Hỏi:
Từ trước đến nay, tôi chỉ biết râu ngô là thứ có tác dụng lợi tiểu. Gần đây tôi nghe nói, râu ngô còn có tác dụng rất tốt đối với người cao huyết áp và bệnh tiểu đường. Tôi không rõ điều nói trên có chính xác không, vì vậy rất mong "Thuốc vườn nhà" quan tâm, giới thiệu đầy đủ hơn về vấn đề này.
Nguyễn Quang Tuấn, Hải Dương
Đáp:
Râu ngô là một vị thuốc dùng trong dân gian từ lâu đời. Tác dụng chữa bệnh của râu ngô được ghi chép sớm nhất trong bộ sách "Điền Nam bản thảo". Râu ngô dùng làm thuốc (dược liệu) là vòi và núm của hoa cây ngô đã già và cho bắp, thường thu hái vào lúc thu hoạch ngô.
Theo Đông y: Râu ngô có vị ngọt, tính bình, không độc; vào các kinh Can, Đởm, Thận, Bàng quang và Tam Tiêu. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu tiện, bình can (điều hòa chức năng gan), lợi đởm (thông mật, tăng tiết mật). Dùng chữa các chứng bệnh phù thũng, hoàng đản (vàng da), tiểu tiện bất lợi, hiếp thống (đau mạng sườn), ...
Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam": Khoa học đã chứng minh tính đúng đắn của kinh nghiệm cổ truyền. Hiện nay ở Việt Nam, râu ngô thường được áp dụng trong điều trị các bệnh: Viêm túi mật, viêm gan với hiện tượng trở ngại bài tiết mật; có thể phối hợp với vitamin K để làm thuốc cầm máu; còn dùng làm thuốc thông tiểu tiện, dùng trong các bệnh về tim, đau thận, tê thấp, sỏi thận.
Theo sách "Hiện đại dưỡng sinh bảo kiện trung dược từ điển": Thực nghiệm khoa học đã chứng minh, ngoài tác dụng lợi tiểu, tăng tiết mật và cầm máu, râu ngô còn có tác dụng hạ huyết áp và hạ đường huyết.
Để tham khảo, xin giới thiệu rõ hơn về một số ứng dụng cụ thể:
• Điều hòa huyết áp:
(1) Cao huyết áp: Dùng 30-60g râu ngô, nấu nước uống hàng ngày. Kinh nghiệm cho thấy, nhiều người mắc chứng cao huyết áp uống liên tục vài ba tháng, thì huyết áp trở lại bình thường và ổn định.
(2) Cao huyết áp, kèm theo chảy máu, thổ huyết: Dùng râu ngô 30g, vỏ chuối tiêu 30g, chi tử (dành dành) 9g; sắc nước, để nguội rồi uống, ngày 1 thang.
(3) Cao huyết áp, choáng váng, đầu óc trướng đau: Râu ngô 18g, thảo quyết minh tử (hạt muồng ngủ) 9g, cam cúc hoa 6g; dùng nước sôi pha thành trà uống hàng ngày; có tác dụng ổn định huyết áp và cải thiện các chứng trạng bệnh lý kể trên.
(4) Canh râu ngô thịt trai: Râu ngô tươi 50g, trai bóc bỏ vỏ lấy 120g thịt; thêm nước vào nấu kỹ thành món canh; cách một ngày dùng 1 lần, ăn thịt trai và uống nước canh. Ngoài tác dụng ổn định huyết áp, còn có tác dụng hạ đường huyết, chữa tiểu đường, viêm thận, viêm gan và viêm túi mật.
• Hạ đường huyết, chữa tiểu đường:
(1) Thịt rùa hầm râu ngô: Dùng râu ngô tươi 100g (hoặc 50g khô), rùa 1 con; nhúng rùa vào nước nóng cho bài tiết hết nước tiểu, sau nhúng vào nước sôi cho chế, bỏ đầu, móng, nội tạng, cho vào nồi gốm; râu ngô rửa sạch, dùng gạc bọc lại, cho vào nồi; thêm nước, hành, gừng, mắm muối gia vị, ... hầm chín; vớt râu ngô ra, bóc bỏ mai, dùng làm món ăn trong bữa cơm. Ngoài tác dụng chữa tiểu đường, còn có tác dụng tư âm tiết nhiệt và điều hòa huyết áp.
(2) Canh râu ngô thịt lợn: Dùng râu ngô 30-50g, nấu với thịt lợn thành món canh, ăn trong bữa cơm. Thường xuyên sử dụng có tác dụng điều hòa đường huyết, chữa bệnh tiểu đường.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.