Hỏi:
Thời còn công tác, tôi được một người bạn người Dao ở Hà Giang truyền cho bài thuốc gia truyền chữa viêm gan, dùng thứ dây leo màu vàng gọi là "viàng tăng" và chua me đất. Chua me đất thì tôi đã biết, còn "viàng tăng" thì chưa biết rõ. Mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết, cây còn có tên gì khác, thường mọc ở đâu, có hình dạng, tính năng thế nào?
Nguyễn Toàn Thắng, Yên Định, Thanh Hóa
Đáp:
Hoàng đằng
"Viàng tăng" là tên gọi khác, theo tiếng dân tộc Dao, của vị thuốc "hoàng đằng".
Nước ta có nhiều loài hoàng đằng. Loài thường dùng làm thuốc trong Đông y có tên khoa học là Fibraurea tinctoria Lour. (Fibraurea recisa Pierre); thuộc họ Tiết dê (Menispermaceae); còn gọi là "nam hoàng liên", "thích hoàng liên".
Hoàng đằng là loại dây leo to, có rễ và thân già màu vàng. Lá mọc so le, có cuống dài, gân nổi rõ, phiến lá có 2 chỗ phình lớn. Hoa nhỏ màu vàng mọc thành chùy 2-3 lần phân nhánh, ở kẽ lá đã rụng. Quả hình trái xoan, khi chín màu vàng.
Cây hoàng đằng mọc hoang khắp nơi, từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, ... qua Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên, tới các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Thường hay gặp nhất ở những chỗ ẩm mát, ven rừng.
Cây có thể thu hoạch gần như quanh năm. Có thể sử dụng dây, cắt thành từng đoạn thân hoặc có thể chỉ lấy rễ. Nhưng thường dùng cả thân và rễ, cắt thành từng đoạn ngắn 15-20cm, phơi hay sấy khô. Không phải chế biến gì khác.
Dân gian đã biết dùng hoàng đằng làm thuốc chữa bệnh từ nhiều thế kỷ trước.
Theo Đông y: Hoàng đằng có vị đắng, tính lạnh; đi vào 2 kinh Tâm và Can. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chữa các loại sưng viêm, kiết lỵ, nóng ở trong hay lở ngứa ngoài da, đau mắt, viêm tai, ...
Hoàng đằng có thể sử dụng để chữa viêm gan virút, theo một số phương pháp khác nhau:
(1) Cách thứ nhất: Dùng hoàng đằng 30-60g, chua me đất 15g; hầm với xương lợn hoặc thịt gà ăn (Theo "Trung thảo dược tân y liệu pháp xử phương tập").
(2) Cách thứ hai: Dùng hoàng đằng, mộc thông và huyết dụ - mỗi vị 10-12g; sắc nước uống (Theo "Cây thuốc Việt Nam" của Lương y Lê Trần Đức).
Lưu ý: Trong dân gian cũng như Đông y, vị thuốc "mộc thông" được khai thác từ nhiều cây khác nhau, trong đó có cả một số cây độc, dễ gây suy thận. Để chữa viêm gan theo bài thuốc giới thiệu ở trên, chỉ nên sử dụng loại mộc thông Clematis sinensis Osbeck, thuộc họ Mao Lương; cây mộc thông này đã được Tuệ Tĩnh mô tả trong "Nam dược thần hiệu" từ nhiều thế kỷ trước, còn có tên là "dây ruột gà", "dây ông lão", "khau káu sán" (dân tộc Tày).
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọccháu muốn mua 1 cân thuốc hoàng đằng khô, nhà thuốc có không ạ. vì trước cháu uống chữa viêm đại tràng thấy khỏi nên cháu muốn mua ạ.