Hỏi:
Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết về cách sử dụng củ riềng để chữa đau bụng do lạnh. Xin chân thành cảm ơn.
Hà Việt, Hà Nội
Đáp:
Riềng
Cây riềng mọc hoang và được trồng ở khắp nước ta để làm gia vị và làm thuốc. Cây còn có tên là "tiểu lương khương", "phong khương", ... tên khoa học là Alpinia officinarum Hance, họ Gừng.
Vị thuộc "cao lương khương" hay "lương khương" trong các đơn thuốc Đông y là thân rễ phơi khô của cây riềng. Có thể thu hái cao lương khương quanh năm, thường đào vào mùa Thu Đông hoặc sang Xuân trước vụ mưa phùn. Chỉ cần đào về, rửa sạch đất, cắt bỏ lá và rễ con, vẩy lá rồi cắt thành từng đoạn 4-6cm, phơi khô là được.
Củ riềng được dùng cả trong Đông và Tây y làm thuốc kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon cơm, chữa đầy hơi, đau bụng, đau dạ dày, sốt rét, sốt nóng, đi lỏng, trúng hàn, nôn mửa.
Theo Đông y: Cao lương khương vị cay, tính ấm; vào 2 kinh Tỳ và Vị. Có tác dụng ôn trung tán hàn (làm ấm đường tiêu hóa), giảm đau, tiêu thực. Chủ trị tỳ vị trúng lạnh, bụng lạnh đau, nôn mửa tiêu chảy, nghẹn, ăn vào thổ ngược ra (phản vị), thức ăn tích trệ, ngã nước sốt rét, ...
Theo quan niệm dược lý Đông y: Riềng và gừng khô (can khương) đều là những vị thuốc "ôn trung tán hàn" (chống lạnh, làm ấm đường tiêu hóa) quan trọng, nhưng mỗi vị thuốc lại có một số ưu điểm riêng. Ví dụ, chữa chứng dạ dày bị lạnh gây nôn mửa dùng riềng tốt hơn, còn trường hợp đau bụng ỉa chảy do nhiễm lạnh thì dùng gừng khô tốt hơn.
Liều dùng: Ngày dùng 3-10g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột hay rượu thuốc.
Kiêng kỵ: Người đau dạ dày do hỏa uất ở can vị kỵ dùng.
Một số đơn thuốc có củ riềng:
(1) Chữa đau bụng nôn mửa: Cao lương khương 8g, đại táo 1 quả; sắc với 300ml nước, còn 100ml chia 2-3 lần uống trong ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
(2) Chữa sốt, sốt rét, kém ăn: Cao lương khương tẩm dầu vừng sao 40g, can khương nướng 40g; 2 vị tán nhỏ, dùng mật lợn hòa vào làm thành viên, bằng hạt ngô; ngày uống 15-20 viên này (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
(3) Chữa chứng chán ăn ở trẻ nhỏ: Dùng cao lương khương, trần bì, đại hoàng, bạch đậu khấu - tất cả dùng liều lượng bằng nhau; tán thành bột mịn, trộn với va-dơ-lin thành cao mềm; mỗi lần dùng 1 thìa cà phê cao thuốc, phết lên miếng băng dính vuông (kích thước khoảng 4,5cm-4,5cm), đặt lên rốn rồi băng cố định lại, giữ cao thuốc 8-12 tiếng rồi bỏ ra; mỗi ngày 1 lần, liên tục 10 ngày.
Đã thử nghiệm điều trị 300 ca, kết quả: 263 khỏi bệnh hoàn toàn, 28 chuyển biến tốt, 9 vô hiệu. Đại bộ phận bệnh nhi sau 5 ngày đã bắt đầu thấy thèm ăn (Hiện đại thực dụng trung dược học).
(4) Chữa dạ dày lạnh đau: Dùng bài thuốc kinh điển "Lương phụ hoàn", thành phần gồm cao lương khương, hương phụ - 2 thứ liều lượng bằng nhau; nghiền mịn, luyện với nước gừng và muối hoàn thành viên; ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3-6g, chiêu thuốc bằng nước sôi (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).
(5) Chữa dạ dày, hành tá tràng viêm loét đau nhức: Cao lương khương 9g, ngũ linh chi 6g; nghiền mịn, dùng rượu pha đồng tiện chiêu thuốc. Tuy nhiên không dùng được đối với trường hợp dạ dày bị xuất huyết nặng (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).
(6) Chữa bụng đau quặn do nhiễm lạnh: Dùng bài thuốc cổ "Cao lương khương thang", thành phần gồm cao lương khương 12g, hậu phác 9g, đương quy 9g, quế tâm 2g, gừng tươi 9g; sắc nước uống trong ngày (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).
(7) Chữa nôn mửa do vị hàn (vị hàn ẩu thổ): Dùng cao lương khương 9g; sao qua, nghiền thành bột mịn uống, chiêu thuốc bằng nước đun sôi.
(8) Chữa nôn mửa do hư hàn (nôn mửa do cơ thể suy nhược, dạng hư hàn): Dùng cao lương khương 9g, phục linh 9g, đảng sâm 9g; sắc nước uống.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.