Hỏi:
Tôi được một người bạn mách cho một bài thuốc chữa xạm da trong đó có vị thuốc gọi là "hồng hoa". Đề nghị "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" trả lời giúp: Hồng hoa có phải là hoa hồng hay không, và vị thuốc "hồng hoa" có những tác dụng gì?
Nguyện Thị T. Quận Tây Hồ, Hà Nội
Đáp:
"Hồng hoa" là hoa của "cây hồng hoa"; vị thuốc này hiện tại có thể mua được dễ dàng ở tất cả các hiệu Đông dược.
Hồng hoa là cây sống 1 năm, cao 0,60-1m, thân trắng có vạch dọc; lá mọc so le không có cuống, mép có răng cưa nhọn; cụm hoa gồm hợp lại thành ngù; hoa lúc mới nở màu vàng, sau chuyển thành màu đỏ cam.
Trong rất nhiều bộ phim của Trung Quốc chiếu hiện nay, "hồng hoa" thường bị dịch nhầm là "hoa hồng". Thực ra, "hồng hoa" là một cây khác hẳn, còn gọi là "cây rum", tên khoa học là Carthamus tinctorius L. thuộc họ Cúc Asteraceae, đã được di thực và trồng ở một số tỉnh biên giới phía Bắc nước ta.
Còn "hoa hồng" tiếng Hán là "mai quế" hoặc "nguyệt quý hoa". "Mai quế" chỉ loài hoa hồng Rosa rugosa Thunb., thuộc họ hoa hồng Rosaceae, mỗi năm chỉ nở hoa một lần, có nguồn gốc từ châu Âu, còn "nguyệt quý hoa" chỉ loài hoa hồng Rosa Chinensis Jacq., thuộc họ hoa hồng Rosaceae, ra hoa quanh năm, mỗi tháng hoa nở một lần nên gọi là "nguyệt quý hoa", có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tính năng và tác dụng của "hồng hoa" không giống "hoa hồng", vì vậy cần chú ý để khỏi nhầm lẫn.
Theo Đông y: Hồng hoa có vị cay, ấm; vào hai kinh Tâm và Can. Có tác dụng phá ứ huyết, sinh huyết mới, chữa kinh nguyệt bế tắc, sản hậu ứ huyết, thai chết trong bụng; còn có tác dụng giải nhiệt, tăng tiết mồ hôi. Thường dùng dùng chữa kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng, bế kinh, khí hư, viêm dạ con, viêm buồng trứng, ...
Hồng hoa là vị thuốc hoạt huyết mạnh, có tác dụng phá huyết ứ. Mà huyết ứ thường dẫn đến những vết nhăn, vết nám, vết sẹo trên da, cản trở sự phát triển của tóc, lông, ... Vì vậy, hồng hoa là vị thuốc có nhiều ứng dụng trong việc làm đẹp.
Xin giới thiệu một số ứng dụng cụ thể:
(1) Cháo hồng hoa: Dùng hồng hoa 10g, đương quy 10g, đan sâm 15g, gạo nếp 50-100g; trước hết sắc các vị thuốc, chắt lấy nước bỏ bã, cho gạo vào nấu cháo ăn vào lúc đói bụng. Có tác dụng dưỡng huyết, hoạt huyết, điều kinh. Dùng trong các trường hợp huyết hư (thiếu máu), huyết ứ sắc diện vàng khô kém tươi.
(2) Hóa ứ đan: Dùng hồng hoa, sài hồ, bạc hà, chi tử, quy vĩ, xích thược - mỗi thứ 30g; nghiền thành bột mịn, trộn với mật làm thành viên 6g, buổi sáng buổi tối uống mỗi lần 1 viên. Có tác dụng cải thiện chức năng gan, chữa da nám, da xạm.
(3) Hóa ứ khu ban thang: Dùng hồng hoa 9g, đươn quy 9g, đào nhân 9g, xích thược 9g, xuyên khung 9g, trạch lan 9g, hương phụ 9g, sài hồ 9g, đan sâm 15g, sinh khương 3 lát, đại táo 3 trái, hành trắng 3 đoạn ngắn; sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia 2 lần uống. Có tác dụng làm đẹp da và chữa nám da do chức năng gan bị suy yếu.
(4) Chữa tóc rụng (thuốc kích thích tóc mọc): Dùng hồng hoa 60g, can khương (gừng khô) 90g, đương quy 100g, xích thược 100g, sinh địa 100g, trắc bách diệp 100g; tất cả thái vụn, ngâm với 300ml cồn 75%, sau 10 ngày có thể dùng; hàng ngày thấm cồn thuốc bôi lên chỗ lông, tóc bị rụng 3-4 lần.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.