>> Đông dược gây suy Thận (Kỳ 1)
Phấn phòng kỷ
"Phòng kỷ" là vị thuốc thuộc loại rất cổ, được liệt vào "trung phẩm" trong "Thần Nông bản thảo kinh" - bộ Dược điển đầu tiên của Đông y dược, thành thư cách nay đã 2000 năm. "Phòng kỷ" cũng là một vị thuốc quen thuộc, được sử dụng tương đối nhiều trong các đơn thuốc chữa đau nhức và phù thũng của Y học cổ truyền. Hiện nay, trong các sách cẩm nang về Đông dược dùng trên lâm sàng, "phòng kỷ" được xếp trong loại thuốc "Trừ phong thấp" hoặc "Lợi thủy thẩm thấp", cùng với một số vị thuốc quen thuộc khác như "tần cửu", "hy thiêm thảo", "ý dĩ nhân", ...
Theo Đông y: Phòng kỷ có vị đắng, cay, tính hàn; quy kinh vào các kinh Phế và Bàng quang. Có tác dụng trừ phong, thanh nhiệt, chỉ thống (giảm đau), lợi thủy, tiêu thũng. Thường dùng chữa các chứng bệnh như phong thấp khớp xương đau nhức, thống phong (gout), tiểu tiện bất lợi (không thông sướng), thủy thũng, cước khí, ung nhọt sưng đau, ...
Khí hậu nước ta nóng, ẩm và nhiều gió, các chứng bệnh do "nhiệt tà", "thấp tà" và "phong tà" gây nên tương đối nhiều, do đó phòng kỷ là vị thuốc được các thầy thuốc Đông y ở nước ta sử dụng với tần suất khá cao.
Các nghiên cứu về dược lý hiện đại cho thấy: Phòng kỷ có tác dụng giải nhiệt, kháng viêm, trấn thống (giảm đau), hạ huyết áp tương đối nhanh, giãn mạch vành, tăng lưu lượng máu ở mạch vành, giảm lượng tiêu hóa ôxy ở cơ tim, hưng phấn thần kinh trung ương, chống ung thư, chống sốc do dị ứng, .... Do đó, ngoài những công dụng truyền thống như trừ phong, trấn thống, tiêu thũng, ... hiện nay phòng kỷ thường được sử dụng trên lâm sàng để chữa trị một số chứng bệnh của xã hội hiện đại như cao huyết áp, bệnh mạch vành, đặc biệt là một số loại ung thư như ung thư máu, ung thư phổi, ...
Tuy rất thông dụng, có tần suất sử dụng cao, nhưng phòng kỷ lại là vị thuốc có nguồn gốc hết sức phức tạp, vì được khai thác từ một số loài cây khác hẳn nhau về mặt thực vật (thuộc những họ thực vật khác nhau), trong số đó có một số loài chứa acid aristolochic - chất độc có thể gây suy thận, ung thư, ... Mặt khác, những cây cho vị thuốc phòng kỷ lại có những tên gọi khác nhau, tùy theo địa phương, đôi khi còn trùng lặp, rất dễ nhầm lẫn. Vì vậy việc xác định chủng loại và đánh giá chất lượng dược liệu phòng kỷ cũng rất khó khăn.
Để nhận diện chính xác dược liệu phòng kỷ, trước hết cần biết rõ về phương diện thực vật, vị thuốc Đông dược có tên "phòng kỷ" được khai thác từ những cây nào. Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi và "Trung dược đại từ điển" do Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật Thượng Hải ấn hành, vị thuốc "phòng kỷ" được khai thác chủ yếu từ 4 loài sau:
1. Phấn phòng kỷ - Stephania tetrandra S. Moore, thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae (ở Trung Quốc gọi là họ Phòng kỷ). Còn có tên là "hán phòng kỷ", "phấn thốn kỷ", "thổ phòng kỷ", "thạch thiềm tô", "thiềm tô thự", ... Rễ củ có hình dạng giống như con cóc, nên có tên là "thạch thiềm tô", "thiềm tô thự" ("thiềm tô" = con cóc). Tại Trung Quốc, loài này sản xuất chủ yếu ở các tỉnh Chiết Giang, An Huy, Giang Tây và Hồ Bắc; dược liệu thường được tập kết ở Hán Khẩu, nên có tên là "hán phòng kỷ". Theo các tài liệu cũ, ở Việt Nam không có phấn phòng kỷ. Nhưng theo "Từ điển cây thuốc Việt Nam" (1997) của Tiến sĩ Võ Văn Chi, phấn phòng kỷ cũng phân bố ở Việt Nam, gặp trong rừng cây bụi, trên núi đá vôi, ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Hà Tây, Hà Bắc, Quảng Ninh. Cây còn có tên là "củ dòm", "củ gà ấp"; có thể ta thu hái rễ quanh năm, rửa sạch dùng tươi hay thái phiến và phơi khô; rễ củ nằm ngang mặt đất, thuôn dài hơn củ bình vôi, hình giống tư thế con gà mái đang ấp trứng, nên có tên là "củ gà ấp".
2. Quảng phòng kỷ - Aristolochia fangchi Wu, thuộc họ Mộc thông - Aristolochiaceae (Trung Quốc gọi là họ Mã đâu linh). Còn gọi là "phòng kỷ mã đâu linh", "mộc phòng kỷ", ... Tại Trung Quốc loài này sản xuất chủ yếu ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây. Chưa phát hiện thấy ở Việt Nam.
3. Hán trung phòng kỷ - Aristolochia heterophylla Hemsl., họ Mộc thông (Mã đâu linh) - Aristolochiaceae. Còn gọi là "dị diệp mã đâu linh", ... Tại Trung Quốc loài này sản xuất chủ yếu ở Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên, Quý Châu. Chưa phát hiện thấy ở Việt Nam.
4. Mộc phòng kỷ - Cocculus trilobus (Thunb.) DC., thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae (họ Phòng kỷ). Còn gọi là "thanh đằng hương", "tiểu thanh đằng", "thanh phong đằng", ... Tại Trung Quốc loài này sản xuất chủ yếu ở các tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây. Chưa phát hiện thấy ở Việt Nam.
Quảng phòng kỷ (Mộc phòng kỷ) - gây suy Thận
Ở nước ta, theo "Dược điển Việt Nam 4” (2009), vị thuốc phòng kỷ (Radix Stephaniae Tetrandrae) được khai thác từ cây Phấn phòng kỷ - Stephania tetrandra S. Moore, thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae (Trung Quốc gọi là họ Phòng kỷ). Đây là loại phòng kỷ chính vị (chính thống), đã được đề cập trong bộ "Thần Nông bản thảo kinh". Có điều trên thực tế, hiện nay ở nước ta còn khai thác một số rễ cây khác với tên phòng kỷ. Thí dụ, từ loại dây leo gọi là "dây xanh" hay "dây một" -tên khoa học là Cocculus sarmentosus Diels thuộc họ Tiết dê - Menispermaceae; còn gọi là dây "cót ken", "dây sâm", "hoàng thanh". Có tài liệu cho rằng đây chính là loài Cocculus trilobus (mộc phòng kỷ) đã nói ở trên. Ngoài ra, một số nơi còn dùng rễ cây gấc - Momordica cochinchinensis với tên phòng kỷ. Có lẽ chỉ vì người ta thấy vết cắt ngang của rễ gấc hơi giống vết cắt ngang của vị phòng kỷ thật.
Trong Đông y Trung Quốc (Trung y), vị thuốc được sử dụng với tên phòng kỷ có thể được khai thác từ nhiều loài khác nhau. Theo "Trung Quốc Dược điển", từ xưa, vị thuốc phòng kỷ đã được phân chia thành 2 loại chính, là "hán phòng kỷ" và "mộc phòng kỷ". Vị thuốc dân gian quen gọi là "hán phòng kỷ" trên thực tế là "phấn phòng kỷ", thuộc họ Phòng kỷ (Menispermaceae - Việt Nam gọi là họ Tiết dê), chứ không phải "hán trung phòng kỷ" thuộc họ Mã đâu linh (Aristolochiaceae - Việt Nam gọi là họ Mộc thông).
Theo "Trung dược đại từ điển": Vị thuốc phòng kỷ ở Trung Quốc được khai thác chủ yếu từ 4 cây (đã nói ở trên), trong đó có 2 cây thuộc họ Tiết dê (họ Phòng kỷ) và 2 cây thuộc họ Mộc thông (họ Mã đâu linh). Ngoài 4 cây kể trên, cá biệt tại một số địa phương ở Trung Quốc, người ta còn khai thác vị thuốc phòng kỷ từ một số cây khác, trong đó có 2 cây thuộc họ Tiết dê (Phòng kỷ) là "thanh đằng" (Sinomenium acutum (Thunb.) Rehd. et Wils.) và "biên bức thự" (Minispermum dauricum DC.); còn 2 cây nữa thuộc họ Mộc thông (Mã đâu linh) là "hoài thông mã đâu linh" (Aristolochia moupinensis Franch) và "đại diệp mã đâu linh" (Aristolochia kaempferi Willd.). Như vậy, trên thực tế, vị thuốc phòng kỷ ở Trung Quốc có thể khai thác từ 8 cây khác nhau, trong đó có 4 cây thuộc họ Tiết dê (họ Phòng kỷ) và 4 cây thuộc họ Mộc thông (họ Mã đâu linh - chứa acid aristolochic).
Tóm lại, do vị thuốc có tên "phòng kỷ" được khai thác từ những loài thực vật khác nhau, nên có thành phần hóa học và tác dụng dược lý khác nhau. Điều đặc biệt cần chú ý là, loại phòng kỷ khai thái từ những cây thuộc họ Mộc thông (Trung Quốc gọi là họ Mã đâu linh) có chứa acid aristolochic - chất gây suy thận và ung thư. Nếu đem sử dụng cho người bệnh, mà không hay biết, thì rất nguy hại.
Chính vì vậy, khi cần sử dụng phòng kỷ để chữa bệnh, thì chỉ sử loại phòng kỷ thuộc họ Tiết dê. Mặt khác, chỉ sử dụng những loại dược liệu đã được các cơ quan chuyên môn kiểm định.
Lương y THÁI HƯ
(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.