Hỏi đáp

Hạt dẻ tráng dương, vì sao gây ỉa lỏng?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 16/11/2015 10:12 SA

Hỏi:

Tôi đọc báo thấy nói, hạt dẻ có tác dụng tráng dương, giống như là "viagra" thiên nhiên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhân dịp hạt dẻ bán nhiều, tôi mua về ăn, chưa thấy khỏe lên mà chỉ thấy đầy bụng và hay bị ỉa lỏng. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết rõ thực hư ra sao, và nên dùng hạt dẻ như thế nào?

Văn Hùng, Hà Nội

Đáp:

hạt dẻ

Hạt dẻ

Hạt dẻ đúng là một thứ thuốc bổ thận. Từ xưa đã được y gia đánh giá cao.

Danh y Tôn Tư Mạc, thời nhà Đường (Trung Quốc) nói: Đó là "thứ hạt của thận, người bị bệnh thận nên sử dụng" (thận chi quả dã, thận bệnh nghi thực chi).

Còn Lục Du - nhà thơ nổi tiếng thời Nam Tống, khi về già răng bị lung lay do tạng thận suy yếu, đã sử dụng hạt dẻ để bồi bổ thận.

Theo Đông y: Hạt dẻ có vị ngọt, tính ấm; vào 3 kinh Tỳ, Vị và Thận. Có tác dụng bổ thận, ích tinh, mạnh gân cốt, kiện tỳ (tăng cường chức năng tiêu hóa), dưỡng vị (nuôi dưỡng dạ dày), hoạt huyết, chỉ huyết (cầm máu). Chủ trị phản vị (ăn vào nôn ngược trở lại), tiết tả (ỉa chảy) do tỳ vị hư hàn, lưng gối mềm yếu do thận hư, tiểu tiện nhiều lần, thổ huyết, nục huyết (chảy máu cam), tiện huyết (đại tiện ra máu), bị đâm chém, đòn ngã sưng đau, gân xương đau nhức, tràng nhạc, ...

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy: Thành phần của hạt dẻ bao gồm 5,7-10,7% protein, 2-7,4% protid, 62-70% chất đường và tinh bột. Ngoài ra còn có lipase, carotene, các vitamin B1, B2, C, nicotinic acid, các chất khoáng như ka-li (K), Na-tri (Na), can-xi (Ca), ma-gie (Mg), phôt-pho (P), sắt (Fe). Khi phân giải, protein trong hạt dẻ sẽ phân giải, tạo thành nhiều loại acid amin, bao gồm cả một số acid amin thiết yếu đối với cơ thể. Do có thành phần dinh dưỡng rất phong phú, lại chứa nhiều loại hoạt chất có lợi đối với sức khỏe con người, nên khoa học hiện đại cũng đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng, cũng như tác dụng chữa bệnh của hạt dẻ.

Hạt dẻ tuy bổ, nhưng khi sử dụng hạt dẻ cần chú ý một số vấn đề như sau:

    1. Người tỳ vị hư hàn (chức năng tiêu hóa suy yếu, bụng lạnh đau, ỉa lỏng) không nên ăn hạt dẻ sống, cần sao chín hoặc nướng lên ăn, cũng  không ăn quá nhiều để tránh đầy bụng.

    2. Hạt dẻ có hàm lượng các chất đường bột cao, người mắc bệnh tiểu đường kiêng ăn quá nhiều.

    3. Phụ nữ sau khi sinh đẻ, trẻ nhỏ và người bị táo bón không nên ăn nhiều.

Bạn ăn hạt dẻ bị đầy bụng, ỉa lỏng, có thể chất của bạn (cơ địa) thuộc loại hình mà Đông y gọi là "Tỳ vị hư hàn", hoặc do ăn quá nhiều. Chứng "Tỳ vị hư hàn" có những chứng trạng chính như ăn kém, bụng trướng đầy, bụng đau âm ỉ, thích ấm và xoa nắn, ghét lạnh, chân tay lạnh, thở yếu, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt, ...

Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng hạt dẻ, để chữa bệnh theo một số hình thức dưới đây:

    (1) Cháo hạt dẻ: Hạt dẻ (bóc bỏ vỏ) 20g, gạo tẻ 50g; gạo và hạt dẻ vo sạch, thêm nước nấu cháo; cháo chín thêm chút muối; chia ra ăn trong ngày. Có tác dụng bổ thận, mạnh gân cốt; dùng chữa thận hư lưng gối mềm yếu đau mỏi, chân cẳng cử động không linh hoạt, ...

    (2) Cháo hạt dẻ long nhãn: Hạt dẻ 10 quả (bóc bỏ vỏ), long nhãn 15g, gạo tẻ 50g; hạt dẻ đập nhỏ, cùng gạo nấu cháo, khi cháo sắp chín thì cho long nhãn vào, nấu tiếp cho đến khi cháo chín; thêm đường trắng vào trộn đều, ăn điểm tâm buổi sáng hoặc chia ra ăn trong ngày. Có tác dụng bổ tâm thận, mạnh lưng gối; dùng chữa trống ngực, tim loạn nhịp, mất ngủ, lưng gối yếu mỏi do tâm thận tinh huyết bất túc.

    (3) Mứt hạt dẻ hồ đào: Hồ đào nhục 30-50g, hạt dẻ (sao chín bỏ vỏ) 30-50g, đường trắng lượng thích hợp; hồ đào và hạt dẻ giã nhuyễn, thêm đường vào trộn đều là được; ăn tùy thích. Có tác dụng bổ thận ích tinh; chữa thận khí bất túc, kinh mạch thất dưỡng, dẫn tới các chứng trạng như tai ù, lưng gối yếu mỏi, di tinh, xuất tinh sớm, ...

    (4) Lật tử hồ đào hoàn: Hạt dẻ, hồ đào nhục - mỗi thứ 250g; giã nhuyễn, làm thành viên, mỗi viên 9g; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên; có tác dụng chữa chứng đau lưng do thận hư.

    (5) Cháo kiện Tỳ: Hạt dẻ (thịt quả) 30g, đại táo 10 quả, phục linh 12g, gạo tẻ 60g; cùng nấu cháo, thêm đường trắng vào ăn. Có tác dụng kiện tỳ (cải thiện chức năng tiêu hóa), dùng chữa tiết tả (ỉa chảy) do tỳ vị hư nhược.

    (6) Thịt hầm hạt dẻ: Hạt dẻ 50g, sơn dược 30g, đảng sâm 10g; hầm với thịt gà hoặc thịt lợn ăn. Có tác dụng bổ trung ích khí, chữa tỳ vị hư nhược.

    (7) Bột chữa ỉa chảy: Hạt dẻ xay mịn, ngày dùng 10-15g, nấu với bột, thêm chút đường, cho trẻ nhỏ ăn. Có tác dụng chữa tiêu chảy ở trẻ nhỏ do chức năng tiêu hóa suy yếu.

    (8) Hạt dẻ rang: Hạt dẻ 30-40g, rang chín ăn trong ngày. Có tác dụng chữa môi mép lở loét, viêm loét miệng, viêm âm nang do thiếu vitamin B2.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]