1. Bệnh cam là gì?
Bệnh cam là một trong số 4 bốn chứng bệnh lớn thuộc nhi khoa (nhi khoa tứ đại chứng), do Tỳ vị bị hư tổn, vận hóa thất điều (chức năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn suy yếu), dẫn tới khí huyết bất túc, người gầy còm, ... ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
Bệnh có 3 nguyên nhân chính:
(1) Thứ nhất: Do nuôi dưỡng không thích đáng khiến cho Tỳ vị bị tổn thương, mà sinh ra cam. Cai sữa quá sớm, ăn uống thiếu thốn hay dinh dưỡng dư thừa đều có thể dẫn tới bệnh cam. Cho nên, hiện nay tuy mức sống đã tăng cao hơn trước nhiều, mà vẫn thấy nhiều trẻ bị mắc bệnh cam.
(2) Thứ hai: Do sau khi bệnh nặng, không được điều dưỡng, bồi bổ thích đáng.
(3) Thứ ba: Bị nhiễm ký sinh trùng lâu ngày, làm cho Tỳ vị tổn thương.
Nguyên nhân tuy có thể khác nhau, nhưng kết cục đều dẫn đến tình trạng "Tỳ vị hư nhược" - "Vận hóa thất điều".
Bệnh thường diễn biến theo các giai đoạn:
(1) Sơ khởi: Cơ thể gầy hơn, so với trẻ bình thường cùng tuổi. Chậm lớn, lông tóc thưa, mặt hơi vàng, da kém tươi, ăn uống kém hoặc ăn nhiều mà hay thấy đói, đại tiện thất thường (phân khi khô khi táo, phân lúc nhiều lúc ít). Đó là những biểu hiện bắt đầu của bệnh cam, gọi là tình trạng "Tỳ vị không điều hòa".
(2) Cam tích: Cơ thể trẻ gầy đi rất rõ rệt, sắc mặt vàng úa, tóc thưa dễ rụng, tinh thần ủ rũ hoặc phiền táo, ăn uống sút kém. Nặng hơn thì hay có những động tác dị thường, như xoa lông mày, dụi mắt, cắn ngón tay, nghiến răng; một số trẻ cam tích thích ăn gạo sống, đất khô, ... Nếu nặng hơn nữa thì bụng trướng to như bị báng và gân xanh nổi lên. Đây là loại cam nặng, Tỳ vị đã hư tổn, không vận hóa được thức ăn, dẫn tới tích trệ, sức đề kháng giảm nên dễ nhiễm ký sinh trùng.
(3) Cam còm (cam khô): Toàn thân đã gầy mòn cực độ, da khô có vết nhăn, nhìn mặt như người già, thịt ở mông đít và hai đùi tiêu hết, chỉ còn da bọc xương; tinh thần ủ rũ, la khóc không ra tiếng. Là loại cam rất nặng, khí huyết bị tổn thương, Tỳ vị hư tổn nặng, liên đới đến các tạng phủ khác, toàn bộ cơ thể đều bị ảnh hưởng. Tương ứng với suy dinh dưỡng độ 3 trong Y học hiện đại.
(4) Biến chứng, kiêm chứng: Tỳ vị là "gốc của hậu thiên", là nguồn hóa sinh ra khí huyết nuôi dưỡng cơ thể. Tỳ vị hư tổn, dẫn tới suy dinh dưỡng, sức chống bệnh của cơ thể suy giảm. Bệnh kéo dài, sẽ liên lụy đến các tạng phủ khác. Do đó, ngoài những chứng trạng ở Tỳ vị, thường xuất hiện nhiều loại biến chứng và kiêm chứng.
Bệnh cam có triệu chứng lâm sàng phức tạp, thời xưa lại có nhiều tên gọi khác nhau, dễ gây nhầm lẫn.
Xin chỉ liệt kê vài thứ thường gặp để tham khảo:
(1) Cam mắt: Mắt đỏ, kèm nhèm, nhiều dử, dính ướt, ... thường gọi là "cam mắt" hay "cam tích chạy lên mắt". Trường hợp mắt cứ nhắm tịt lại, không thích nhìn ra sáng, thường gọi là "cam ám mục". Tạng can "khai khiếu" ở mắt, nên "cam mắt" còn gọi là "can cam".
(2) Cam răng - cam tẩu mã: Cam răng cũng là một kiêm chứng thường gặp. Cam răng chia 2 loại chính là "Phong nhiệt nha cam" và "Tẩu mã nha cam" (cam tẩu mã).
- Phong nhiệt nha cam: Lợi sưng đỏ, chân răng loét, chảy máu đau nhức, kèm theo môi khô, đại tiện táo, ... Nguyên nhân do Tỳ vị âm hư, vị nhiệt hun đốt. Hay gặp sau khi mắc bệnh nhiệt, hay đậu, sởi, ... Chữa trị chủ yếu cần sơ phong thanh nhiệt, tả hỏa giải độc.
- Tẩu mã nha cam: Ban đầu thấy răng đen, chảy máu, hoặc viêm loét lợi, chảy nước giãi, hơi thở hôi thối, ... Chỉ một hai ngày, răng đã có thể thối rữa hết, thậm chí xuyên thủng má, thấu lên mũi, ... rất dễ tử vong. Bệnh phát tác, tiến triển khẩn cấp, như ngựa phi, nên gọi là "nha cam tẩu mã". Phải sớm đưa tới bệnh viện để cứu chữa, mới có thể tránh khỏi nguy hiểm.
(3) Cam miệng (khẩu cam): Miệng lưỡi lở loét, đau nhức, khó nuốt, nặng thì có thể loét cả họng, kèm theo người gầy, bụng trướng, ỉa chảy, lòng bàn chân bàn tay hâm hấp nóng, ...
(4) Cam dãi: Nước dãi chảy liên tục, ướt cả ngực áo, ... Thường gặp ở trẻ đã thôi bú từ 1 tuổi trở lên. Nguyên nhân cũng là do Tỳ vị hư tổn.
(5) Cam sũng (cam thũng): Trẻ cam tích, mặt nặng, mắt nề, bụng ỏng to, danh xanh, ăn kém, ỉa phân sống xốp, đái ít, ...
2. Bài thuốc thường dùng:
Thuốc chữa bệnh cam, chủ yếu uống trong. Khi xuất hiện các kiêm chứng ngoài da hay răng miệng, ... mới kết hợp thêm thuốc bôi ngoài. Dù là uống trong hay bôi ngoài, đều cần tuân theo nguyên tắc đúng người, đúng bệnh và đúng liều lượng.
Một số bài thuốc Nam chữa bệnh cam có kết quả tốt, đã được ghi chép trong sách thuốc cuối thế kỷ trước:
(1) Cam sơ khởi:
- Thành phần: Dùng củ mài 200g, hạt sen 200g, hạt ý dĩ 160g, mạch nha 100g, trần bì 80g, tân lang 80g, cam thảo 60g, sử quân tử 12g, thanh đại 60g.
- Cách chế: Tất cả các vị thuốc tán thành bột mịn, rây kỹ, hợp lại, trộn đều, sau đó luyện với kẹo mạch nha làm thành viên, mỗi viên 2g.
- Các dùng: Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 2-4 viên.
(2) Cam tích:
- Thành phần: Dùng củ cói (sao) 40g, vỏ chuối tiêu chín còn tươi 240g, bột thịt cóc 40g, củ sả 40g.
- Cách chế: Cóc chọn những con màu vàng, chặt bỏ đầu, lột bỏ da, bỏ hết nội tạng như gan, mật, ruột, trứng, ... bỏ cả chân chỉ lấy thân và đùi, sấy khô giòn, tán thành bột mịn. Các vị thuốc khác đều sấy khô, tán mịn, trộn đều với bột cóc, cuối cùng luyện với kẹo mạch nha làm thành viên, mỗi viên 12g.
- Cách dùng: Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1-2 viên. Bài thuốc có tên "Tiểu chiến sĩ" (chiến sĩ nhỏ tuổi), ý nói trẻ ăn thuốc này vào sẽ khỏe như một người lính.
(3) Cam còm:
- Thành phần: Bột thịt cóc 60g, khiếm thực 30g, bạch biển đậu 25g, kê nội kim (màng mề gà) 12g, củ mài 40g, hạt sen 40g, gạo nếp 20g, gạo tám 20g, mật ong một lượng thích hợp.
- Cách chế: Tất cả các vị thuốc đều sao chín kỹ (sao riêng từng thứ), còn màng mề gà đem nướng chín. Hợp tất cả lại, tán thành bột mịn, luyện với mật ong, nặn hoặc cho vào khuôn dập thành bánh, mỗi chiếc 10g.
- Cách dùng: Trẻ nhỏ mỗi ngày ăn 2 lần, buổi sáng và buổi, mỗi lần 1 bánh. Trẻ trên 4 tuổi, mỗi ngày ăn 3 bánh, chia ra ăn vào sáng, trưa, tối.
(4) Cam răng:
- Thành phần: Vỏ núc nác 40g, quả bầu bí (ngũ bội tử) 6g, bột chàm (thanh đại) 6g, phèn phi 6g.
- Cách chế: Vỏ núc nác sắc với 300ml nước, sắc lấy 100ml, đổ bã đi, cô đặc như keo, để riêng. Ngũ bội tử, thanh đại, phèn phi đều tán thật nhỏ, trộn đều vào cao núc nác, sấy hoặc phơi khô, tán lại thật nhỏ thành bột.
- Cách dùng: Dùng thuốc này bôi vào miệng, môi, răng, tất cả các chỗ loét, cứ 1 giờ 30 phút lại bôi một lần.
3. Thuốc cam gây trúng độc do đâu?
Đông y sử dụng nhiều vị thuốc nguồn gốc khoáng chất, trong đó có một số vị thuốc có độc (chủ yếu sử dụng để bôi ngoài), như hùng hoàng, khinh phấn, thăng dược, diên đan, lô cam thạch, ... Trong một số chứng bệnh, có thể sử dụng để uống trong, nhưng với liều rất nhỏ và bào chế hết sức nghiêm ngặt.
Ngay cả khi dùng ngoài, cũng cần phải bào chế cẩn thận và không được sử dụng dài ngày, vì thuốc có thể hấp thụ qua vết thương, qua da, ... tích lũy trong cơ thể, gây nhiễm độc mạn tính.
Ngoài ra, còn có một chống chỉ định cần phải lưu ý: Không bôi lên vùng mặt và trên niêm mạc.
Thời gian qua, nhiều trẻ bị nhiễm độc chì khi dùng thuốc cam. Có thể do trong những thuốc cam đó có chứa một số thứ trong loại kể trên. Và nhiều khả năng nhất, có thể là "diên đan".
"Diên đan" còn gọi là "duyên đơn", "hoàng đơn", "hồng đơn", "duyên hoàng", "đơn phấn", ... tên khoa học là Minium. Thành phần chủ yếu là oxyt chì (Pb3O4). Đó là một chất bột, màu đỏ cam hoặc vàng cam, nặng.
Theo Đông y: Diên đan có vị cay, tính hơi lạnh, có độc; vào 2 kinh Tâm và Can. Có tác dụng bạt độc (hút độc) sinh cơ, sát trùng, chỉ dương (chống ngứa). Diên đan đã được Đông y sử dụng từ thời "Thần Nông bản thảo kinh", nhưng do có độc, từ xưa y gia đã cảnh báo là không được sử dụng lâu dài, để phòng ngừa độc tính tích lũy.
Diên đan với dầu có tính dính, bám chặt vào da, nên thường được sử dụng bào chế cao dán. Trong công nghiệp, diên đan được dùng làm bột pha sơn màu đỏ, nguyên liệu nấu thủy tinh, ...
Diên đan có tác dụng thu liễm, chống ngứa, ức chế tiết xuất niêm dịch, khiến vết loét chóng khô, ... Nên có thể đã bị một số người sử dụng bôi lên những vết chàm, vết loét, ... dẫn tới trúng độc chì. Diên đan có thể gây trúng độc cấp tính và mạn tính.
Trúng độc mạn tính thời gian đầu thường không có triệu chứng rõ rệt, nên khiến người dùng không cảnh giác, nhưng sau đó sẽ dẫn tới trúng độc toàn thân, bao gồm viêm gan do nhiễm độc, nhiễm độc thận, thiếu máu, mất nước, ... nặng nhất là hệ thống thần kinh và chức năng tạo máu.
Hiện nay, nhiều người ngộ nhận về thuốc Nam, cho rằng thuốc Nam an toàn và không độc. Trên thực tế, đã là thuốc ắt có phần độc. Thuốc độc, như phụ tử, mã tiền, sử dụng đúng có thể khỏi cả những bệnh nan y. Thuốc hiền lành, như hoài sơn, cam thảo, dùng sai cũng có thể dẫn đến chết người.
Cho nên từ xưa, giới Đông y vẫn thường cảnh báo: Thuốc làm hại người, là tội của thầy thuốc, chứ không phải là do thuốc độc.
Y gia thường nói, trẻ nhỏ như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, dù đang bị bệnh tà tấn công, cũng không nên dùng loại thuốc công phạt quá mạnh.
Bệnh cam là bệnh đặc hữu ở trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ non yếu, nên thuốc cho trẻ nhỏ, là những vị thuốc có tính năng tương đối bình hòa. Những thuốc mạnh, có độc, chỉ khi bất đắc dĩ thì mới phải sử dụng và phải có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của thầy thuốc chuyên khoa. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng những thứ thuốc không rõ lai lịch, của những người không có chuyên môn.
Lương y THÁI HƯ
(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phầm" - Bản tin của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.