Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Mía - Bổ âm, giải nhiệt, chống nôn

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 18/06/2012 09:59 SA

Hỏi:

Tôi nghe nói, mía có thể dùng chữa nhiều chứng bệnh, nhưng sử dụng cụ thể thế nào thì chưa biết rõ. Vì vậy, mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cụ thể hơn về vấn đề này.

Trần Văn Chính, Thái Nguyên

Đáp:

mía, cây mía, cam giá, can giá, đường ngạnh

Từ xưa, mía đã được coi là thứ "thực dược lưỡng dụng", vừa có thể dùng làm thực phẩm, vừa có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Tác dụng làm thuốc của cây mía được ghi chép sớm nhất trong sách "Danh y biệt lục" của danh y Đào Hoằng Cảnh (456-536), cách nay đã gần 2000 năm.

Trong Đông y, vị thuốc từ cây mía có tên là "cam giá", còn có tên khác là "can giá", "đường ngạnh".

Trong các sách về "thực liệu" (chữa trị bệnh tật bằng thực phẩm), mía được xếp vào trong nhón "thức ăn - vị thuốc" có tác dụng "Tư âm sinh tân" (bổ âm và sản sinh dịch thể).

Theo Đông y: Cây mía (cam giá) có vị ngọt, tính lạnh, vô độc; vào 2 kinh Thủ thái âm Phế và Túc dương minh Vị. Có tác dụng thanh nhiệt, nhuận táo sinh tân, giáng khí. Dùng chữa các chứng nhiệt làm tổn thương tân dịch, như tâm phiền miệng khát, ẩu thổ (nôn mửa), phản vị (ăn vào nôn ngược trở lại), phế táo khái thấu (phổi háo, ho), đại tiện táo kết, tiểu tiện bất lợi, tiêu hóa bất lương, ...

Tuy nhiên, sử dụng mía, cũng như tất cả các loại thức ăn và vị thuốc khác, cũng có những nghi kỵ nhất định. Cụ thể: Người mắc bệnh tiểu đường nên không dùng nhiều. Người Tỳ Vị hư hàn dùng phải cẩn thận. Mía bị giập, mốc, đã biến chất, có mùi rượu, bị ký sinh trùng làm hư hỏng, ... ăn vào có thể bị nhiễm độc, không được sử dụng.

Một số ứng dụng cụ thể:

    (1) Chữa cảm nắng, phát sốt, miệng khát, tiểu tiện sẻn đỏ:

        - Dùng mía róc vỏ ăn; hoặc ép lấy nước cốt uống;

        - Dùng nước mía ép, nước dưa hấu ép, mỗi thứ khoảng 100ml, trộn đều uống.

    (2) Chữa ho do nội nhiệt (nóng trong): Mía ép lấy khoảng 100-200ml nước cốt, gạo tẻ 50-100g, thêm nước vào vừa đủ nấu thành cháo; ăn liên tục trong nhiều ngày. Có tác dụng nhuận Phế, chữa các chứng ho do nội nhiệt rất tốt.

    (3) Chữa ho khi lên sởi: Mía vỏ đỏ (bỏ vỏ và đốt), củ mã thầy (gọt bỏ vỏ) - mỗi thứ 30-40g; sắc nước uống thay nước trong ngày.

    (4) Nóng dạ dày (vị nhiệt), miệng đắng, kém ăn, đại tiện táo: Nước mía ép khoảng 50ml, mật ong 30g; 2 thứ trộn đều, ngày uống 2 lần, sáng sớm và buổi tối lúc đói bụng.

    (5) Phản vị, miệng khô lưỡi rát, đại tiện táo:

        - Nước mía ép, nước gừng ép, pha theo tỷ lệ 7/1; chia ra uống dần từng ít một trong ngày.

        - Mía rửa sạch, ép lấy 200ml nước cốt, gạo tẻ 50g, thêm lượng nước thích hợp vào nấu thành cháo ăn.

    "Phản vị" là tình trạng ăn vào thì nôn ngược ra ngay; hoặc sáng ăn chiều nôn, tối ăn sáng nôn.

    (6) Bỗng nhiên khô miệng, nôn khan liên tục: Nước mía ép, hâm nóng lên uống 100ml, ngày 3 lần.

    (7) Đái buốt, đái ra máu: Mía tươi 500g, giã ép lấy nước cốt; ngó sen 500g, thái nhỏ, ngâm trong nước cốt mía nửa ngày, sau vắt lấy nước; chia 3 lần uống trong ngày.

    (8) Phụ nữ có thai buồn nôn: Nước mía ép 1 bát con, trộn thêm chút nước cốt gừng (khoảng 5ml - 1 thìa con); chia thành 3-4 lần uống trong ngày.

    (9) Phụ nữ chảy máu mũi khi hành kinh: Mía tươi, ngó sen tươi - mỗi thứ 500g, sinh địa tươi 100g; tất cả đem giã vắt lấy nước cốt, trộn đều; chia 2-3 lần uống trong ngày.

    (10) Ngón tay ngón chân lên chín mé: Hái lấy lõi trắng ở ngọn cây mía, giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà, đắp vào chỗ bị sưng, băng cố định lại.

    (11) Gót chân bị nứt nẻ chảy nước: Lõi trắng ở ngọn cây mía 100g, bèo cái tía 100g; 2 thứ cùng giã nát; thêm 1 bát đồng tiện (nước tiểu bé trai) vào đun sôi, để gần nguội thì ngâm chỗ chân bị bệnh vào.

    (12) Vết thương chảy máu: Cạo phấn trắng ở thân cây mía rắc vào chỗ vết thương, máu sẽ cầm ngay lại.

    (13) Các chứng lở loét (lở mép, trốc đầu, lở mông, ...): Để chữa tất cả các chứng lở loét trên, tại các vùng nông thôn hẻo lánh, có thể tự chế ra loại thuốc sát trùng bằng vỏ cây mía như sau: Lấy vỏ mía đốt cháy đen, nghiền thành bột mịn, trộn với dầu vừng hoặc dầu lạc, cất vào lọ nút kín dùng dần; khi mắc các bệnh trên, chỉ cần bôi thuốc vào các chỗ bị thương; có tác dụng chống viêm loét rất tốt.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]