Hỏi đáp

"Sởi sữa" - Một loại sởi ít được biết đến

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 17/04/2014 08:09 SA

Hỏi:

Thời gian vừa qua, chỗ chúng tôi ở có khá nhiều cháu nhỏ bị mắc loại bệnh sốt rất lạ: Trẻ đột ngột sốt cao đến 3-4 ngày, sau đó thân nhiệt tự nhiên hạ rất thấp, rồi trên người mọc lên những mảng ban màu hồng. Tôi đã hỏi nhiều người, nhưng không ai biết là loại bệnh gì. Vì vậy đề nghị "Thuốc vườn nhà" cung cấp thêm thông tin về loài bệnh này.

Trần Văn An, Thái Nguyên

Đáp:

sậy, cây sậy, lô căn

Chứng bệnh bạn đề cập thời gian vừa qua, ở Hà Nội cũng nhiều trẻ mắc; đến bệnh viện khám, nói chung được chẩn đoán là "sốt virus".

Trong Y học hiện đại, bệnh được nhận diện là một loại sốt virus kèm theo phát ban, gọi là "Bệnh phát ban cấp ở ấu nhi" (Exanthema subitum) - một bệnh truyền nhiễm cấp tính, do bị nhiễm loại virus "HHV-6" gây nên.

Đặc trưng của bệnh là sau khi sốt cao 3-5 ngày, thân nhiệt đột nhiên hạ xuống và trên da xuất hiện những mảng ban hồng, với những nốt chẩn màu hồng; ban xuất hiện từ đầu mặt, rồi lan xuống người và chân tay.

Bệnh hay xuất hiện nhiều trong mùa Đông - Xuân; bệnh thường phát sinh ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 2 năm tuổi; thời kỳ tiềm phục kéo dài từ 7-17 ngày. Trong thời gian phát bệnh, xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu giảm, tế bào lim-phô tăng cao.

Đây là loại bệnh có tính lây nhiễm mạnh, cần chú ý dự phòng và hộ lý. Khi phát hiện bệnh, cần lập tức cách ly; bệnh nhi cần được mặc ấm, chú ý tránh gió lạnh, nghỉ ngơi, uống nhiều nước đun sôi, ăn uống chủ yếu là chất lỏng. Y học hiện đại chủ yếu chữa triệu chứng, nếu sốt cao dùng thuốc hạ sốt, với trẻ miễn dịch bị tổn thương, cần trị liệu bằng thuốc chống virus, ...

Bệnh sốt virus HHV-6 nói trên thực ra đã được Đông y học đề cập từ xưa. Y thư cổ gọi là "nãi ma" ("nãi" = vú, sữa; "ma" = bệnh sởi); còn gọi là "nhũ ma" ("nhũ" = sữa), "nãi ma tử", "cấp chẩn", "lạn y sang", "tao chẩn", "giả ma", ... Nay xin tạm gọi là "sởi sữa".

Sởi sữa thời xưa được y gia coi là một chứng bệnh lành tính, không nguy hiểm bằng bệnh sởi thường (ma chẩn, measles). Nhưng bệnh sởi sữa có đặc điểm là sau khi sốt cao liên tục 3-4 ngày, thân nhiệt đột nhiên hạ và bắt đầu phát ban. Do đó trong giai đoạn đầu cần xử lý hạ nhiệt hết sức thận trọng. Trên thực tế đã có những trường hợp sử dụng thuốc hạ sốt quá liều, dẫn tới tình trạng thân nhiệt hạ quá thấp - nguy hiểm tính mạng.

Để xử lý đúng, cũng cần nắm vững sự khác biệt giữa "sởi sữa" với "sởi" (measles) và "rubella" (còn gọi là "sởi Đức", "phong chẩn"):

    - So với "sởi", chứng trạng "sởi sữa" tương đối nhẹ: Trong khi phát sốt tinh thần vẫn tỉnh táo, vẫn ăn uống, cười đùa bình thường. Còn trong bệnh sởi, khi phát sốt bệnh nhi thường uể oải, không muốn ăn uống, mệt lả, ... Trong bệnh "sởi sữa", khi phát ban thì cũng hết sốt; còn trong sởi thường, khi sởi mọc thì sốt càng cao.

    - So với "rubella" (sởi Đức, phong chẩn): Trong bệnh sởi sữa, trước khi phát ban, bệnh nhi bị sốt tương đối cao; còn trong sởi Đức, trước khi phát ban bệnh nhi chỉ sốt tương đối nhẹ. Hình dạng vết ban của sởi sữa và sởi Đức đều có màu hồng (còn ban của sởi có màu đỏ thẫm), nhưng ban trong sởi Đức thì gây ngứa, còn sởi sữa thì không gây ngứa.

Theo Đông y: Bệnh sởi sữa thường do cảm nhiễm phải "bệnh độc thời tà" (một số loại vi rút phát sinh theo mùa), kết hợp với thấp nhiệt ứ đọng ở phế tỳ; uất kết ở cơ biểu, phát tiết ra bì phu mà gây nên bệnh.

Để chữa trị sởi sữa, Đông y tiến hành theo 2 giai đoạn, cụ thể như sau:

• Giai đoạn sơ khởi:

    - Đặc trưng: Bệnh phát nhanh, đột ngột, sốt cao liên tục, phiền táo; hoặc kèm theo kinh quyết (co giật), kém ăn, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện táo bón; nôn mửa, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng; mạch phù sác.

    - Để chữa trị cần sử dụng loại thuốc có tác dụng "Sơ phong thanh nhiệt, tân lương giải biểu". Cổ nhân thường dùng phương thuốc "Tang cúc ẩm hợp Ngân kiều tán gia giảm".

    - Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng bài thuốc sau: Kinh giới 10g, tang diệp (lá dâu tằm) 10g, trúc diệp (lá tre) 9g, cam thảo 5g, bạc hà 5g (cho vào sau, trước khi bắc thuốc ra 2-3 phút); thêm 800ml nước, sắc còn 300ml; chia ra 3 lần uống lúc đói bụng vào sáng, trưa và chiều. Bài thuốc có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, thấu chẩn; dùng chữa sởi sữa trong giai đoạn sơ khởi.

• Giai đoạn phát ban, hồi phục:

    - Đặc trưng: Thân nhiệt hạ thấp, phát ban hồng cùng những nốt chẩn. Chẩn mọc thưa thớt, cỡ hạt kê, màu hồng, không ngứa; sau 1-2 ngày thì sạch, không bong vảy, không để lại sẹo; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch tế sác.

    - Để chữa trị cần sử dụng loại thuốc có tác dụng "Thanh nhiệt giải độc". Cổ nhân thường dùng phương thuốc "Hóa ban giải độc thang".

    - Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng bài thuốc sau: Kim ngân hoa 10g, trúc diệp 8g, lô căn (rễ sậy) 10g, lục đậu 20g, cam thảo 5g; thêm 1000ml nước, sắc còn 400ml; chia ra 4 lần uống lúc đói bụng vào sáng, trưa, chiều và tối. Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết; dùng chữa sởi sữa giai đoạn sốt hạ, phát ban.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]