Hỏi:
Tôi hiện nay mới ngoài 50, nhưng sinh lý đã rất yếu. Gần đây có ông bạn mách, thường xuyên ăn các món chế biến từ con nhộng và bắt con ngài ngâm rượu uống sẽ cải thiện được. Vậy monng "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết, con nhộng và con ngài có những tác dụng gì? Có thể sử dụng để chữa bệnh khó nói của tôi hay không?
Bạn đọc xin giấu tên, Yên Lạc, Vĩnh Phúc
Đáp:
Ở nước ta, con tằm đã được sử dụng làm thuốc trong dân gian từ rất lâu đời. Có điều, hầu hết các sách thuốc tiếng Việt thường chỉ đề cập tới 2 vị thuốc từ con tằm là "Bạch cương tàm" (còn gọi là "tằm vôi", tức con tằm bị chết cứng, trắng như vôi, do nhiễm khuẩn Botrytis bassiana hoặc khuẩn Beauveria bassiana Vuill) và "Tàm sa" (tức phân tằm), mà không đề cập tới tác dụng của con nhộng và con ngài, vì vậy ở đây xin dịch lại những tư liệu liên quan, từ bộ sách "Hiện đại dưỡng sinh bảo kiện trung dược từ điển" (Từ điển vị thuốc Đông dược dùng trong dưỡng sinh và bảo vệ sức khỏe) của Trung Quốc, để bạn và quý bạn đọc khác cùng tham khảo.
1. Con nhộng
Tác dụng chữa bệnh của con nhộng được ghi lại sớm nhất trong sách "Nhật hoa tử bản thảo", của danh y Nhật Hoa Tử, sống và hoạt động vào thời Tống Khai Bảo (Trung Quốc) cách nay hơn 10 thế kỷ.
Trong sách thuốc Đông y, nhộng có tên là "tàm dũng" hay "tiểu phong nhi". Để sử dụng làm thuốc, sau khi tằm làm kén, người ta lấy nhộng ra, loại bỏ tạp chất, phơi hay sấy khô, sau đó bảo quản nơi khô mát, để dùng khi cần.
Theo Đông y: Nhộng có vị cay, mặn; tính bình; vào 2 kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng sinh tân chỉ khát (tăng dịch thể, chống khát), sát trùng, liệu cam (chữa cam tích). Chủ trị trẻ nhỏ cam nhiệt (suy dinh dưỡng do nhiệt), người gầy còm, tiêu khát (đái tháo đường) và trừ giun đũa.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Nhộng là thức ăn rất giàu dinh dưỡng và có nhiều hoạt chất sinh học có lợi cho sức khỏe. Trong nhộng có tới 16 loại trong số các loại acid amin phân giải trong nước; trong 16 loại này có tới 7 loại là acid amin thiết yếu, chiếm tới 58% tổng lượng các acid amin trong nhộng. Nhộng còn chứa các loại dầu béo (fatty oil), chủ yếu là các acid béo; các hoạt chất sinh học như Ecdysone, Crustedysone, Bobmicesterin, Bombykol; các vitamin A, B2, D và ergosterol.
Do nhộng có giá trị dinh dưỡng cao, nên có thể sử dụng để chữa trị các chứng bệnh mạn tính có tính tiêu hao, như trẻ nhỏ suy dinh dưỡng (cam tích), tiêu khát (đái tháo đường), phế lao (thân thể suy kiệt do các bệnh hô hấp), viêm gan mạn tính, xơ gan thời kỳ đầu.
Đặc biệt, do nhộng có tác dụng kiện tỳ thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, nên còn có thể sử dụng để bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe cho những người có thể tạng "âm hư nội nhiệt" (theo cách phân loại bệnh chứng của Đông y).
Cụ thể, có thể sử dụng nhộng theo một số phương pháp như sau:
(1) Thuốc kiện tỳ bổ hư: Dùng nhộng 90g, sấy khô, tán thành bột mịn; mỗi lần uống 3g, chiêu bằng nước cơm hoặc nước ấm. Dùng chữa trẻ nhỏ cam tích, hoặc người lớn mắc bệnh lâu ngày người gầy yếu; còn có tác dụng chữa viêm dạ dày mạn tính, sa dạ dày.
(2) Chữa trẻ nhỏ cam tích (suy dinh dưỡng): Dùng nhộng sao chín, tán thành bột mịn; hàng ngày dùng 6-12g, hòa với cháo hoặc trộn với mật ong cho trẻ ăn.
(3) Chữa lên sởi, mụn sởi mọc không đều: Nhộng 10-15g, rau hẹ 12g, xào chín, dùng làm thức ăn trong bữa cơm.
(4) Chữa lao sái (suy kiệt), người gầy như que củi: Dùng nhộng chế biến thành các món ăn, dùng trong bữa cơm hàng ngày.
(5) Chữa đái tháo đường: Dùng nhộng 30g, rượu trắng 50ml; nước 200ml, sắc còn 100ml, lọc bỏ nhộng; chia ra 2 lần uống trong ngày. Bài thuốc này còn có tác dụng chữa tâm thần phiền loạn, người bồn chồn, mất ngủ.
2. Cong ngài
Ngài có con đực và con cái. Để sử dụng làm thuốc, Đông y chỉ sử dụng ngài đực; vị thuốc có tên là "nguyên tàm nga" hay "vãn tằm nga", thường gọi tắt là "tàm nga" ("tàm" = còn tằm, "nga" = con bướm, con ngài). Để có "tàm nga", người ta bắt những con ngài đực, nhúng nước sôi cho chết, rồi phơi hay sấy khô. Con tằm sau khi làm kén sẽ thành nhộng, sau đó thành ngài (tàm nga).
Toàn thân ngài đực hay ngài cái đều phủ đầy vẩy trắng, thân dài 1,6-2,3cm, cánh xòe rộng 3,9-4,3cm, đầu hơi nhỏ. Dưới bụng có một đôi mắt, màu đen, hình bán cầu; miệng thoái hóa, một cặp xúc tu (thường hay bị gọi nhầm là "râu"). Muốn phân biệt ngài đực và ngài cái, có thể căn cứ vào 2 đặc điểm:
- Cặp xúc tu (râu) ở con ngài cái có màu nhạt hơn (màu tro) và tương đối ngắn, còn ở ngài đực xúc tu có màu màu đen và dài hơn ở con cái.
- Bụng con cái béo và cứng, đít tù; còn bụng con đực hơi tóp lại, đít nhọn.
Tác dụng làm thuốc của ngài đực được ghi chép sớm nhất trong sách "Danh y biệt lục" của Đào Hoằng Cảnh (456-536).
Theo Đông y:
- Ngài đực có vị mặn; tính ấm; vào 2 kinh Can và Thận. Có tác dụng bổ can ích thận, tráng dương sáp tinh. Chủ trị dương nuy (liệt dương), di tinh, bạch trọc (đái đục, nước tiểu lẫn dịch nhầy), niệu huyết (tiểu tiện lẫn máu), vết thương do đâm chém, da lở loét, bỏng, ... Khi uống trong, thường dùng dưới dạng thuốc viên hoặc thuốc tán. Dùng ngoài, nghiền mịn rắc hoặc giã nát đắp lên vết thương.
- Nghi kỵ: Tàm nga là vị thuốc có tính ôn (ấm), có tác dụng tráng dương, nên thích hợp với các chứng bệnh do thận dương suy nhược gây nên. Người thể tạng "âm hư nội nhiệt" kỵ dùng (không dùng độc vị).
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Ngài đực chứa protein và 20 loại acid amin. Thành phần dầu béo tương tự như trong nhộng. Ngài còn có một số hoạt chất sinh học khác, như cytochrone C, anpha-ecdysone, beta-ecdysone, vitamin B12, nicotinic acid, ... Cánh ngài còn chứa 3 loại chất huỳnh quang, chủ yếu là Fluoresyanine.
Trong Đông y, con ngài đực thường sử dụng để chữa một số chứng bệnh thường gặp sau:
(1) Chữa dương nuy (liệt dương): Ngài đực phơi khô trong bóng râm, bỏ đầu, chân và cánh; nghiền mịn, trộn với mật ong làm viên to cỡ hạt đỗ xanh; hàng ngày, tối trước khi ngủ uống 20-30 viên.
(2) Chữa di tinh: Ngài đực sấy khô, bỏ chân và cánh; nghiền mịn, trộn với cơm làm thành viên to bằng hạt đậu xanh; ngày uống 2 lần, mỗi lần 15-20 viên, chiêu bằng nước muối loãng.
(3) Cố chân đan: Dùng vãn tàm nga (ngài đực), nhục thung dung, bạch phục linh, ích trí nhân - mỗi thứ đều 60g, long cốt 15g; tất cả nghiền mịn, trộn với lộc giác giao làm thành viên; ngày uống 2 lần, mỗi lần 8-10g, lúc đói, chiêu thuốc bằng nước muỗi loãng. Có tác dụng bổ nguyên khí, tăng cường thể lực; dùng chữa di tinh và hoạt tinh do nguyên khí suy nhược.
(4) Long nga tửu: Dùng tàm nga (ngài đực) khô 50g, thỏ ty tử 35g, thục địa hoàng 20g, thích ngũ gia bì 50g, dâm dương hoắc 40g, bổ cốt chi 20g; ngâm trong 2 lít rượu trắng, ít nhất 30 ngày, thỉnh thoảng lắc bình; ngày uống 2 lần, mỗi lần 30-40ml. Có tác dụng tráng dương bổ thận, ích tinh tủy; dùng chữa dương nuy (liệt dương) do thận hư, di mộng tinh, hoạt tinh, tiểu tiện nhiều lần, lưng gối yếu mỏi.
(5) Chữa huyết lâm (tiểu tiện lẫn máu): Tàm nga sấy khô, nghiền mịn, trước mỗi bữa ăn uống 6g, chiêu thuốc bằng rượu trắng hâm nóng.
(6) Chữa vết thương xuất huyết do đâm chém: Vãn tàm nga, nghiền mịn, rắc đều lên vết thương, băng lại, ngày thay thuốc 1 lần.
Trở lại câu hỏi cụ thể của bạn: Nếu có điều kiện, bạn nên thường xuyên sử dụng các món ăn chế biến từ nhộng. Vì đó là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng rất cao, có tác dụng tăng cường sức khỏe một cách toàn diện. Một khi sức khỏe toàn thân được cải thiện, thì hoạt động sinh lý cũng sẽ tăng cường. Còn ngài đực là vị thuốc có tác dụng bổ thận tráng dương mạnh, dân gian thường dùng để chữa trị liệt dương và suy giảm ham muốn tình dục, tuy nhiên để tránh tác dụng phụ bất lợi khi sử dụng cần chú ý tới một số nghi kỵ nhất định. Vì vậy, trước khi sử dụng, bạn cần đến một phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc chẩn bệnh, hướng dẫn một cách cụ thể.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.