Hỏi đáp

Hạt lười ươi: Chữa ho khan mất tiếng, viêm họng cấp tính và mạn tính

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 17/09/2013 09:00 CH

Hỏi:

Tôi bị viêm họng mạn tính đã nhiều năm, trời lạnh là bệnh lại tái phát và nhiều khi nói không ra tiếng. Gần đây, có người bạn học từ trong Nam ra cho một gói trái lười ươi, nói rằng có thể khống chế được căn bệnh của tôi rất tốt. Trước khi sử dụng, mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết thêm về tác dụng cũng như các thông tin liên quan tới vị thuốc này.

Nguyễn Văn Quyền, Hà Nội

Đáp:

an nam tử, lười ươi, đười ươi, cây thạch, cây ươi, đại hải tử, đại hải, an nam tử, đại đồng quả, đại phát, bạng đại hải, Sterculia lychnophora Hance, họ Trôm (Sterculiaceae)

Hạt lười ươi

"Lười ươi" còn có rất nhiều tên gọi khác, như "đười ươi", "cây thạch", "cây ươi", "đại hải tử", "đại hải", "an nam tử", "đại đồng quả", "đại phát", ... sách thuốc thường gọi là "bạng đại hải"; tên khoa học là Sterculia lychnophora Hance, thuộc họ Trôm (Sterculiaceae).

Lười ươi phân bố và được sử dụng nhiều ở các tỉnh miền Nam nước ta, dùng tại chỗ và xuất khẩu. Cây còn phân bố ở Campuchia, Thái Lan, các đảo thuộc Malaixia.

Lười ươi là một cây to, cao 30-40m, thân có thể cao 10-20m mà chưa phân nhánh, đường kính thân 0,8-1m. Lá đơn, nguyên hay xẻ thùy, mặt trên màu lục, mặt dưới nâu hay ánh bạc, dài 18-45cm, rộng 18-24cm, cuống dài. Hoa nhỏ, không cuống, họp từng 3-5 thành chùy ở đầu cành. Mỗi hoa cho 1-2 quả đại, dạng lá, hình trứng hay giống như đèn treo, do đó có tên khoa học là "lychnophora" (do chữ lychnus là đèn), dài 12-16cm, rộng 4-5cm ở phần rộng nhất của phía dưới quả. Màu đỏ hay đỏ nhạt, mặt trong ánh bạc, với 4-5 đường gân nổi rõ. Một hạt dài 2,5cm, rộng 14-16mm, dày 5-7mm. Thịt quả gồm 3 lớp, lớp ngoài mỏng, lớp giữa dày mẫm, gồm những tế bào họp thành chuỗi chứa chất nhầy, lớp trong nhẵn và màu trắng nhạt. Lá xuất hiện vào tháng 3-4 và rụng vào tháng 1, hoa xuất hiện vào tháng 3-4, trước khi lá phát triển. Quả xuất hiện vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 và mở ra trước khi hạt chín. Khi chín quả đại tách ra, hạt còn lại thường nhầm là quả, có hai cánh, thực tế chỉ là hai thùy dạng lá của quả đại.

Vào tháng 4-5, người ta thu hoạch hạt (thường gọi nhầm là quả), phơi hay sấy khô. Hạt có hình trứng dài 2,5-3,5cm, rộng 1,2-2,5cm, màu nâu đỏ nhạt, trên mặt nhăn nheo, nổi trên nước, nhưng khi ngâm với nước thì sau một thời gian nở rất to, gấp 8-10 lần thể tích của hạt, thành một chất nhầy màu nâu nhạt, trong, vị hơi chát, mát, do đó ở châu Âu gọi là "hạt nở" (graine gonflante).

Tác dụng làm thuốc của hạt lười ươi được ghi lại sớm nhất trong sách "Bản thảo cương mục thập di" của Triệu Học Mẫn - nhà dược học nổi tiếng người Trung Quốc, ấn hành năm 1803. Vị thuốc khi đó có tên "an nam tử", vì có xuất xứ từ An Nam.

Theo Đông y: Quả (hạt) lười ươi có vị ngọt, tính lạnh; vào 2 kinh Phế và Đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, lợi hầu, giải độc, nhuận tràng, thông tiên. Chủ trị khản tiếng do phong nhiệt, ho khan không đờm, họng đau rát, đại tiện táo kết, nóng hâm hấp trong xương, đầu đau, mắt đỏ, răng lợi sưng đau; trĩ lở loét. Hiện tại, được sử dụng trong các trường hợp viêm họng cấp tính và mạn tính, viêm amiđan cấp, polyp thanh quản, viêm phế quản cấp tính, táo bón, thuộc thể "đàm ngưng nhiệt kết" (theo cách phân loại chứng hậu của Đông y).

Dân gian chủ yếu dùng hạt lười ươi làm thuốc mát nhuận. Ngày dùng từ 2-5 hạt, cho vào cốc nước nóng, chờ một lúc cho hạt nở ra, thành thứ nước sền sệt như thạch. Thêm đường vào cho đủ ngọt, chia nhiều lần uống trong ngày. Có thể dùng trong các trường hợp ho khan không đờm, cổ họng sưng đau, viêm đường tiết niệu.

"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số cách sử dụng hạt lười ươi tương đối đơn giản, đã được ghi chép trong các sách thuốc trong và ngoài nước:

    (1) Chữa ho khan mất tiếng, họng đau rát: Dùng lười ươi 5 hạt, cam thảo 3g; nấu thành trà, uống dần trong ngày. Người già và trẻ nhỏ khi dùng có thể thêm chút đường phèn.

    (2) Chữa viêm họng mạn tính: Dùng lười ươi 3 hạt, cúc hoa 9g, sinh cam thảo 9g; sắc nước uống.

    (3) Chữa viêm họng cấp tính và mạn tính: Lười ươi 3 quả, sinh đông qua tử (hạt bí đao sống) 10g; sắc với nước, chia ra uống nhiều lần trong ngày.

    (4) Chữa mất tiếng và viêm họng mạn tính: Trà búp 5g, lười ươi 3 quả, trám trắng 5 quả, ô mai 2 quả, mạch đông 30g; cùng sắc với nước, thêm chút đường, chia ra uống nhiều lần trong ngày.

    (5) Chữa phế nhiệt đại tiện táo kết: Lười ươi 2 hạt, mật ong lượng thích hợp; lười ươi rửa sạch, cùng mật ong cho vào cốc, hãm nước sôi, đậy kín nắm ủ khoảng 3-5 phút; uống thay trà trong ngày, khi uống khuấy nhẹ cho mật ong tan đều. Có tác dụng thanh lợi yết hầu, nhuận phế nhuận tràng; dùng chữa họng sưng đau rát, khàn tiếng, ho khan, đại tiện táo kết.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]