Hỏi:
Tháng trước, một đồng đội cũ từ miền Trung ra chơi, có cho tôi 1kg "Nhân sâm Phú Yên". Nói rằng, có tác dụng bổ dưỡng không kém nhân sâm. Tuy nhiên, tôi chưa dám sử dụng vì chưa biết cụ thể tác dụng. Mong được "Thuốc vườn nhà" cho biết, "Nhân sâm Phú Yên" có phải là "Sâm Ngọc Linh" không? "Sâm Phú Yên" có tác dụng gì, và cách sử dụng như thế nào?
Đoàn Thanh Xuân, Tây Hồ, Hà Nội
Đáp:
Trước hết, về lý thuyết, trên thế giới chỉ có một số loài cây thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae) được chính thức gọi là "nhân sâm".
"Sâm Ngọc Linh" mà bác nhắc tới trong thư, là một là một loại nhân sâm rất đặc biệt, vì ngoài những tác dụng vốn có của nhân sâm nói chung, còn có thêm một số tác dụng mà các loài nhân sâm khác trên thế giới không có. Sâm Ngọc Linh còn có tên là "sâm K5", "thuốc giấu", được Đoàn điều tra dược liệu do Dược sĩ Đào Kim Long phụ trách phát hiện năm 1973. Còn "Sâm Phú Yên" không phải "Sâm Ngọc Linh".
Có điều, trên thực tế, một số cây thuốc không phải là nhân sâm, nhưng cũng có tác dụng bồi bổ cơ thể, hoặc có rễ củ với hình dạng gần giống nhân sâm, thì vẫn được dân gian gọi tên là "sâm". "Sâm Phú Yên" cũng là một trường hợp như vậy.
"Sâm Phú Yên" ở ngoài Bắc thường gọi là "Sâm bố chính", vì người Việt Nam sử dụng cây này lần đầu tiên, là một thầy thuốc ở huyện Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình. Còn có tên là "bụp sâm" (một loại bụp tốt như sâm), "sâm thổ hào" (vì mọc ở Thổ Hào - Nghệ An), "sâm báo" (vì mọc ở núi Báo - Thanh Hóa). Tên khoa học là Hibiscus sagittifolius Kurz (Abelmoschus sagittifolius L. Merr., Hibiscus apelmoschus L.), thuộc họ Bông (Malvaceae).
Về mặt thực vật, sâm bố chính là một loại cây thảo, sống dai, mọc đứng một cách yếu ớt, có khi dựa vào các cây xung quanh, cao chừng 1m hay hơn. Rễ mẫm màu trắng nhạt hay vàng nhạt, có đường kính 1,5-2cm, nhiều rễ có hình người (trông rất giống nhân sâm). Có lẽ vì thế, người xưa bắt đầu dùng nhầm, rồi thấy tốt mà dùng mãi, và lưu truyền về sau chăng?. Lá ở phía gốc cây hình trái xoan, phần cuối phiến lá hình tim hay hình mũi tên, đầu phiến lá không nhọn. Các lá ở phía ngọn càng lên trên càng hẹp, có khi phiến lá chia 5 thuỳ với thuỳ gữa dài hơn, có khi phiến lá chia thuỳ trông như mũi tên. Lá dài 6-7cm, rộng 7-30mm. Mặt lá có lông đơn hay hình sao, lá kèm hình sợi chỉ, dài 7mm, có ít lông dài. Hoa màu hồng hay đỏ, phớt vàng, mọc đơn độc ở kẽ lá, đường kính tới 8cm. Cuống hoa dài 5-8cm, có lông cứng, hơi phồng đầu. Tiểu đài cấu tạo bởi 7-10 bộ phận, dài 12-14mm, có lông tua tủa; đài hoa hình túi, ở ngọn có vài răng nhỏ, đài rách ra và rụng sớm; 5 cánh hoa dài 5-6cm, rộng 3-4cm ở ngọn, nhị liền với nhau thành một cột, bầu có lông, 5 vòi. Quả hình trứng nhọn, dài gấp 3 lần tiểu đài, ngoài mặt có lông, khi chín quả nứt thành 5 mảnh vỏ, mặt trong và mặt ngoài đều có lông. Hạt hình thận, màu nâu, ngoài mặt có những đường vân rất sít nhau, thành những gợn hay ụ màu vàng.
Sâm bố chính đã được các thầy thuốc nước ta sử dụng từ nhiều thế kỷ trước. Thời trước, Hải Thượng Lãn Ông cũng thường dùng loại sâm này làm thuốc bồi dưỡng cho dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa.
Theo Đông y: Sâm bố chính có vị ngọt nhạt, có chất nhầy, tính bình. Là loại thuốc bổ mát, dùng sống có tác dụng nhuận Phế, dưỡng Tâm, sinh tân dịch, lợi tiểu, giải độc, điều kinh, trị sốt nóng, cảm cúm, ho. Sao với gạo thì có tính ấm, có tác dụng bổ Tỳ, Vị, giúp tiêu hóa, tăng thể lực. Liều dùng: 20-30g, sắc nước uống hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Trong điều kiện gia đình, bác có thể sử dụng sâm bố chính (sâm Phú Yên) theo một số phương pháp như sau:
(1) Bổ khí huyết: Dùng Sâm bố chính 10-12g, sắc nước uống thay nước trong ngày. Hoặc dùng sâm bố chính 300g, hồi đầu 120g, hoài sơn 150g, đương quy 150g, ý dĩ 150g; tất cả đem sấy khô, tán mịn, làm viên với mật ong hay kẹo mạch nha; uống mỗi ngày 15-20g.
(2) Bồi dưỡng sau khi ốm nặng: Thời trước, Lãn Ông ưa dùng sâm bố chính nấu thành cao, hòa với sữa người hay cao ban long, cho bệnh nhân uống, để chữa cơ thể suy nhược sau khi mắc bệnh nặng, háo khát, táo bón, đái sẻn (Hiệu phỏng tân phương).
(3) Chữa phụ nữ khí hư quá nhiều: Dùng sâm bố chính tán thành bột, mỗi ngày hòa 10-15g bột vào cháo ăn.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.