắc nước uống thay nước trong ngày, sẽ khỏi hẳn bệnh. Tôi rất muốn dùng thử, nhưng chưa biết rõ sau sau có những tác dụng gì? Có tác dụng phụ hoặc cần kiêng kỵ gì? Rất mong "Thuốc vườn nhà" chỉ dẫn cho biết.

Trần Đình Khôi, Yên Sơn, Tuyên Quang

Đáp:

cây sau sau, sau sau, sau trắng, bạch giao hương, phong hương, Liquidambar formosana Hance, họ sau sau

Cây sau sau mọc hoang khắp nơi. Thường thấy trong các rừng thưa, ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta. Cây còn có tên là "sau trắng", "bạch giao hương", "phong hương", tên khoa học là Liquidambar formosana Hance, họ Sau sau.

Có tài liệu nói, sau sau là loài cây rất cổ, được phát hiện ở nước ta từ trước Công Nguyên. Thời trước nhân dân thường sử dụng sau sau như "cây chủ", làm nơi nuôi sâu cước, để lấy chỉ khâu nón lá.

Tất cả các bộ phận của cây sau sau đều có thể sử dụng làm thuốc.

Theo Đông y:

    - Quả sau sau (Đông y gọi là "lộ lộ thông") có vị đắng, tính bình; vào tất cả 12 kinh mạch. Có tác dụng trừ phong thông lạc, lợi thủy trừ thấp. Dùng chữa chân tay tê đau co quắp, vị thống (đau dạ dày), thủy thũng trướng mãn, tiểu tiện bất lợi, kinh bế, ít sữa, ung nhọt, lở ngứa, thấp chẩn (eczema).

    - Lá cây sau sau (phong hương thụ diệp) có vị cay, đắng, tính bình, hơi có độc; vào 3 kinh Tỳ, Can và Thận. Dùng chữa viêm ruột cấp tính, kiết lỵ, sản hậu trúng phong co giật, nhọt độc, hậu bối, lở ngứa ngoài da. Tại một số địa phương, người ta còn dùng lá non làm rau ăn, nấu canh hoặc làm nộm.

    - Các bộ phận khác của cây sau sau như vỏ, rễ, nhựa đều có thể sử dụng làm thuốc.

Như vậy, sau sau là một cây thuốc quý ở ngay quanh nhà.

Tuy nhiên sử dụng sau sau cần chú ý một số kiệng kỵ: Phụ nữ có thai và những người "Âm hư nội nhiệt" (theo phân loại chứng hậu trong Đông y) không nên sử dụng. Ngoài ra, cần đặc biệt chú ý nấm mọc bám vào cây sau sau thường là những loài độc, nói chung không nên hái về ăn.

Dùng trái cây sau sau (lộ lộ thông) chữa tê thấp, khớp xương đau nhức là một kinh nghiệm đã được lưu truyền trong dân gian từ lâu đời. Có thể dùng một vị sau sau (10-15g khô), sắc nước uống trong ngày. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không dùng được. Cũng có thể phối hợp sau sau với một số vị thuốc có tác dụng dưỡng huyết trừ phong khác, như kê huyết đằng, đương quy, xuyên khung, ... Tốt nhất bạn nên đến một phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc khám và hướng dẫn cụ thể.

Xin giới thiệu thêm một số bài thuốc có dùng sau sau để bạn tham khảo:

    (1) Chữa cảm mạo: Dùng lá sau sau non 15g, lá chè 6g; pha nước sôi uống.

    (2) Chữa say nắng: Dùng lá sau sau non 10g, rửa sạch, giã nát, hòa với nước sôi uống.

    (3) Chữa kiết lỵ, nhiễm trùng đường ruột: Dùng lá sau sau tươi 30g, lá nghể tươi 15g; giã nát, vắt lấy nước cốt, chia ra uống trong ngày. Hoặc dùng lá sau sau non ở đầu cành 30g; sắc lấy nước, bỏ bã, hòa với đường trắng uống.

    (4) Chữa đại tiện xuất huyết: Trái sau sau 1 quả, thiêu tồn tính (bên ngoài cháy đen, bên trong vẫn còn nguyên chất thuốc), nghiền thành bột mịn, hòa với rượu, chia ra uống dần từng ít một.

    (5) Chữa vết thương đứt chém chảy máu: Lấy nhựa cây sau sau bôi vào chỗ vết thương.

    (6) Chữa ung nhọt, hậu bối: Dùng lá sau sau non, giã nát với cơm tẻ, đắp lên chỗ bị bệnh.

    (7) Chữa nhọt đầu đinh: Dùng rễ cây sau sau 60g, khoai lang 30g, men rượu 15g; cùng giã nát đắp lên chỗ bị nhọt.

    (8) Chữa lở ngứa ngoan cố, mề đay, nổi mẩn: Lấy lá hay vỏ cây sau sau nấu nước tắm rửa.

    (9) Chữa răng đau lâu năm: Dùng nhựa cây sau sau tán thành bột mịn, hàng ngày chấm, bôi vào chỗ đau vài ba lần.

    (10) Chữa hóc xương cá: Lấy một ít nhựa sau sau, cho vào miệng ngậm và nuốt dần dần từng ít một.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]