• Cơ quan đặc hữu hay gây rắc rối
Tuyến tiền liệt là một "tuyến nội tiết đặc hữu" của nam giới, trong cơ thể phụ nữ không có tuyến này.
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, bao gồm phần tổ chức tuyến và phần tổ chức cơ; kích thước chỉ như một quả hạt dẻ, nặng khoảng 20g, nằm ở dưới bàng quang, bao bọc xung quanh gốc niệu đạo.
Tuyến tiền liệt có thể tiết ra một chất dịch, trông như sữa, để góp phần tạo nên tinh dịch. Chất dịch này được trộn lẫn với tinh dịch, làm cho nồng độ của tinh dịch giảm bớt, tạo điều kiện tốt cho tinh trùng hoạt động. Đó là một thành phần quan trọng của tinh dịch, có chức năng cung cấp các chất dinh dưỡng và tạo điều kiện tốt cho sự hoạt động của tinh trùng.
Tuyến tiền liệt còn tạo ra prostagladin, một chất nội tiết tố, có vai trò quan trọng trong các quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Tuyến tiền liệt cũng là bộ phận rất hay gây "tai nạn" cho giới mày râu: Bước vào tuổi thành niên, tuyến tiền liệt ở nam giới bắt đầu hoạt động mạnh. Nhưng, từ sau 45-50 tuổi, tuyến tiền liệt bắt đầu suy yếu và có xu hướng tăng sản bệnh lý: Tạo thành các khối u, lẫn vào các tuyến cạnh niệu đạo hoặc quanh niệu đạo, gây chèn ép, khiến tiểu tiện trở nên khó khăn. Số liệu điều tra ở nhiều nước cho thấy: Nam giới từ 50-60 tuổi có 30%, từ 61-70 có 50% và từ 71-80 có tới 90% người bị mắc chứng tăng sinh tuyến tiền liệt. Có thể nói, tuyến tiền liệt tăng sinh (còn gọi là tuyến tiền liệt phì đại, U xơ tuyến tiền liệt) là một trong những căn bệnh gây ra nhiều phiền toái và đau khổ cho nam giới, đặc biệt ở những người cao tuổi.
Bệnh tuyến tiền liệt phì đại phát sinh từ từ; khi mới tăng sinh ở mức độ nhẹ thường không thấy chứng trạng bệnh lý, nhưng khi khối u đã to và bắt đầu chèn ép niệu đạo thì sẽ ảnh hưởng đến quá trình bài tiết nước tiểu. Triệu chứng điển hình là: Tiểu tiện nhiều lần, nhất là về ban đêm; tiểu tiện tốn nhiều sức, phải sau một thời gian nước tiểu mới tiết ra được, tiểu tiện xong nước tiểu vẫn tiếp tục nhỏ giọt. Trường hợp nặng, tia nước tiểu nhỏ đi, thậm chí không tụ thành dòng, không phóng được xa. Có khi tiểu tiện có cảm giác đau nhức, khi đi tiểu gần xong trong nước tiểu có vài giọt máu; hoặc là nước tiểu bị đọng lại như bị bí đái; dễ bị viêm nhiễm đường tiết niệu. Khi chức năng của thận đã bị tổn hại, có thể xuất hiện chứng nhức đầu, kém ăn, mệt mỏi, người gầy dần, da khô, nhiễm độc niệu mạn tính, ...
Những dấu hiệu cần chú ý: Trong trường hợp thấy xuất hiện các triệu trứng như tiểu tiện khó khăn, đái gấp, đái sót, ... Tốt nhất là nên đến ngay bệnh viện khám, để có được một chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, để "tự chẩn bệnh trước cho mình", bạn có thể căn cứ theo 6 dấu hiệu mà tạp chí "Sức khỏe nam giới" của Đức đã giới thiệu như sau:
- Dấu hiệu 1: "Độ phóng xa của tia nước tiểu" - Tia nước tiểu phóng đi càng xa, càng ít có khả năng mắc bệnh. Về "độ phóng xa" các chuyên gia đã đưa ra "thước đo" cụ thể như sau: Không quá 20 cm - tình trạng xấu, nên đến ngay bệnh viện; khoảng 30 cm - đáng ngờ; khoảng 60cm - mọi chuyện ổn cả; khoảng 70cm - hoàn toàn có thể yên tâm.
- Dấu hiệu 2: Bụng dưới có cảm giác dị thường, không thoải mái, khi nước tiểu bắt đầu phóng ra.
- Dấu hiệu 3: Nước tiểu phóng ra đứt quãng - không liên tục, đái sót.
- Dấu hiệu 4: Số lần muốn đi tiểu tăng lên.
- Dấu hiệu 5: Không cảm thấy thoải mái khi đã đi tiểu xong.
- Dấu hiệu 6: Ban đêm đi tiểu nhiều lần.
• Dự phòng và chữa trị
Để dự phòng phì đại tuyến tiền liệt, cần làm việc, nghỉ ngơi điều độ. Thường xuyên tập thể dục, tăng cường vận động thân thể. Không ăn quá nhiều các chất chua, chất ngọt; cần ăn nhiều rau tươi và các thức ăn chứa nhiều xơ. Không ngồi xe đạp hoặc xe máy quá lâu, ...
Đối với trường hợp phì đại tuyến tiền liệt, bắt đầu gây tiểu tiện khó khăn, trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng một số Món ăn - Bài thuốc theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y, như sau:
1. Thấp nhiệt tích tụ ở bàng quang:
- Triệu chứng: Nước tiểu nóng vàng, dính rít khó ra, thậm chí nước tiểu không bài xuất ra được bên ngoài; bụng dưới trướng đau; bên trong dương vật có cảm giác đau buốt hoặc ngứa; miệng khát mà không uống nhiều nước; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi nhớt hoặc vàng nhớt; mạch sác (nhanh).
- Phép chữa: Thanh nhiệt, lợi thấp, dưỡng âm.
- Trường hợp nhẹ có thể dùng:
(1) Bồ công anh 25g, khổ qua (mướp đắng) 150g; sắc nước uống thay trà trong ngày.
(2) Bí đao 350g, hạt ý dĩ 50g, đường một lượng thích hợp; bí đao thái thành miếng nhỏ, ý dĩ rửa sạch; sắc nước uống thay trà trong ngày, khi uống thêm chút đường vào cho đủ ngọt.
- Trường hợp bện nặng cần dùng:
Bài thuốc đạo xích lợi thủy thang: Hoàng liên 10g, hoàng bá 10g, chi tử 10g, mộc thông 3g, trạch tả 6g, sinh địa 10g, xích thược 10g, đan bì 10g, cam thảo 5g; sắc với 1000ml nước, đun còn 450ml, chia thành 3 phần uống lúc đói bụng (sáng, trưa, chiều).
2. Khí trệ huyết ứ:
- Triệu chứng: Phải gắng sức mới đi tiểu được, đi tiểu xong nước tiểu vẫn nhỏ giọt, đau trướng vùng bụng dưới; có khi nước tiểu có lẫn máu hoặc tinh dịch; trên lưỡi có những nốt hoặc những mảng máu tụ; mạch trầm huyền hoặc tế sáp.
- Phép chữa: Hành ứ tán kết, thông lợi niệu đạo.
- Trường hợp nhẹ có thể dùng:
(1) Đọt hành 5g, đương quy 8g, lá mần tưới 12g; sắc nước, uống thay trà trong ngày.
(2) Sơn tra tươi 50g, hạt vải (lệ chi hạch) 10g, đường phèn 20g; sắc nước, uống thay trà trong ngày.
- Trường hợp nặng cần tùy theo điều kiện, chọn dùng 1 trong 2 phương thuốc sau:
(1) Thông ứ lợi thủy thang: Sinh địa 15g, đan bì 10g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, đan sâm 10g, xích thược 15g, đương quy vĩ 10g, ngưu tất 10g, chỉ thực 10g; sắc với 1000ml nước, đun nhỏ lửa cho cạn còn 450ml, chia thành 3 phần uống (sáng, trưa và tối), lúc đói bụng; mỗi ngày dùng 1 thang.
(2) Long bế trà: Nhục quế 40g, xuyên sơn giáp 60g, mật ong một lượng thích hợp; nhục quế và xuyên sơn giáp tán riêng từng thứ thành bột mịn, sau đó trộn đều, hòa với nước, thêm mật ong vào uống thay trà.
3. Thận dương suy hư:
- Triệu chứng: Tiểu tiện nhiều lần, nước tiểu tiết ra khó khăn, lâm ly bất tận, hoặc nước tiểu rỉ ra không tự chủ được; lúc ngủ có khi đái dầm mà không biết; thường kèm theo đầu choáng, lưng gối đau mỏi, chân yếu sức; chất lưỡi hồng nhạt, rêu lưỡi trắng; mạch trầm tế hoặc trì nhược.
- Phép chữa: Ôn bổ thận dương, thông lợi thủy đạo.
- Để hỗ trợ trị liệu, có thể sử dụng thêm một số món ăn có tác dụng bổ thận tráng dương như:
(1) Xương sống dê 1 bộ, nhục thung dung 50g, lá lốt 10g; thêm hành, gừng, mắm, muối, ...; xương sống dê dùng chày giã vụn, nhục thung dung rửa sạch thái lát, cùng với lá lốt nấu thành món canh.
(2) Tỏa dương 15-30g, gạo tẻ 50-60g; nấu thành cháo, ngày ăn một lần, ăn ngay khi cháo còn nóng.
(3) Tục đoạn 25g, đỗ trọng 30g, đuôi lợn 1-2 cái; nấu thành món hầm ăn, ăn đuôi lợn và uống nước canh; mỗi ngày dùng 1 thang.
- Nói chung, cần dùng các thứ thuốc bổ thận tráng dương để chữa. Tùy theo điều kiện cụ thể, có thể chọn dùng một trong 2 phương thuốc sau:
(1) Ôn thận lợi thủy thang: Thục địa 10g, đỗ trọng 10g, ngưu tất 10g, xa tiền tử 10g, quế chi 10g, tiên mao (sâm cau) 10g, tiên linh tỳ (dâm dương hoắc) 10g, hoàng kỳ 10g, đảng sâm 10g, thổ phục linh 10g, bạch truật 10g, trạch tả 10g; sắc với 1000ml nước, đun nhỏ lửa cho cạn còn 450ml; chia thành 3 phần uống (sáng, trưa và tối), lúc đói bụng; mỗi ngày dùng 1 thang.
(2) Hữu quy thang gia giảm: Thục địa 12g, sơn dược 12g, sơn thù 10g, đỗ trọng 10g, thỏ ti tử 10g, phụ tử chế 5g, nhục quế 20g, hoàng kỳ 20g, đảng sâm 20g, ba kích thiên 10g, xung úy tử 10g, xà sàng tử 10g, ngưu tất 12g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 10g; sắc với 1000ml nước, đun nhỏ lửa cho cạn còn 450ml; chia thành 3 phần uống (sáng, trưa và tối), lúc đói bụng; mỗi ngày dùng 1 thang.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.