Hỏi:
Tôi được người thân từ Canada về cho 100g "Sâm Canada", còn gọi là "Sâm Mỹ", nói rằng loại sâm này tốt hơn "Sâm Cao Ly" của Triều Tiên. Rất mong "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, nhận định trên có đúng hay không, và nên sử dụng "Sâm Mỹ" trong những trường hợp nào?
L.V.T, Hải Phòng
Đáp:
Thứ sâm mà bạn đề cập trong thư, cũng là một loại "nhân sâm" (Panax ginseng). Loại sâm này thường được gọi là "Sâm Hoa kỳ", còn có tên là "Sâm Canada", "Tây dương sâm", "Dương sâm", "Nhân sâm Quảng Đông", "Ngũ diệp sâm", ...
Loại sâm này do người da đỏ phát hiện tại các khu rừng rậm ở Canada vào năm 1714, cho nên thời gian đầu gọi là "Sâm Canada". Vài năm sau, một Hoa kiều cũng phát hiện ra loại sâm này ở Mỹ. Về sau, do nó được nhập vào Trung Quốc theo đường Quảng Đông, nên người Trung Quốc còn gọi đó là "Nhân sâm Quảng Đông".
Theo phân loại thực vật, "Sâm Mỹ" (Sâm Hoa Kỳ) hay "Sâm Canada", cũng như "Nhân sâm Triều Tiên" (Sâm Cao Ly) hay "Sâm Trung Quốc" (Sâm Cát Lâm), cùng là một loài. Nhưng do hoàn cảnh tự nhiên ở Đông bán cầu và Tây bán cầu khác nhau, nên tính năng của "Sâm Mỹ" và "Sâm Cao Ly" có một số đặc điểm khác nhau:
- Về mặt sinh hóa: Hoạt chất chính của các loại nhân sâm trên đều là saponin. Tuy nhiên, trong Sâm Cao Ly có tới 13 loại saponin khác nhau, trong khi đó trong sâm Mỹ chỉ tìm thấy có 6 loại (Ro, Rb1, Rb2, Rc, Rd, Re). Trong sâm Mỹ, loại saponin Rb1 có nhiều hơn cả, chiếm tới 30-40% tổng hàm lượng saponin và đó cũng là hoạt chất chính, đóng vai trò quyết định trong tác dụng sinh lý của sâm Mỹ. Trong khi đó, loại saponin có vai trò quyết định trong sâm Triều Tiên, hay sâm Trung Quốc, lại là Rg và Rh, hai loại này chưa xác định thấy trong sâm Mỹ.
- Các thí nghiệm trên động vật và các quan sát lâm sàng cho thấy: Saponin Rg có tác dụng gây hưng phấn thần kinh trung ương rất rõ ràng. Trong số các saponin thuộc nhóm "g" này, saponin Rg1 có tác dụng chống mệt mỏi và tăng cường thể lực mạnh; Rg1 còn có tác dụng làm giãn nở huyết quản, sử dụng điều trị bệnh động mạch vành và chứng đau thắt tim rất tốt. Còn saponin Rh có tác dụng ức chế nhất định đối với hoạt tính của tế bào ung thư gan, cho nên cũng thường được sử dụng trong điều trị ung thư. Trong sâm Mỹ không có (hoặc có thể không có) những saponin vừa kể, cho nên cũng không có các tác dụng sinh hóa đó.
- Loại saponin chiếm ưu thế trong sâm Mỹ là Rb1. Hàm lượng Rb1 trong sâm Mỹ cao hơn trong sâm Triều Tiên hay sâm Cát Lâm (Trung Quốc) rất nhiều. Vậy chất Rb1 có tác dụng sinh lý như thế nào? Các kết quả nghiên cứu dược lý cho thấy: Rb1 có tác dụng trấn tĩnh và ổn định thần kinh trung ương rõ rệt (trong khi đó Rg trong sâm Cao Ly lại gây hưng phấn thần kinh), đồng thời còn có tác dụng làm giảm hàm lượng mỡ trong máu. Thế nhưng, Rb1 trong sâm Mỹ hầu như không có tác dụng chống mệt mỏi. Thí nghiệm trên động vật cho thấy: Rb1 có tác dụng làm giảm trương lực cơ, chống co thắt và gây ngủ rõ rệt. Tóm lại, các nghiên cứu cho thấy, tác dụng dược lý chủ yếu của sâm Mỹ là: Trấn tĩnh, giảm đau, chống co thắt và giải nhiệt.
Thực ra, những tính năng kể trên của sâm Mỹ đã được sách "Bản thảo cương mục thập di" ghi lại chính xác từ nhiều thế kỷ trước: "Tây dương sâm bổ âm thoái nhiệt". Tác dụng mà Đông y gọi là "bổ âm" bao quát cả tác dụng ức chế trung khu thần kinh; còn tác dụng "thoái nhiệt" có nghĩa là giải nhiệt.
Theo Đông y: Chỉ những người mắc phải chứng "hư nhi hữu hỏa" (hư tổn mà có hỏa) - cơ thể suy yếu và nóng, mới nên dùng sâm Mỹ; những người bị "hư hàn" - nghĩa là phần Dương suy yếu sinh ra lạnh, thì không được dùng sâm Mỹ.
Tóm lại, sâm Mỹ không có đầy đủ các tác dụng bổ dưỡng và tăng lực như sâm Cao Ly (và sâm Cát Lâm, Trung Quốc). Phạm vi sử dụng của sâm Mỹ cũng hạn chế hơn. Tuy nhiên, sự hạn chế đó lại làm nổi bật một số ưu điểm của sâm Mỹ.
Cụ thể, tác dụng của sâm Mỹ mạnh hơn sâm Cao Ly trong những trường sau:
(1) Giải trừ những tác hại khi điều trị ung thư bằng phóng xạ: Những bệnh nhân được điều trị ung thư bằng phóng xạ thường có các chứng trạng mà Đông y gọi là "âm hư nội nhiệt" (nóng bên trong do phần âm của cơ thể bị tổn thương). Để phòng ngừa, trước khi tiến hành xạ trị 15 ngày, mỗi ngày có thể dùng 10g sâm Mỹ sắc uống, tác dụng rất tốt.
Chú ý: Phải đun sôi 10-20 phút; nếu chỉ hãm nước sôi như pha trà, thì không có tác dụng; nhiệt độ nước pha trà không đủ để cho các hoạt chất của sâm Mỹ hòa tan đầy đủ vào trong nước.
(2) Viên phổi, viên phế quản: Những người bị viêm phổi hay viêm phế quản thuộc loại hình "âm hư hỏa vượng", với những biểu hiện, như lòng bàn chân bàn tay nóng, ho ít đờm hoặc trong đờm có lẫn máu, ... Hàng ngày có thể dùng 5-10g sâm Mỹ sắc uống; sau khi uống nước thuốc ăn luôn cả lát sâm. Cần sử dụng trong thời gian tương đối dài.
(3) Giai đoạn hồi phục sau khi mắc bệnh nặng: Đối với những người có biểu hiện thuộc chứng "âm hư", như miệng khô, lưỡi rát, khát nước, đại tiện táo, ... hàng ngày cũng có thể dùng 3-7g sâm Mỹ sắc uống.
Điều nên lưu ý là, nếu thân thể khỏe mạnh, tốt nhất là không nên sử dụng bất cứ loại sâm nào. Lạm dụng sâm Cao Ly hoặc sâm Mỹ, đều gây mất cân bằng bên trong cơ thể, có thể dẫn tới:
1. Mặt mũi chân tay phù thũng;
2. Trướng bụng, kém ăn;
3. Tắc ruột, có trường hợp phải can thiệp bằng phẫu thuật;
4. Dùng lâu ngày có thể gây nên loạn nhịp tim.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.