Hỏi:
Khi giới thiệu về tác dụng chữa bệnh của nguyệt quới, một số tờ báo và trang mạng nói rằng, "nguyệt quới" là "nguyệt quế". Nhưng có một số người lại nói, "nguyệt quới" và "nguyệt quế" là hai cây khác nhau. Rất mong "Thuốc vườn nhà" giải đáp cho biết, "nguyệt quới" có phải là "nguyệt quế" hay không?
Nam Lê, Hà Nội
Đáp:
"Nguyệt quới" là từ được sử dụng phổ biến ở trong Nam từ vài thế kỷ trước. "Nguyệt quới" là tên chính thức của loài cây có tên khoa học là Murraya paniculata Jack, thuộc họ Cam (Rutaceae). Điều này đã được ghi nhận trong bộ thực vật chí "Cây cỏ Việt Nam" của GS Phạm Hoàng Hộ, "Từ điển cây thuốc Việt Nam" của TS Võ Văn Chi, ...
Nguyệt quới - Murraya paniculata Jack, là loại cây gỗ nhỏ, cao từ 2-8m; vỏ hơi trăng trắng. Lá kép lông chim lẻ, với 5-9 lá chét, mọc so le, nguyên, hình bầu dục ngọn giáo nhọn ở gốc, bóng láng, dai, có gân chính nổi rõ. Hoa lớn màu trắng vàng, thơm, thành xim, ít hoa ở nách lá hay ở ngọn cây. Quả đỏ, nạc, hình cầu hay hình trứng, có đài tồn tại với 1-2 hạt hơi hóa gỗ.
Thường thấy mọc hoang ở trong rừng còi. Hiện tại nhiều nơi trồng làm cảnh, nhờ có dáng đẹp và hương thơm dễ chịu. Tại Hà Nội, những người bán cây cảnh thường gọi là "cây quế".
Cây được gieo trồng bằng hạt. Để làm thuốc, thường dùng rễ và lá, có thể thu hái quanh năm. Hoa và quả cũng được sử dụng làm thuốc, thu hái vào mùa khô, dùng tươi hay phơi khô.
Cái tên "Nguyệt quới" của cây Murraya paniculata Jack, có thể đã hình thành theo một con đường rất quanh co, rất khó lý giải được chính xác.
Như ta biết, chữ "quý" - theo cách phát âm của người Hà Nội, trong Nam lại phát âm "quới".
Thí dụ: "Quý nhân" (ngoài Bắc) ở trong Nam nói là "quới nhơn"; tương tự, "phú quý" = "phú quới", "quyền quý" = "quờn quới", ...
Như vậy, từ "nguyệt quới" sẽ phải tương ứng với "nguyệt quý”. Có điều, "nguyệt quý" lại là âm Hán Việt của một loài hoa hồng. Loài hoa hồng châu Âu, tên khoa học Rosa rugosa Thunb., có âm Hán Việt là "mai quế" (nước cất hoa hồng này gọi là "mai quế lộ"), còn loài hoa hồng Trung Quốc có tên khoa học là Rosa chinensis Jacq., gọi là "nguyệt quế".
Thời trước, công nghệ cải tạo giống cây trồng chưa phát triển tới mức có thể làm cho hoa nở suốt bốn mùa như ngày nay, loài hoa hồng châu Âu - mai quế chỉ cho hoa một mùa trong năm, còn loài hoa hồng - nguyệt quế mỗi tháng nở một lần, nên mới có tên là "nguyệt quế".
Thế nhưng, hiện tại, loài cây có tên là "nguyệt quới" - Murraya paniculata Jack, lại không phải một loài hoa hồng. Trong các sách thuốc của Trung Quốc, cây Murraya paniculata Jack, có rất nhiều tên gọi khác nhau.
"Trung dược đại từ điển" lấy tên "cửu lý hương" làm chính danh (tên chính thức). Ngoài ra, cây còn có rất nhiều biệt danh. Như sách "Trung Sơn truyền tín lục" gọi là "nguyệt quất"; sách "Sinh thảo dược tính lược yếu" gọi là "thiên lý hương", "mãn sơn hương"; sách "Phúc Kiến Trung thảo dược" gọi là "quá sơn hương"; sách "Nam Ninh thị dược vật chí" gọi là "thủy vạn niên thanh", ...
Tác giả An Chi cho rằng, cây Murraya paniculata Jack nói trên được người miền Nam biết đến đầu tiên với cái tên "nguyệt quất". Trải qua một quá trình quanh co, vòng vèo, cái tên "nguyệt quất" đã biến thành ... "nguyệt quới". Nhận định này chính xác đến mức độ nào, rất khó xác định!
Điều cần nói rõ là, khoảng mươi năm trở lại đây, một số người hoặc vì hiếu sự, hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc chỉ vì vô tình, đã đổi tên cây "nguyệt quới" thành "nguyệt quế" (thường xuất hiện trong câu "vòng nguyệt quế" - biểu tượng tôn vinh).
Cũng theo tác giả An Chi, trong những người đó, có một số chủ trại chuyên bán cây kiểng; chính những người này đã góp phần làm "lây lan" cái cách gọi sai trái này mà gây nhiễu cho từ vựng tiếng Việt. Thậm chí, gần đây sự lẫn lộn này còn được một số cá nhân có thẩm quyền, hoặc cơ quan chức năng, tung ra một cách hoàn toàn vô ý thức, trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tóm lại, chúng ta cần phân biệt rõ: "Nguyệt quới" và "nguyệt quế" là hai loài thực vật hoàn toàn khác nhau. "Nguyệt quới" thuộc họ Rutaceae, chi Murraya, loài M. paniculata; còn "Nguyệt quế" thuộc họ Lauraceae, chi Laurus, loài L. nobilis.
Nhân đây, "Thuốc vườn nhà" cũng xin phép được giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng "nguyệt quới" (nguyệt quất), để Quý bạn đọc cùng tham khảo:
(1) Chữa eczema: Dùng cành lá giã nhỏ, xát và đắp vào chỗ bị bệnh.
(2) Chữa đau răng: Lấy vỏ thân hoặc lá tươi, nhai, ngậm nhiều lần trong ngày; liên tục vài ba ngày.
(3) Chữa ho có đờm: Lá nguyệt quới khô 8-16g, sao vàng, sắc lấy nước uống trong ngày.
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọchttps://vi.m.wikipedia.org/wiki/Nguyệt_quế https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Nguyệt_quới