Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Khỏe và đẹp với dây tơ hồng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 12/11/2011 08:29 SA

Hỏi:

Em nghe nói dây tơ hồng có rất nhiều công dụng: vừa có tác dụng làm thuốc, vừa có thể sử dụng để làm đẹp. Xin "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" giải thích cho em biết: Có mấy loại dây tơ hồng và công dụng cụ thể của từng loại như thế nào?

Triệu Mai Hiên, Thái Nguyên

Đáp:

dây tơ hồng

Tơ hồng là loài dây ký sinh trên các cây khác. Dây tơ hồng có 2 loại (vàng và xanh), thuộc 2 họ thực vật khác nhau.

"Tơ hồng vàng" thuộc họ Bìm bìm, có tên khoa học là Cuscuta sinesis Lamk, thường mọc quấn chung quanh cây chủ, thân thành sợi màu vàng hay đỏ nâu nhạt, không có lá.

"Tơ hồng xanh" thuộc họ Long não, thân to hơn loại vàng, mọc dính sát vào cây chủ, tên khoa học là Cassytha filiformis L..

Hạt của tơ hồng vàng có tên là "thỏ ti tử", là một vị thuốc bổ rất thông dụng trong Đông y. Trong dân gian thường hay dùng dây, vì quanh năm lúc nào cũng có sẵn.

Dây tơ hồng đúng là có rất nhiều công dụng. Riêng về phương diện làm đẹp, ta có thể hiểu theo 2 nghĩa, thứ nhất là (tác dụng gián tiếp) làm đẹp từ bên trong - thông qua tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, bổ can thận, tăng cường sức khỏe; thứ hai là (tác dụng trực tiếp) chữa trị một số bệnh ảnh hưởng xấu đối với thẩm mỹ.

Theo Đông y: Tác dụng của 2 loại tơ hồng gần giống như nhau, nhưng loài vàng có tính bình (không nóng không lạnh), còn loài xanh có tính hàn (lạnh), vì vậy trong sử dụng cũng có sự khác biệt nhất định.

Một số ứng dụng cụ thể:

    (1) Thuốc bổ dưỡng: Dùng dây tơ hồng vàng 20g (hoặc hạt 8g), ngũ vị tử 8g, xa tiền tử 8g, khởi tử 8g, phúc bồn tử 4g; sắc nước uống trong ngày; hoặc có thể đem tán nhỏ, trộn với mật ong, làm thành viên, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g. Có tác dụng bồi bổ cơ thể, da tươi nhuận; chữa lưng đau gối mỏi, nam giới di tinh, nữ giới khí hư bạch đới.

    (2) Chữa mụn mủ ở đầu, mặt: Dùng dây tơ hồng vàng, sắc lấy nước để rửa hàng ngày.

    (3) Chữa lang ben: Dùng dây tơ hồng vàng ngâm rượu, chế thành "rượu tơ hồng 25%" (250g tơ hồng ngâm trong 1000ml rượu), ngâm ít nhất trong 1 tuần; dùng bông sạch thấm rượu thuốc, bôi vào chỗ có bệnh ngày 2-3 lần.

    (4) Chữa hen suyễn: Dùng dây tơ hồng vàng, lá táo chua - mỗi thứ 30g; tất cả đem sao vàng, hạ thổ, sắc nước uống trong ngày.

    (5) Chữa mũi chảy máu cam lâu ngày không khỏi: Dùng dây tơ hồng xanh 15- 30g, thịt lợn nạc 50g; hầm lên ăn.

    (6) Chữa phù thũng do viêm thận: Dùng dây tơ hồng xanh 30-60g, mộc thông 20g; sắc nước uống thay nước trong ngày.

    (7) Chữa viêm gan vàng da: Dùng dây tơ hồng xanh 15-30g, nấu với đậu phụ thành món canh, ăn trong bữa cơm hàng ngày.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]