Hải Thượng Y tông tâm lĩnh đã được viết và in ra như thế nào? (Kỳ 1)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 05/05/2014 07:54 SA

Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Y tông tâm lĩnh

海上醫宗心嶺

Hải Thượng Y tông tâm lĩnh

Quyển thứ 28, bản năm 1885, lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Hải Thượng Lãn Ông được chúng ta biết, nhớ ơn và kỷ niệm là nhờ tác phẩm "Y tông tâm lĩnh" gồm 28 tập viết về mọi mặt của ngành Y Dược cổ truyền, cả Y lẫn Dược, cả phòng bệnh và chữa bệnh, cả phụ nữ và trẻ em...

Nhằm mục đích giới thiệu tài liệu tham khảo, nghiên cứu và phổ biết tác phẩm có giá trị này trong giới Y Dược từ 1961 trở lại đây, hầu hết những tập sách này đã được Viện nghiên cứu Đông y cho dịch và Nhà xuất bản Y học đã cho in, phát hành rộng rãi rồi in lại nhiều lần.

Ngoài những tập chỉ nói về Y và Dược, trong tác phẩm này còn có một tập nhan đề "Thượng kinh ký sự" kể chuyện Hải Thượng Lãn Ông lên Kinh đô chữa bệnh cho Trịnh Sâm, Trịnh cán vào giao du với quan chức, các nhà nho, nhà thơ ở Thủ đô Thăng Long.

Tập ký sự này có giá trị lớn về văn học và sử học vì có thể nói rằng trong thời cổ, trước và sau Lãn Ông hầu như văn học nước ta chưa có một tác phẩm nào viết theo lối văn kể chuyện người thực, việc thực kể những chuyện về cuộc sống hàng ngày. Tập sách giúp ta thấy lại được một phần sự thực của lịch sử hồi đó.

Đọc "Thượng kinh ký sự" chúng ta có thể thấy được một cách sinh động cuộc sống của Chúa Trịnh, sinh hoạt giao du của tầng lớp quan lại, nhà nho và một số người có vai trò nhất định trong lịch sử cuối nhà Lê như Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Hoàng Đình Bảo.

Đọc sách, ta thấy lại Thủ đô Thăng Long cách đây gần 300 năm, có nhiều di tích hiện nay không còn nữa, cũng qua tập ký sự này, chúng ta được biết đời sống và hoạt động của một số thầy thuốc trong phủ Chúa Trịnh, việc bảo vệ sức khỏe của Vua Chúa trong thời kỳ đó.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn đóng khung tìm hiểu một số vấn đề sau đây: Tác phẩm "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" được viết như thế nào? Tập sách được bảo tồn như thế nào mà sách viết từ 1770 (năm Canh Dần niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê) đến hơn 100 năm sau nghĩa là vào năm 1985 (năm đầu niên hiệu Hàm Nghi nhà Nguyễn) vẫn còn tìm lại được các bản chép tay để in ra?

Tác phẩm "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" được viết ra trong điều kiện nào? Chỉ cần đọc toàn bộ tác phẩm, đọc những lời tựa, lời nói đầu của các tập sách và nhất là tập đầu của tác phẩm (Nhà xuất bản Y học) xuất bản với tên "Y huấn cách ngôn", chúng ta có thể có được những dẫn liệu dưới đây giúp ta hình dung được điều kiện Hải Thượng Lãn Ông đã viết bộ sách.

Ví dụ trong Lời tựa quyền đầu, Hải Thượng viết: "Trải qua mấy năm, tôi mới biên thành một bộ, đặt tên là "Lãn Ông tâm lĩnh" dùng riêng trong nhà, định để truyền lại cho con cháu... Tuần đầu tháng Trọng Xuân, năm Canh Dần niên hiệu Cảnh Hưng (1770)".

Như vậy là bộ sách được căn bản hoàn thành vào năm Hải Thượng Lãn Ông vừa tròn 45 tuổi, vì Hải Thượng Lãn Ông sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn niên hiệu Bảo Thái năm thứ 5 (1725).

Trong "Phàm lệ" ở quyền đầu, Hải Thượng Lãn Ông lại viết: "Tôi từng miệt mài học thuốc trong 20 năm, khổ tâm cầu đạo, muốn được biết đến nơi đến chốn, mới khỏi hổ thẹn, nhưng không phải là tài thánh, sinh ra mà biết, lại không có thầy dậy bảo, sự học tập càng thêm cô độc... mới lấy sách "Nội kinh" làm gốc, sách "Cẩm nang" và "Cảnh Nhạc" làm đề cương tham hợp với các sách của các bậc tiên hiền, hoặc noi theo ý nghĩa, hoặc giải thích chỗ khó khăn nghi ngờ hoặc bổ sung vào chỗ thiếu sót hoặc thêm vào những kinh nghiệm tâm đắc, hơn 10 năm giãi bầy can trường đem hết tâm trí mới tìm ra mối manh, viết thành sách, chia làm 28 tập gồm 66 quển, mỗi tập đều có lời tiểu dẫn và mục lục để lên đầu".

Qua đây, chúng ta thấy căn bản Hải Thượng Lãn Ông dựa vào một số sách thuốc xưa làm nòng cốt, rồi hoặc là viết lại theo nhận thức của mình, thêm vào những kinh nghiệm tâm đắc mà cũng mất hơn 10 năm trời và như vậy sách được bắt đầu viết lúc Hải Thượng gần 45 tuổi.

Tuy nhiên, ở mục "Y nghiệp thần chương" cũng ở đoạn đầu Hải Thượng lại viết: "Tôi từ 30 đến 40 tuổi mới biết làm thuốc, từ 40 đến 50 tuổi mới ít lầm, từ 50 đến 60-70 tuổi mới khỏi lầm...".

Như vậy có nghĩa là trong quá trình từ lúc viết xong đến trước khi chết, Hải Thượng Lãn Ông còn sửa chữa và bổ sung nhiều lần. Vì nếu đúng như lời Hải Thượng viết ở đây thì một năm trước khi mất Hải Thượng còn sửa thêm vì Hải Thượng mất vào ngày 15 tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) thọ 71 tuổi.

Sách viết công phu như vậy, nhưng cho đến khi Hải Thượng Lãn Ông 61 tuổi, được mời lên Kinh đô Thăng Long, chữa bệnh cho Chúa Trịnh vào năm Nhâm Dần niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43 (1781) sách vẫn chỉ được dùng cho Hải Thượng dạy học, và được các học trò của mình chép lại mà thôi, chứ không được in ra. Cho nên, mặc dù thấy phải lên Kinh đô chữa bệnh cho Chúa Trịnh làm phiền phức, nhưng Hải Thượng muốn nhân dịp này tìm cách in bộ sách.

Hải Thượng đã giãi bầy tâm sự của mình như sau: "... Mình lao tâm tiêu tứ về đường Y học đã 30 năm nay mới viết được bộ Tâm Lĩnh, không dám truyền thụ riêng cho ai, chỉ muốn đem công bố lại cho mọi người cùng biết. Nhưng việc thì nặng sức lại mỏng, khó mà làm được. Quỷ thần hiểu thấu lòng mình, chuyến này đi có chỗ may mắn đây cũng chưa biết chừng".

Đọc "Thượng kinh ký sự" chúng ta biết được ước mong đó của Hải Thượng không thực hiện được, vì đơn thuốc đưa ra còn không được dùng thì sách làm sao mà được in ra. Nhưng cũng trong chuyến đi này, Hải Thượng đã được biết sách thuốc ông viết không những được học trò của mình chép để sử dụng tại chỗ mà còn được đưa đi các nơi khác, đem lại ảnh hưởng không nhỏ.

Hải Thượng viết: "... Bấy giờ có một người học trò tên là Tổng Thuần (1) nói với tôi: Năm xưa con có một người bạn thân tên là Sự, con một người Hoa kiều. Anh ta về quê mẹ ở Lai Triều tức là Hiến Nam Cung nay dời nhà đến cửa tây ở Khương Dình làm nghề bốc thuốc. Con thấy anh ta là người hiếu hữu nên có cho anh ta bộ Tâm Lĩnh của thầy. Từ đó anh ta ngày đêm học tập, tay không rời sách, học thuật mỗi ngày một tiến, nổi tiếng ở Thủ đô. Anh ta thường than rằng mình ở xa ngàn dặm, không được làm học trò của thầy, chỉ được ngưỡng mộ xuông thôi. Anh ta muốn về quê thầy lậy chào, nhưng vì còn phải nuôi mẹ già nên không đi xa được. Anh ta có lập một bàn thờ, thờ sống thầy, sớm chiều hương khói để báo ơn thầy...".

Qua đoạn văn ký sự này ta thấy bộ sách "Lãn Ông tâm lĩnh" được lưu truyền lại như thế nào? Hải Thượng viết sách, dùng sách đó dạy học trò làm thuốc. Các học trò chép bài của thầy, người một bản, người hai bản cứ thế mà phổ biến rộng mãi ra, vượt khỏi vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh là nơi Hải Thượng Lãn Ông ở, làm thuốc và dậy học trò. Chỉ bằng cách như vậy mà bộ sách tồn tại tới hơn 100 năm cho đến khi sách được in ra.


Chú thích:

    (1) Tổng Thuần cùng đi theo Hải Thượng từ Hà Tĩnh ra Thăng Long.


Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]