Hỏi:
Tôi nghe nói, có thể dùng trái dứa thơm để chữa sỏi thận. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Nếu đúng xin được hướng dẫn cho biết cách sử dụng cụ thể.
Phạm Bình, Quảng Nam
Đáp:
Cây dứa (thơm) vốn có nguồn gốc ở Trung Mỹ, hiện nay được trồng ở hầu hết các nước nhiệt đới để lấy quả ăn.
Có
một chi tiết khá đặc biệt về thực vật học, ta nên biết đó là: Phần ăn
được của cây dứa và thường được gọi là "quả dứa", thực ra không phải là "quả", mà là do trục của bông hoa dứa cùng các lá mọng nước hợp thành;
còn quả dứa thật sự, thì lại nằm trong các "mắt dứa", tức bộ phận bị bỏ
đi, khi ta ăn dứa.
Đông y cho rằng, trái dứa (thơm) là thức ăn và cũng là vị thuốc chữa bệnh.
Về dược tính, theo Đông y:
Trái dứa có vị ngọt, tính bình, vô độc; vào 2 kinh Tỳ và Vị. Có công
năng thanh thử (chống nắng nóng), giải khát, kiện Vị (mạnh dạ dày), tiêu
thực. Chủ trị trúng thử phiền khát (say nắng phiền khát), ẩm dục bất
chấn (ăn không ngon miệng), tiêu hóa bất lương (tiêu hóa kém), chữa viêm
dạ dày (do thiếu dịch vị), viêm ruột, viêm phế quản, viêm thận, cao
huyết áp, ...
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy:
Dứa là loại trái cây giầu chất dinh dưỡng. So với táo tây (apple), trừ
hàm lượng các chất đường bột thấp hơn và ca-rô-ten tương đương với táo
tây, các hoạt chất khác trong trái dứa đều có hàm lượng cao hơn táo.
Trong đó, hàm lượng vitamin C trong dứa lớn gấp khoảng 5 lần trong táo
tây. Đặc biệt, trong trái dứa còn chứa bromelin - một loại enzym (men)
có tác dụng làm mềm thịt, xúc tiến tiêu hóa các chất đạm, thủy phân
protein thành các acid amin dễ được cơ thể hấp thu. Tác dụng của
bromelin còn mạnh hơn men papain của trái đu đủ. Do đó, khi gặp phải
thịt trâu hoặc thịt bò già, dân gian có kinh nghiệm băm vài miếng dứa,
trộn đều với thịt, ướp khoảng nửa giờ, sau đó mới đem xào hoặc nấu,
thịt sẽ chóng nhừ, đỡ dai và dễ tiêu hóa hơn.
Dân gian đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm sử dụng trái dứa, cũng như các bộ phận khác của cây dứa, để chữa trị các bệnh thường gặp, trong đó có chứng bệnh sỏi thận:
(1) Chữa sỏi thận: Lấy một quả dứa chín để nguyên cả vỏ, khoét ở cuống quả một lỗ nhỏ bằng cỡ ngón tay, lấy phèn chua (khoảng 7-8g) giã nhỏ nhét vào lỗ ấy, dùng miếng dứa vừa khoét ra là "nắp" đậy lại. Đem quả dứa nướng trên bếp than hồng hoặc vùi vào lửa cho cháy xém vỏ, dứa chín mềm, để nguội rồi vắt lấy nước uống, bỏ bã. Mỗi ngày uống 1 quả dứa đã chế biến như trên, sỏi thận sẽ bị bào mòn và dần dần tan hết. Nhiều người áp dụng cách chữa này thấy kết quả tốt.
(2) Giải nhiệt, trừ khát, chống nắng: Lấy 1 quả dứa gọt bỏ vỏ, giã nát vắt lấy nước, hòa thêm nước lạnh đã đun sôi vào uống; hoặc ướp lạnh rồi uống càng ngon.
(3) Sốt nóng: Nõn dứa (dứa non) 30-40g giã nát vắt lấy nước cốt hoặc sắc uống.
(4) Mùa hè bị cảm nắng, thổ tả, ỉa chảy: Lá hoặc rễ dứa 30g, sắc nước uống.
(5) Tiểu tiện không thông, sỏi niệu quản: Rễ cây dứa 30-40g, sắc với nước uống.
(6) Viêm thận: Thịt quả dứa 60g, rễ cỏ tranh tươi 30g; sắc với nước uống, ngày 2 lần.
(7) Viêm khí quản: Thịt quả dứa 120g, rễ cỏ tranh tươi 50g, mật ong 30g; sắc với nước, chia thành 2 lần uống trong ngày.
(8) Cao huyết áp: Dứa tươi ăn hàng ngày, hoặc thường uống nước ép dứa, ăn dứa hộp, ...
(9) Tiêu hóa kém, chán ăn: Dứa đã gọt vỏ, giã nát vắt lấy nước, uống mỗi lần 1 chén con; hoặc sau mỗi bữa ăn tráng miệng vài miếng dứa.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.