Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (Kỳ 2)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 30/04/2014 09:18 SA

>> Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác (Kỳ 1)


Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Lê Hữu Trác, Hải Thượng Lãn Ông

Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác
Nhà Đại Danh y dân tộc, nhà khoa học lớn,
đồng thời là nhà tư tưởng, nhà văn lỗi lạc của nước ta
ở thế kỷ thứ XIII

Năm 62 tuổi, Hải Thượng Lãn Ông được Chúa Trịnh triệu ra thủ đô Thăng Long để chữa bệnh cho con là Trịnh Cán. Việc ra Thủ đô vào lúc tuổi già, đó là một điều bất đắc dĩ đối với Hải Thượng. Nhưng lòng mong ước được nhân dịp này tìm cách in ra để phổ biến rộng rãi tác phẩm của mình, vì vậy Hải Thượng ra đi.

Hải Thượng đã kể lại tâm sự của mình trong tập Thượng kinh ký sự (kể chuyện ra thủ đô) về lúc này như sau: "... Bấy giờ tôi bứt rứt không biết là chừng nào, suốt đêm không ngủ. Tôi tự nghĩ, mình lúc trẻ mài gươm đọc sách, rồi nay đây mai đó, trong 15 năm đã không làm nên công trạng gì. Nay đã vứt bỏ công danh về ẩn ở núi Hương Sơn, dựng lều, nuôi mẹ, đọc sách mong tiêu dao trong vườn đạo lý của Hoàng Đế, Kỳ Bá hai vị tổ sư của Đông y tự lấy việc giữ gìn cho mình, cứu giúp người là đắc sách. Ai ngờ nay lại khổ về cái hư danh. Nhưng mình dày công nghiên cứu y học trong vòng 30 năm, soạn được một bộ Tâm Lĩnh không dám truyền thụ riêng cho ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết. Nhưng việc thì nặng, sức lại mỏng, khó mà làm được. Quỷ thần hiểu thấu lòng mình, chuyến này đi có chỗ may mắn đây cũng chưa biết chừng".

Không may cho Hải Thượng, ra Thủ đô Thăng Long ở gần một năm trời, cả hai việc đều không thành. Đến thủ đô, Hải Thượng được đưa vào khám bệnh ngay cho Trịnh Cán, nhưng đơn thuốc kê lên bị các thầy thuốc khác trong phủ Chúa gièm pha và không được dùng. Sách thuốc cũng chẳng tìm được ai chịu trách nhiệm cho in. Nhưng cũng chính trong chuyến đi này, Hải Thượng đã rất vui mừng được biết sách thuốc của mình biên soạn không những đã được học trò sao chép dùng tại chỗ làm mà còn được đưa đi rất xa tới tận Thủ đô và có người nhờ học sách thuốc của mình mà đã trở thành thầy thuốc giỏi ở Thủ đô nên đã lập bàn thờ, thờ sống Hải Thượng để tỏ lòng nhớ ơn.

Cuối năm đó (1972) Hải Thượng Lãn Ông trở lại Hương Sơn, tiếp tục dạy học, biên soạn thêm một số tập trong toàn bộ tác phẩm "Y tông tâm lĩnh" cho đến khi ông mất. Nhân dân táng mộ Hải Thượng ở chân núi Minh Từ, khe Nước Cạn, cánh thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn 4km, hiện nay vẫn còn.

Hải Thượng Lãn Ông được nhân dân đương thời chú ý và trọng vọng do tài chữa bệnh, dạy học, viết sách và làm thơ văn.

Sau khi Hải Thượng Lãn Ông mất, cho đến ngày nay chúng ta biết, học tập và nhớ ơn Hải Thượng Lãn Ông là do tác phẩm "Y tông tâm lĩnh" nghĩa là những điều đã lĩnh hội được của những thầy thuốc trước. Hiện nay người ta gọi tác phẩm này là "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh".

Bộ sách này được Hải Thượng Lãn Ông biên soạn trong vòng 10 năm: Bắt đầu vào lúc Hải Thượng 40 tuổi (1760), căn bản hoàn thành khi Hải Thượng Lãn Ông tròn 50 tuổi (1770), nhưng từ đó đến một năm trước khi mất, nghĩa là trong vòng 20 năm nữa, Hải Thượng còn bổ sung viết thêm một số tập nữa như Y hải cầu nguyên (1782), Thượng kinh ký sự (1783), Vận khí bí điển (1786). Toàn bộ sách Hải Thượng Lãn Ông để lại, bao gồm 28 tập và chia thành 66 quyển.

Một điểm đặc sắc đầu tiên nổi bật của bộ sách "Y tông tâm lĩnh" là Hải Thượng Lãn Ông đã tiếp thu có phê phán, chọn lọc rồi vận dụng những kiến thức cơ bản vào điều kiện cụ thể về khí hậu, về con người và về cả cách suy nghĩ của con người Việt Nam, nhất là những lý luận cơ bản của nền Y học Trung Quốc cũng như những kinh nghiệm chữa bệnh của những thầy thuốc trước, của nhân dân lao động trong và ngoài nước, kể cả một số ít giáo sĩ phương Tây khi ấy mới sang Việt Nam ta.

Và khác với nhiều người viết sách trước, có tiếp thu của người khác nhưng cứ lơ đi, coi như đó là của mình, Hải Thượng Lãn Ông đã trình bày rõ ràng, trung thực trong mỗi tập sách viết ra là mình đã tiếp thu ý kiến của người xưa như thế nào để người đọc có thể có điều kiện kiểm tra hoặc dễ dàng có ý kiến phê phán trả lại.

Cùng với những lời tâm sự đã dẫn Hải Thượng Lãn Ông đến việc biên soạn bộ sách đã giới thiệu ở phần trên, chúng ta hãy cùng nhau trích đọc một vài đoạn nữa trong bộ "Y tông tâm lĩnh".

Mở đầu tập "Âu ấu tu tri" (nói về cách chữa bệnh trẻ con). Hải Thượng viết: "... Sách có nói: Chữa mười người nam không bằng chữa cho một người nữ, chữa cho mười người nữ không bằng chữa cho một người già, chữa mười người già không bằng chữa cho một em bé... vì trẻ con đau đớn chỗ nào không nói lên được mà chỉ thấy khóc, chứ không hiểu được đau bệnh gì cho nên chẩn trị không gì khó bằng. Riêng Cảnh Nhạc có kết luận rằng: Chữa bệnh trẻ em so với chữa bệnh người lớn lại rất dễ vì trẻ con bên ngoài không bị khí lục dâm dày dạn lâu ngày, bên trong cũng không bị bảy loại tình cảm dày vò, trừ các chứng kinh phong cam tích ra hễ trẻ có bệnh thì phần nhiều do ăn uống mà ra, nếu xét rõ được nguyên nhân mà điều trị thì đã dễ lại càng thêm dễ. Đọc đến đây, tôi ngạc nhiên, tấm tắc khen rằng: Thật là nghe những lời từ xưa chưa từng nghe nói những lời mà mọi người khó nói được. Từ Hiên Viên, Kỳ Bá đến nay chỉ có một người ấy thôi...

Tại sao người đời trị bệnh trẻ em lại không xét cái ý trẻ em là thuần dương vô âm, nên bỏ âm để phối dương, mà cứ cho là thuần dương nên dễ phát nóng, rồi hễ cho thuốc thì cứ bốc những thức thuốc đắng, lạnh, trẻ bẩm sinh vốn đã không có phần âm mà lại đánh bạt mất phần dương, âm dương đều không có, mà muốn mầm mống tươi tốt, thành được cây to sống lâu, chẳng là viển vông lắm sao? Tôi rất băng khoăn lo ngại về tình trạng này nên gom góp các bài luận, các đơn thuốc về nguồn gốc và chứng trạng bệnh trẻ em, của các nhà Y học thành một tập nhan đề "Âu ấu tu tri" để bổ sung vào các phương pháp lập thành của người xưa, và ở cuối tập lại tiếp thêm một chương Lạc sinh, đấy là phần tâm đắc của tôi tự tay viết ra, là có ý dốc hết sở năng của mình mong muốn cứu sống trẻ em được một phần nào".

Tuy bộ "Y tông tâm lĩnh" là một bộ sách thuốc, nhưng một trong 28 tập không những được giới Y dược ưa thích mà còn được các nhà văn, nhà thơ, nhà sử cũng như nhà triết học nước ta đánh giá rất cao. Đó là tập "Thượng kinh ký sự", trong đó Hải Thượng Lãn Ông kể lại chuyến đi ra Thủ đô Thăng Long chữa bệnh cho hai cha con Trịnh Sâm và Trịnh Cán, một số tầng lớp thượng lưu ở Thủ đô, cũng như chuyện giao du với các nhà nho, nhà thơ ở Thủ đô Thăng Long từ tháng giêng đến tháng mười năm Nhâm Dần (1782). Có thể nói trước và sau Hải Thượng Lãn Ông hầu như văn học nước ta chưa có một tác phẩm viết theo lối văn kể chuyện, người thực chép việc thực, nói lại những chuyện hàng ngày.

Giá trị lịch sử của tập sách này là đã giúp ta thấy lại được một cách sinh động cuộc sống của Chúa Trịnh, sinh hoạt giao du của tầng lớp quan lại, nhà nho, mô tả một số người có vai trò nhất định trong lịch sử cuối thời Lê như Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Chánh đường Hoàng Đình Bảo (chức quan cao nhất của Chúa Trịnh).

Nó lại giúp ta thấy lại Thủ đô Thăng Long cách đây hơn 200 năm, trong đó có nhiều di tích hiện nay không còn nữa. Cũng trong tập ký sự này, chúng ta được biết đời sống và sinh hoạt của một số thầy thuốc trong phủ Chúa Trịnh, việc bảo vệ sức khỏe của Vua Chúa trong thời kỳ đó.

Đọc tập ký sự này, ta còn được biết trong khi nhiều người lấy làm sung sướng vì được Vua Chúa ban cho quan tước thì Hải Thượng lại hết sức từ chối, mà cũng chính vì thế mà thoát khỏi bị giết khi quân sĩ trong phủ Chúa nổi lên giết hết các quan chức ở đây.

Hải Thượng viết: "Mồng 2 tháng 11 về đến nhà... được vài hôm, nghe tin cả nhà quan Chánh đường (Hoàng Đình Bảo) bị hại... Tôi mừng thầm nói: "Mình ẩn thân nơi rừng suối, chẳng đoái hoài gì đến danh lợi. Bỗng chốt bị triệu, phải chống gậy lên Kinh đô mà ngót một năm trời. Xin xỏ năm lần bảy lượt mới được buông tha. Vạn nhất mình không kiên quyết, mang lấy một chức quan thì bây giờ danh lợi đã chẳng thành, mà cái thân lại bị nhục, hối thì cũng đã muộn. May sao... tuy thân mắc vào vòng danh lợi nhưng không bị lợi danh mê hoặc... mình không đến nỗi bị thiên hạ chê cười, chỉ nhờ "không tham" đó thôi"".

Do những giá trị văn thơ và lịch sử ấy nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ngay từ năm 1923, tập truyện ký này đã được Nguyễn Trọng Thuật dịch và đăng ở tạp chí Nam Phong, năm 1950, Dương Quảng Hàm trích in trong Việt Nam Văn học Sử yếu, năm 1959 Phan Võ dịch lại và Nhà xuất bản Văn Hóa đã cho in, nhân dịp 250 năm ngày sinh của Hải Thượng, nhà xuất bản Văn học đã cho sửa chữa lại và tái bản lần nữa.

Hai mươi bảy tập còn lại của tác phẩm này dành hoàn toàn cho những vấn đề thuần túy về chữa bệnh, dùng thuốc, nhưng do cách cấu tạo của bộ sách, lối viết đặc biệt của Hải Thượng Lãn Ông, nên bên cạnh những kiến thức chuyên môn về chữa bệnh dùng thuốc, chúng ta còn biết và học tập được ở Hải Thượng quan điểm về ngành nghề, đạo đức của người thầy thuốc cũng như nếp suy nghĩ hiếm có của một trí thức thời đó.

Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]