Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Hoắc hương: Chữa các bệnh về tiêu hóa, nhiễm trùng

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 12/03/2014 10:45 CH

Hỏi:

Mùa hè năm ngoái, tôi đã sử dụng cây Hương nhu chữa bệnh theo hướng dẫn của "Thuốc vườn nhà" kết quả rất tốt. Gần đây tôi nghe nói, cây Hoắc hương cũng là một vị thuốc quý trong mùa Hè. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Cách sử dụng cụ thể như thế nào?

Trần Hoàng Gia, Quỳnh Phụ, Thái Bình

Đáp:

hoắc hương

Đặc điểm khí hậu mùa Hè ở miền Bắc nước ta là nóng và ẩm; Đông y gọi điều kiện khí hậu như vậy là "thấp nhiệt" - "thấp" = ẩm thấp, "nhiệt" = nóng, như vậy "thấp nhiệt" có nghĩa là "ẩm nóng".

"Hương nhu" là vị thuốc quý, chủ trị các bệnh do thử nhiệt (nắng nóng) gây nên; còn "hoắc hương" là vị thuốc chuyên chữa các bệnh do "thấp" gây nên. "Thấp tà" là một tác nhân thường hay gây bệnh trong mùa Hè, nhất là các bệnh đường tiêu hóa; sử dụng "hoắc hương" chữa tác dụng rất tốt. Vì vậy, "hoắc hương" cũng là một vị thuốc quý trong mùa Hè.

"Thuốc vườn nhà" xin phép được giới thiệu chi tiết hơn để bạn và Quý bạn đọc khác tham khảo:

    - Vị thuốc Hoắc hương là cành và lá, hoặc toàn cây (trừ rễ), đã phơi hay sấy khô của cây hoắc hương Pogostemon cablin (Blanco) Benth.

    - Hoắc hương là một cây thảo, sống lâu năm, thân có phân nhánh, cao chừng 30-60cm. Trên thân có lông. Lá vò có mùi thơm. Lá có cuống ngắn, phiến lá hình trứng hay hình thuỗn, dài chừng 5-10cm, rộng 2,5-7cm, mép có răng cưa to, mặt dưới nhiều lông hơn. Hoa màu hồng tím nhạt mọc thành bông ở kẽ lá hay đầu cành. Tuy nhiên cây trồng phổ biến ở Việt Nam, hầu như không thấy có hoa và kết quả. Cây được trồng nhiều nơi ở các tỉnh miền Bắc, chủ yếu lấy lá và cành làm thuốc. Thường trồng bằng cách giâm cành, vì cây không có hoa quả.

    - Ngoài loài hoắc hương kể trên, người ta còn dùng loài hoắc hương núi Agastache rugosa (Fisch. et Mey.) O. Kuntze, cùng họ. Đó là một loại thảo sống hàng năm, cao chừng 40-100cm. Lá hình trứng dài 2-8cm, rộng 1-5cm, đầu lá nhọn phía cuống hơi hình tim, cuống dài 1-4cm; mép có răng cưa thô, to. Hoa mọc thành vòng quanh thân ở đầu cành hay kẽ lá. Cánh hoa màu tím hay màu trắng. Mùa hoa vào tháng 6-7; mùa quả vào tháng 10-11. Cây này mọc ở miền núi một số tỉnh nước ta, như Lào Cai, Nghệ An, ...

    - Theo Đông y: Hoắc hương có vị cay, tính hơi ấm; vào các kinh Tỳ, Vị. Có tác dụng kiện Vị (mạnh dạ dày), hóa thấp, giải biểu (giải cảm), tiêu thử (chống nóng), chỉ ẩu (cầm nôn), chống ngứa. Chủ trị các chứng thấp trở trung tiêu (suy giảm tiêu hóa do thấp tà), ngực bụng đầy tức, ỉa chảy, nôn mửa, ...

    - Theo kinh nghiệm dân gian: Hoắc hương là một vị thuốc làm mạnh dạ dày, giúp sự tiêu hoá, dùng trong những trường hợp ăn không ngon, sôi bụng đau bụng đi ngoài, hôi miệng. Còn dùng làm thuốc chữa cảm mạo, nhức đầu, mình mẩy đau đớn, triệu trứng cảm cúm.

    - Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột, dùng riêng hay phối hợp với vị thuốc khác.

    - Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Hoắc hương có tác dụng kháng khuẩn rộng, có khả năng ức chế các loại nấm gây bệnh leptospirosis, tụ cầu khuẩn, trực khuẩn mủ xanh, enterocoli, trực khuẩn lỵ, liên cầu khuẩn tán huyết type A, phế song cầu khuẩn, rhinovirus, ... Thuốc còn có tác dụng chống thối. Tinh dầu hoắc hương có tác dụng kích thích tăng tiết dịch dạ dày, tăng cường tiêu hóa.

Một số cách sử dụng cụ thể:

    (1) Đơn thuốc chữa ăn uống không tiêu, hay sôi bụng: Hoắc hương 12g, thạch xương bồ 12g, hoa cây đại 12g, vỏ bưởi đào đốt cháy 6g; tất cả tán nhỏ, uống trước bữa ăn 20 phút, với nước nóng; ngày uống 3 lần, mỗi lần 2g.

    (2) Kiện tỳ chỉ tả tán: Hoắc hương 15g, tô diệp (lá tía tô)10g, thương truật 8g, cam thảo 3g, trần bì 5g, đại táo 4 quả, hậu phác 3g, phục linh 6g; tất cả tán thành bột chia thành gói 8-10g; người lớn ngày uống 2-5 gói (tối đa), cách 1 giờ uống 1 gói; trẻ con dưới 1 tuổi không nên uống; trẻ con từ 2-3 tuổi mỗi lần dùng 1/3 gói, 8-10 tuổi mỗi lần 1/2gói. Có tác dụng chữa ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài.

    (3) Hoắc hương bán hạ thang: Hoắc hương diệp 10g, chế bán hạ 10g, đinh hương 2g, trần bì 10g; sắc nước uống. Có tác dụng chữa bụng đầy tức, kém ăn, nôn mửa do hàn thấp.

    (4) Chữa kém ăn, trướng bụng: Dùng hoắc hương 10g, sa nhân 5g, hậu phác 10g, trần bì 4g, mộc hương 10g, chỉ thực 10g; sắc nước uống.

    (5) Chữa viêm mũi, viêm xoang mũi mạn tính: Hoắc hương 120g, tán bột, thêm mật lợn vừa đủ làm viên; ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g, với nước ấm; liên tục 2-4 tuần.

    (6) Chữa chàm lở (chân tay): Hoắc hương độc vị hoặc phối hợp với đại hoàng, hoàng tinh; tất cả tán bột, trộn đều, ngâm giấm trong 1 tuần, bỏ bã; ngâm chỗ có bệnh ở tay chân vào nước thuốc; ngày ngâm 1 lần, mỗi lần khoảng 30 phút.

    (7) Chữa hôi miệng: Hoắc hương 10g, bạc hà 10g; sắc lấy nước, dùng nước thuốc ngậm và xúc miệng 3-4 lần trong ngày.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]