Hỏi:
Tôi bị bệnh lỵ đã lâu năm, đã dùng nhiều loại tân dược mà không khỏi, thỉnh thoảng lại đau bụng, đi ngoài phân lẫn máu và mủ. Gần đây tôi nghe nói, dùng hạt cây sầu đâu, mọc ở trong rừng có thể chữa khỏi được bệnh này. Nhưng tôi không biết cây sầu đâu có hình dạng như thế nào, và phương pháp sử dụng để chữa bệnh như thế nào? Vì vậy rất mong "Thuốc vườn nhà" chỉ dẫn cho biết.
Phan Ngọc Thuận, Yên Thành, Nghệ An
Đáp:
Cây sầu đâu còn có tên là "sầu đâu cứt chuột", "xoan đâu rừng", "xoan rừng", "khổ sâm", "khổ luyện", "nha đảm", "chù mền", ở Sầm Sơn thường gọi là "san đực", ở Vĩnh Linh gọi là "cứt cò", còn ở Nghệ An thường gọi là "bạt bỉnh". Tên khoa học của cây là Brucea javanica (L.) Merr.
Cây sầu đâu rừng mọc hoang ở nhiều nơi như Hải Phòng, Đồ Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, ...
Sầu đâu là một loài cây rừng nhỏ, có hình dạng hơi giống cây xoan vẫn dùng gỗ làm nhà (nên còn có tên là cây xoan rừng), nhưng nhỏ hơn, chỉ cao khoảng từ 1,6-2,5m là cùng. Thân cây yếu, không thành gỗ, có lông. Lá xẻ lông chim không đều với 4-6 đôi lá chét. Hoa nhỏ, mọc khác gốc, thành chùm. Quả nhỏ, hình trứng, màu nâu xám.
Vị thuốc "nha đảm tử", còn gọi là "khổ luyện tử" là quả khô của cây sầu đâu rừng. Từ tháng cuối mùa hè quả bắt đầu chín, hái về phơi hay sấy khô, loại bỏ tạp chất, không cần phải chế biến gì khác. Quả khô có thể bảo quản tới hàng chục năm mà gần như không bị hư hỏng và không giảm tác dụng.
Theo Đông y: Nha đảm tử có vị đắng, tính hàn (lạnh), vào kinh Đại tràng. Có tác dụng táo thấp (làm khô, trừ thấp tà), sát trùng. Dùng chữa sốt rét, lỵ và trĩ.
Nha đảm tử là một loại thuốc chữa bệnh lỵ đã được dùng lâu đời ở nhiều nước nhiệt đới. Tại Việt Nam, vị thuốc được ghi với tên "xoan rừng" trong bộ "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh (thế kỷ 17). Tại Trung Quốc vị thuốc lần đầu tiên thấy được ghi với tên nha đảm tử trong "Bản thảo thập di" của Triệu Học Mẫn (1765). Các nghiên cứu lâm sàng hiện đại cho thấy, dùng nha đảm tử chữa bệnh lỵ a-míp có tác dụng tốt, nhưng với lỵ trực trùng thấy kém tác dụng.
Cách sử dụng nha đam tử để chữa lỵ: Mỗi ngày dùng từ 10-15 quả nha đảm tử. Có thể dùng cả quả tán thành bột mịn, chia thành 3-4 lần uống trong ngày. Nếu uống vào thấy buồn nôn, cần bóc bỏ vỏ, chỉ lấy nhân. Bọc nhân vào giấy bản, ép cho ra hết dầu, sau đó cũng chia ra 3-4 lần uống trong ngày. Để tránh buồn nôn, một số người lấy nhân nha đảm tử nhét vào quả chuối đã bóc vỏ, rối nuốt dần. Thông thường chỉ uống 3-4 ngày là bệnh khỏi, nhưng nên uống liền trong 5-7 ngày cho khỏi hẳn.
Ngoài tác dụng chữa lỵ, sầu đâu (nha đảm tử) còn được sử dụng để chữa sốt rét và chữa trĩ:
(1) Chữa sốt rét: Dùng lá sầu đâu, lá hồng bì - mỗi thứ 1 nắm to (khoảng 50g), sắc nước uống hàng ngày.
(2) Chữa trĩ: Dùng lá hoặc rễ sầu đâu rừng, nấu nước ngâm, rửa trĩ.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.