Dưỡng sinh Ẩm thực liệu dưỡng

Món ăn - Bài thuốc chữa hội chứng mệt mỏi mạn tính

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 11/06/2015 09:50 SA

"Hội chứng mệt mỏi mạn tính" (Chronic fatigue syndrome), gọi tắt là CFS, là chứng bệnh được Cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) chính thức định danh từ năm 1998. Tuy nhiên, cho đến nay Y học hiện đại chưa thể xác định rõ nguyên nhân, và vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị hữu hiệu. Bệnh này tuy không gây chết người trong thời gian ngắn, nhưng trạng thái mệt mỏi trường diễn và sự suy giảm khả năng thích ứng, đang gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của ngày càng nhiều người trên thế giới.

đảng sâm

Theo Tiêu chuẩn chẩn đoán, do các chuyên gia hữu quan thuộc Cơ quan CDC kiến nghị, "Hội chứng mệt mỏi mạn tính" bao gồm "chủ chứng" và các "kiêm chứng" như sau:

    • Chủ chứng: Trạng thái mệt mỏi diễn ra trong thời gian dài (trên 6 tháng) - luôn cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, sau khi hoạt động càng trầm trọng.

    • Kiêm chứng:

    - Váng đầu, nặng đầu, trí nhớ giảm, tư tưởng không tập trung;

    - Mất ngủ, hay ngủ mê, hoặc luôn cảm thấy buồn ngủ nhưng ngủ dậy lại càng mệt mỏi;

    - Bồn chồn, hồi hộp, hơi thở ngắn gấp, tức ngực, nghẹt thở;

    - Dễ căng thẳng, dễ bị kích động, phiền táo, uất ức; hoặc hoảng sợ không kiềm chế được; hoặc bi thương muốn phát khóc;

    - Sốt không rõ nguyên nhân, kèm theo đau đầu, đau mình mẩy, cơ bắp mỏi đau, hạch sưng đau nhẹ;

    - Họng đau, khó nuốt, bụng đầy, kém ăn, mạng sườn trướng đau;

    - Sức chống bệnh giảm (dễ bị cảm mạo, các bệnh nhiễm trùng, ...).

Nếu có chủ chứng kèm theo ít nhất 3 kiêm chứng, thì có thể xác định là đã mắc phải "Hội chứng mệt mỏi mạn tính" - CFS.

Theo quan niệm của Đông y học, trạng thái mệt mỏi mạn tính chủ yếu do khí huyết suy yếu, âm dương mất cân bằng, hoặc can uất khí trệ gây nên.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, sử dụng ẩm thực liệu pháp - theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y học có thể mang lại kết quả tương đối tốt.

Dưới đây là một số "chứng hình" (thể bệnh) thường gặp, cùng  phép chữa tương ứng và những Món ăn - Bài thuốc có thể sử dụng. Tuy nhiên CFS là chứng bệnh phức tạp, tác dụng của Đông dược và thức ăn không thể thấy rõ ngay trong thời gian ngắn, cần kiên trì sử dụng mới có kết quả.

1. Khí huyết hư suy:

    - Biểu hiện (triệu chứng): Người mệt mỏi, đuối sức. Hơi thở yếu, ngại nói, vận động một chút là mồ hôi vã ra, tim hồi hộp loạn nhịp từng cơn (tâm quý), có thể sốt nhẹ, nặng đầu, choáng váng, trí nhớ giảm, hay quên (kiện vong), tư tưởng khó tập trung, mất ngủ, hay ngủ mê, kém ăn, bụng trướng, đại tiện lỏng, sắc da nhợt nhạt hoặc xuất huyết dưới da. Phụ nữ kinh huyết ít hoặc bế kinh, hoặc lượng kinh huyết nhiều nhưng sắc nhợt. Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tế nhược (nhỏ yếu).

    - Phép chữa: Ích khí dưỡng huyết.

    - Tùy theo điều kiện có thể sử dụng các Món ăn - Bài thuốc:

    (1) Canh gà hầm sâm hoàng kỳ: Đảng sâm 30g, hoàng kỳ 50g, nước luộc gà 1000ml; nước luộc gà vớt bỏ váng, cho đảng sâm, hoàng kỳ vào nấu 15-20 phút, chắt lấy nước, chia ra uống nhiều lần trong ngày; mỗi lần khoảng 100ml.

    (2) Gà hầm sâm quy truật: Dùng nhân sâm 10g, đương quy 15g, hoàng kỳ 15g, bạch truật 15g; gà mái 1 con, gia vị vừa đủ; gà làm thịt, bỏ lông và tạp chất, rửa sạch; các vị thuốc sau khi rửa sạch bọc vào túi vải sô, nhét vào bụng gà, cho vào nồi, đổ ngập nước, hầm nhỏ lửa cho đến khi thịt gà chín nhừ; bỏ bọc thuốc ra, thêm gia vị, nấu một lát nữa là được; chia ra ăn trong các bữa cơm; mỗi tuần ăn 2-3 lần như vậy.

    (3) Gà hầm nhân sâm linh chi: Dùng nhân sâm 10g, linh chi 10g, đương quy 15g, bạch truật 15g, cam thảo 5g, gà mái 1 con, gia vị đủ dùng; các vị thuốc đem bọc vào túi vải; gà làm thịt bỏ lông và tạp chất; nhét thuốc vào bụng gà, cho vào nồi, đổ ngập nước, hầm nhỏ lửa cho đến khi thịt gà chín nhừ; bỏ bọc thuốc ra, thêm gia vị, đun thêm một lát nữa là được; mỗi tuần ăn 2-3 lần.

2. Khí âm lưỡng hư:

    - Biểu hiện: Người mệt mỏi, kiệt sức. Đầu choáng, mắt hoa, thở hụt hơi, ngại nói, mồ hôi tự vã ra (tự hãn), khi hoạt động bệnh chứng càng trầm trọng, lòng bàn chân bàn tay hâm hấp nóng, miệng khát, họng khô, môi nứt nẻ, lưỡi khô, ho khan ít đờm, tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện bí kết.

    - Phép chữa: Ích khí dưỡng âm.

    - Có thể sử dụng các Món ăn - Bài thuốc:

    (1) Cháo dương sâm thịt lợn: Dương sâm 10g (sâm Hoa Kỳ, Panax guinguefodium L.), đại táo (táo tầu) 10 trái, gạo tẻ 60g, thịt lợn nạc 50g; thịt lợn rửa sạch, thái vụn, gạo vo sạch, táo bỏ hạt, dương sâm thái lát; trước hết cho gạo vào nồi, thêm nước đun sôi, sau đó cho sâm, táo và thịt lợn vào, nấu nhỏ lửa đến khi cháo chín, thêm mắm muối gia vị vào là được; ăn hàng ngày, vào sáng sớm lúc mới thức dậy.

    (2) Bồ câu hầm dương sâm: Dương sâm 10g, bồ câu non (chưa biết bay) 2 con, gừng già, rượu trắng, gia vị một lượng thích hợp; bồ câu làm thịt, bỏ lông và tạp chất, cho vào nồi nấu sôi, vớt bỏ bọt, cho sâm và gia vị vào hầm nhỏ lửa khoảng 1 tiếng là được; mỗi tuần ăn 2-3 lần.

    (3) Canh mộc nhĩ thái tử sâm: Ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 15g, thái tử sâm 25g, đường phèn một lượng thích hợp; mộc nhĩ ngâm nước lạnh cho nở ra, rửa sạch; thái tử sâm rửa sạch, thái thật nhỏ, cùng với mộc nhĩ, đường phèn cho vào nồi, thêm nước, nấu đến khi canh chín; ăn mộc nhĩ và uống nước canh, mỗi ngày dùng một tễ.

3. Can uất khí trệ:

    - Biểu hiện: Người mệt mỏi, kiệt sức. Ngực đầy tức, ngạt hơi, mạng sườn hoặc vú trướng đau, bụng dưới đau tức, buồn lo khóc lóc, dễ cáu giận; phụ nữ kinh nguyệt rối loạn, thống kinh, hoặc thấy như có vật gì như hạt mơ vướng ở cổ họng - khạc không ra nuốt không vào (Đông y gọi là "mai hạch khí", dân gian gọi là chứng "thập thò đuôi lươn"). Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền (căng như dây đàn).

    - Phép chữa: Sơ can giải uất, kiện tỳ ích khí.

    - Có thể sử dụng các Món ăn - Bài thuốc:

    (1) Canh gan lợn táo nhân: Toan táo nhân 10g, đảng sâm 5g, đương quy 5g, gan lợn 100g, gia vị đủ dùng. Gan lợn rửa sạch, thái lát, trộn với chút gừng, hành, muối, bột mì, rượu; sắc các vị thuốc lấy nước cốt (bỏ bã), sau đó cho gan lợn đã trộn sẵn vào nấu đến khi gan chín; thêm gia vị cho hợp khẩu vị là được; mỗi ngày dùng một tễ.

    (2) Canh thịt thỏ sâm táo: Đảng sâm, đại táo, sơn dược, câu kỷ tử - mỗi thứ 10g, thịt thỏ 100g, gia vị vừa đủ dùng; thịt thỏ rửa sạch, thái miếng, cùng các vị thuốc nấu canh ăn; mỗi tuần ăn 2-3 lần.

    (3) Canh thịt lợn đảng sâm sài  hồ: Đảng sâm 15g, sài hồ 6g, trần bì 6g, thịt lợn nạc 100g, gia vị đủ dùng; thịt lợn nạc rửa sạch, thái chỉ; sắc các vị thuốc lấy nước cốt (bỏ bã), nấu với thịt lợn thành món canh; mỗi tuần ăn 2-3 lần.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]