Hỏi:
Mấy năm trước cháu bị viêm họng. Ở quê không đủ tiền, nên khi uống thuốc thấy bệnh đỡ, tuy còn ho nặng tiếng đã ngừng. Khoảng 1 năm sau, cháu lại bị viêm họng, phải uống rất nhiều thuốc Tây, hơn 1 tháng mà bệnh không khỏi hẳn. Trong họng thường có cảm giác có vật gì mắc ở trong, hơi thở rất hôi. Mỗi khi thời tiết thay đổi là bệnh lại tái phát, ho nhiều, đau đầu, ... Cháu nghe nói uống nhiều kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến răng miệng. Vì vậy, mong "Thuốc vườn nhà" chỉ dẫn cho một số bài thuốc Nam, có thể sử dụng để chữa bệnh viêm họng của cháu.
Hoàng Văn Minh, Nghĩa Tân, Nam Định
Đáp:
Viêm họng hạt là một thể viêm họng mạn tính rất hay gặp. Một số người hay bị ngứa họng, rát họng, nuốt đau, khạc nhổ luôn miệng, khi nói nhiều thấy khô rát họng, khàn giọng phải đằng hắng luôn, ... Khi đi khám mới biết mình bị viêm họng hạt.
Dưới niêm mạc họng, có rất nhiều tổ chức bạch huyết nằm rải rác, gọi là "nang bạch huyết" hoặc "nang lympho", có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể, chống lại các vi khuẩn gây bệnh từ bên ngoài vào. Trong quá trình họng bị viêm cấp, các nang bạch huyết phải tăng sinh, phình to, để sản xuất thêm bạch cầu chống lại vi khuẩn. Mặt khác, trong quá trình viêm nhiễm, các mạch máu dưới niêm mạc họng cũng giãn to ra, để đưa thêm máu và bạch cầu tới họng. Sau nhiều đợt viêm họng cấp, các nang bạch huyết phải phình ra quá lâu, bị xơ cứng, không thể co nhỏ lại và trở về trạng thái bình thường, mà kết lại với nhau thành từng đám dầy, gồ lên mặt niêm mạc, trở thành "viêm họng quá phát", và thường gọi là "viêm họng hạt".
Người bị viêm họng hạt thường có cảm giác vướng trong họng và thường gây buồn nôn. Chỉ cần một kích thích nhẹ, như đánh răng buổi sáng, thậm chí chỉ cần há miệng, đã có thể bị nôn.
Khi khám họng sẽ thấy: Niêm mạc thành sau họng dày lên và sần sùi, trên đó có những hạt to nổi lên, chung quanh có những tĩnh mạch tân sinh giãn rộng. Những hạt nói trên có thể đứng riêng lẻ hay tập trung thành từng đám, màu từ đỏ tươi đến đỏ xám; thường có một lớp xuất tiết nhầy đặc quánh, trong suốt hay đục nhờ phủ trên bề mặt. Trong những đợt viêm cấp, có thể có những đốm mủ trắng hay vàng bẩn bán trên các hạt. Nặng hơn, các nang bạch huyết quá phát, thành những dải sùi đỏ, chạy dọc theo hai trụ sau của amiđan, gọi là trụ giả. Các trụ này là nguyên nhân chính gây nên ngứa và vướng trong họng, kích thích khạc nhổ và ho khan.
Viêm họng hạt trong Đông y có tên là "mạn tính phì hậu tính yết viêm" hoặc "liên chu hầu tý". Để chữa trị một cách toàn diện, bạn nên đến một phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc xem mạch và kê cho đơn thuốc thích hợp nhất với bệnh tình và thể tạng của mình.
Trước mắt, chỉ có thể giới thiệu với bạn 2 bài thuốc kinh nghiệm, nhiều người sử dụng có tác dụng tốt, để bạn áp dụng thử:
(1) Bài thuốc 1: Huyền sâm 12g, sinh địa 12g, mạch môn 10g, thiên hoa phấn 9g, ngưu bàng tử 9g, xạ can 6g, cát cánh 6g, ngưu tất 12g, kha tử 9g, sinh cam thảo 3g; sắc 3 lần, hợp 3 nước lại, chia ra uống thay nước trong ngày.
(2) Bài thuốc 2: Huyền sâm 12g, sinh địa 12g, trúc nhự (tẩm gừng sao) 9g, lai phục tử 9g, thị đế 6g, trần bì 6g, phục linh 10g, thiên hoa phấn 12g, rễ cỏ xước 12g, cam thảo 3g; sắc nước uống thay trà trong ngày.
Đầu tiên, hãy dùng Bài thuốc 1 vài ba ngày, để khống chế hiện tượng nôn khan, lợm giọng. Khi đã đỡ lợm giọng, nôn khan, thì dùng Bài thuốc 2 để ích khí, tán kết, hóa đàm, lợi hầu (Điều hòa chức năng hô hấp, làm tan dần các nang bạch huyết phì đại, tiêu đờm, giúp cho hầu họng được thông).
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.