Hỏi:
Gần nơi tôi ở có rất nhiều cây mâm xôi mọc hoang. Xin được hỏi "Thuốc vườn nhà": Cây có độc hay không? Có thể sử dụng để làm thuốc không? Chữa được những bệnh gì?
Nguyễn Thị Lài, Mai Châu, Hòa Bình
Đáp:
Mâm xôi là cây mọc hoang ở khắp nơi, thường gặp trong rừng thưa, ven đường, ... Thời trước, trẻ chăn trâu vẫn hái quả ăn. Không phải cây độc. Quả, cũng như cành, lá đều có thể sử dụng làm thuốc.
Cây "mâm xôi" còn có tên là "đùm đũm", "đũm đũm", "cơm xôi", "chúc xôi", "mắc hủ" (dân tộc Tày), "co hu" (Thái), "Ghìm búa" (Dao); sách thuốc Đông y Trung Quốc thường gọi là "thô diệp huyền câu tử", còn gọi là "bát nguyệt bào", "cửu nguyệt bào", "ngưu vĩ bào", ... Tên khoa học là Rubus alceaefolius Poir., thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).
Lưu ý: Tên "đùm đũm", dân gian còn dùng chỉ một cây khác, cùng họ Hoa hồng, còn gọi là "cây ngấy", "ngấy chĩa lá", "ngũ gia bì - đũm hương", "cây tu hú", ... có tên khoa học là Rubus cochinchinesis Tratt. Để tránh nhầm lẫn, cần xem kỹ phần mô tả dưới đây về cây mâm xôi.
Mâm xôi là loài cây nhỡ, thân mọc leo. Toàn thân, cành, cuống lá và cuống hoa đều có gai nhỏ. Lá đơn, có cuống dài, mọc so le, phiến lá dài hình tim, đường kính 5-15cm, chia 5 thùy theo hình chân vịt, mép có răng cưa không đều, trên mặt có lông. Cụm hoa hình đầu hay chùm, ở nách lá, đài 5, có lông; tràng 5 cánh, màu trắng hay hồng), nhiều nhị, nhiều lá noãn đỏ; khi chín thì thành quả hạch, tập hợp thành một quả kép trông giống đĩa xôi hay mâm xôi, do đó có tên cây mâm xôi. Quả chín màu đỏ tươi. Quả có vị chua, ăn được.
Theo Đông y:
- Quả mâm xôi có vị ngọt nhạt, tính bình, không độc. Có tác dụng bổ Can Thận, giữ gìn tinh khí, cường dương và tăng lực. Có thể ăn sống, sắc lấy nước hoặc ngâm rượu uống. Dân gian thường dùng quả chín chữa thận hư, tinh ít, liệt dương, đái són, vãi đái, hoạt tinh, di tinh. Tại Ấn Độ, người ta dùng quả để chữa đái dầm ở trẻ nhỏ. Liều dùng: 20-30g; sắc uống, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
- Cành, lá và rễ có vị the, tính bình. Có tác dụng hoạt huyết thanh nhiệt, tán ứ, tiêu viêm. Có thể sử dụng chữa viêm gan cấp và mạn tính, viêm tuyến vú, viêm loét miệng. Dùng cho phụ nữ sinh đẻ uống, giúp khí huyết lưu thông, tiêu cơm. Dân gian thường dùng cành lá phơi khô, nấu nước uống thay trà, có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, trợ giúp tiêu hóa. Tại Ấn Độ, lá dùng làm thuốc điều kinh, gây sảy thai. Liều dùng: 15-30g sắc uống; dùng ngoài nghiền mịn bôi hoặc nấu nước ngậm súc.
Tóm lại, bạn có thể sử dụng trái mâm xôi để làm thuốc bổ, hoặc ngâm rượu uống. Còn cành, lá có thể sử dụng để nấu nước uống giải nhiệt thay trà, hoặc dùng chữa một số chứng bệnh thường gặp.
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcLá mâm xôi ăn sống đc không ạ??? Hay là phải nấu nước rồi uống, còn cách chế biến cành như thế nào ạ