Hỏi:
Gần đây, tôi nghe đài thấy nói, dùng vỏ trái kha tử đặt vào chỗ răng đau, có tác dụng giảm đau rất nhanh. Nhưng tôi không biết cây kha tử thường mọc ở đâu và có hình dáng như thế nào. Vì vậy rất mong "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết. Ngoài tác dụng chữa đau răng, kha tử còn có những tác dụng chữa bệnh gì khác?
Trần Văn Thanh, Đức Cơ, Gia Lai
Đáp:
"Kha tử" còn có tên là "kha tử nhục", "kha tử bì", "kha lê lặc". Đó là quả chín, đã phơi hay sấy khô của cây kha tử, còn gọi là "cây chiêu liêu", loài cây mọc hoang ở nhiều tỉnh phía Nam nước ta, có tên khoa học là Terminalia chebula Retz. (Terminalia reticulata Roth., Myrobalanus chebula Gaertn.), thuộc họ Bàng (Combretaceae).
Chiêu liêu là một cây to cao chừng 15-20m, có vỏ màu đen nhạt trên có những vạch nứt dọc. Lá mọc đối cuống rất ngắn, hình trứng, phía cuống tròn hơi thon, đầu nhọn, dài chừng 15-20cm, rộng 7-15cm, dai, lá non có lông mềm trên cả hai mặt, sau thì nhẵn, ở đầu cuống có hai tuyến nhỏ hình mắt cua. Hoa mọc thành bông, nhỏ, màu trắng, lưỡng tính, mùi thơm, mọc ở đầu cành hay ở kẽ lá, cuống ngắn, trên có phủ lông màu vàng nhạt. Quả hình trứng thon, dài 3-4cm, rộng 22-25mm, 2 đầu tù, có 5 cạnh dọc, màu nâu vàng nhạt, thịt đen nhạt, khô, cứng và chắc. Hạch cứng, 5 cạnh, dày chừng 10-15mm, 1 hạt, lá mầm cuốn.
Vào các tháng 9-10-11 quả chín, hái về phơi hay sấy khô, bảo quản ở nơi khô mát để dùng dần.
Theo Đông y: Kha tử có vị đắng, chua, chát; tính bình; vào 2 kinh Phế và Đại tràng. Có tác dụng nhuận tràng liễm phế, hạ khí lợi hầu. Chủ trị ho, khản cổ, đau họng, ỉa chảy, kiết lỵ lâu ngày, đại tiện ra máu, thoát giang (trĩ ngoại), ...
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Kha tử có tính năng làm săn niêm mạc ruột và chống ỉa chảy; có tác dụng ức chế đối với nhiều loại vi khuẩn, như trực khuẩn lỵ, trực khuẩn mủ xanh, trực khuẩn cô-li, trực khuẩn lao, ...
Trong dân gian: Kha tử thường được dùng để chữa ỉa lỏng lâu ngày, đi lỵ kinh niên, còn dùng chữa ho mất tiếng, di tinh, mồ hôi trộm, trĩ, lòi dom, xích bạch đới.
Liều dùng: Ngày uống 3-6g, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc viên, thuốc bột.
Có một vấn đề cần đặc biệt chú ý: Khi dùng kha tử để chữa ỉa chảy thì chỉ dùng liều nhỏ, từ 3-6g, vì dùng liều lớn hơn thì lại gây ỉa chảy.
Một số bài thuốc có sử dụng kha tử:
(1) Chữa đau răng: Thái một miếng thịt quả kha tử, đặt vào chỗ răng đau, cắn chặt, sẽ thấy đỡ đau dần.
(2) Chữa ho, chữa mất tiếng (theo kinh nghiệm dân gian): Lấy thịt quả kha tử giã dập, rồi ngậm, để chữa đau cổ họng, ho, mất tiếng. Thời trước, những người hát rong thường dùng thịt quả kha tử, ngào với mật ong và ô mai, ngậm cho trong tiếng và tránh được khô cổ. Kinh nghiệm này hiện nay vẫn được một số ca sĩ áp dụng.
(3) Chữa ho lâu ngày: Dùng kha tử 6g, đảng sâm 8g, cát cánh 8g, ngũ vị tử 4g, cam thảo 4g; sắc nước uống trong ngày.
(4) Chữa kiết lỵ: Dùng kha tử 12 quả, 6 quả để sống, 6 quả nướng chín, bỏ hạt, sao vàng và tán nhỏ; ngày uống 3 lần, mỗi lần 2g bột thuốc. Nếu lỵ ra máu thì dùng nước sắc sinh cam thảo (cam thảo sống) để chiêu thuốc; nếu lỵ không ra máu (chỉ có chất nhầy) thì dùng nước sắc chích cam thảo (cam thảo nướng) để chiêu thuốc.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.