Hỏi đáp

Ráy gai chữa đau nhức, viêm gan

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 05/02/2012 08:54 CH

Hỏi:

Vừa qua tôi được một người quen giới thiệu một cây thuốc với hai tác dụng: chữa đau cột sống và là một trong vị thuốc chữa viêm gan. Cây đó ở địa phương tôi gọi là cây "dáy gai", người dân tộc Tày gọi là "cây đừng", cây có hoa quả như cây ráy, ... Xin "Thuốc vườn nhà" cho biết rõ hơn về tác dụng của cây thuốc này.

Trần Mạnh, cán bộ hưu trí, Yên Bái

Đáp:

dáy gai, chóc gai, ráy gai, sơn thục gai, cây cừa, mớp gai, cây móp, K'lang đờn, lặc từ cô, thiên hà dụ, thích dụ, thủy lặc câu, lặc mông, Lasia spinosa Thwaites

Cây "dáy gai" theo như bác mô tả trong thư, còn có tên là "chóc gai", "ráy gai", "sơn thục gai", "cây cừa", "mớp gai", "cây móp" (Nam Bộ), "K'lang đờn" (dân tộc K'ho), trong các sách thuốc Đông y Trung Quốc có tên là "lặc từ cô", "thiên hà dụ", "thích dụ", "thủy lặc câu", "lặc mông", ... tên khoa học là Lasia spinosa Thwaites, thuộc họ Ráy (Araceae).

Ráy gai là loại cây nhỏ, thân rễ nằm ngang, có nhiều gai. Lá mọc thẳng từ thân rễ, cuống lá dài, có gai. Lá non hình mũi tên, lá già xẻ lông chim, mép nguyên. Cụm hoa là một bông mo mang hoa cái ở gốc, hoa đực ở trên. Quả mọng.

Lá ráy gai non có thể dùng làm rau ăn, còn thân rễ được dùng làm thuốc. Thân rễ thường thu hái vào các mùa hè, thu, đông, chỉ cần rửa sạch, phơi khô hay thái thành lát mỏng rồi phơi khô, có khi ngâm với nước gừng, nước phèn trước khi phơi hay sấy khô.

Theo Đông y:

    - Thân rễ ráy gai có vị cay, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu, tiêu thũng, tán ứ. Dùng chữa sốt cao khát nước, ho, viêm  họng, lưng gối và khớp xương đau nhức, táo bón, viêm gan, xơ gan cổ trướng, đòn ngã chấn thương, viêm thận, tiểu tiện sẻn đỏ, tiểu đục, quai bị (viêm tuyến mang tai), mụn ở mặt, lở ngứa ngoài da, sưng vú, ...

    - Liều dùng: Uống trong từ 4-16g, dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu 9-15g; dùng ngoài nấu nước rửa hoặc nghiền nhỏ bôi, đắp.

Như vậy, kinh nghiệm mà người quen của bác giới thiệu là có cơ sở.

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng ráy gai:

    (1) Chữa lở ngứa ngoài da: Dùng toàn bộ cây ráy gai hoặc thân rễ nấu nước tắm, rửa.

    (2) Chữa trẻ nhỏ da lở loét do thai độc: Dùng cây ráy gai nấu nước rửa, sau đó rắc bột thân rễ lên chỗ da bị bệnh.

    (3) Chữa tê thấp lưng, gối, cẳng chân tê buốt: Thân rễ ráy gai, cẩu tích, kê huyết đằng, kim cang, ngưu tất, tỳ giải - mỗi vị 12g; sắc nước uống trong ngày.

    (4) Chữa viêm gan, xơ gan: Thân rễ ráy gai 30g khô (hoặc 100g tươi), trái dứa dại 30g khô (hoặc 100g tươi), chó đẻ răng cưa 10g khô (hoặc 30g tươi); tất cả nấu với 2 lít nước, cô nhỏ lửa còn 300ml, chia ra 3 lần uống trong  ngày. Theo kinh nghiệm, các vị thuốc nói trên dùng cây tươi có tác dụng tốt hơn.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]