Giải mã Đông y Dùng thuốc cần biết

Dùng Đông dược có cần kiêng đậu xanh hay không?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 08/10/2014 09:34 SA

đậu xanh, đỗ xanh

Sau khi kê đơn, bốc thuốc cho bệnh nhân, thầy thuốc thường yêu cầu bệnh nhân phải kiêng kỵ, không được dùng một số thức ăn nhất định. Thường hay gặp nhất là "ba ba, thịt gà, cá chép". Có thầy thuốc yêu cầu kiêng kỵ những loài cá không có vây; có thầy lại yêu cầu kiêng rau cải, rau muống; đặc biệt, khá nhiều thầy thuốc thường yêu cầu kiêng ăn đậu xanh, vì cho rằng đậu xanh có tác dụng giải độc mạnh, có thể "giải" luôn cả thuốc - nghĩa là có thể làm giảm tác dụng của các hoạt chất trong Đông dược.

Vậy nội dung kiêng kỵ khi uống thuốc Đông y bao gồm những vấn đề gì và dựa trên cơ sở nào?

Về vấn đề này, một số nội dung đã được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu trong một số bài, như "Những vị thuốc cần sử dụng thận trọng hoặc cấm sử dụng khi mang thai", "Vấn đề "kỵ khẩu" khi đang uống thuốc Nam", ...

Nay xin đề cập chi tiết hơn về một số khía cạnh.

Nghiên cứu hiện đại về sự tương tác giữa các loại thức ăn với Đông dược mới được bắt đầu tiến hành từ thế kỷ trước và hiện tại mới chỉ thu được một số kết quả bước đầu, còn rất hạn chế. Vì vậy việc căn dặn bệnh nhân cần kiêng kỵ những thức ăn gì khi uống thuốc, chủ yếu vẫn dựa vào lý luận kinh điển và kinh nghiệm của Đông y truyền thống.

Để trả lời câu hỏi "Dùng Đông dược có cần kiêng đậu xanh hay không?", trước hết cần nói rõ, nội dung kiêng kỵ trong Đông y tuy rất đa dạng và rắc rối, nhưng có thể quy nạp thành 2 loại chính:

1. Kiêng kỵ theo tính chất của bệnh và chứng:

    Khi chẳng may mắc bệnh, cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nhưng chỉ sử dụng những thức ăn tương đối đạm bạc và dễ tiêu hóa. Nói chung, trong phần lớn các trường hợp, cần kiêng ăn những thứ rau quả sống lạnh, các loại thịt xào rán béo ngậy, nhiều dầu mỡ, các chất tanh và những thứ có tính kích thích, dễ gây dị ứng. Mặt khác, ăn uống còn cần phù hợp với tính chất của bệnh và chứng.

    Một số trường hợp cụ thể:

    - Mắc bệnh nhiệt: Cần kiêng thức ăn có tính nhiệt, như các thịt chó, thịt chim sẻ, ... các món xào rán nhiều dầu mỡ béo ngậy, các thứ gia vị cay nóng, có tính kích thích, như hồ tiêu, ớt, tỏi, rượu trắng, ...

    - Mắc bệnh hàn: Kiêng ăn những món lạnh, có tính hàn, những loại rau quả sống lạnh, như dưa chuột, dưa hấu, trà đá, kem, ...

    - Bệnh ngoại cảm hoặc nhiễm trùng (tương ứng với các chứng thấp nhiệt, hỏa độc, ... trong Đông y) chưa khỏi hẳn, không được dùng thuốc bổ; kỵ những thức ăn có thể gây gị ứng.

    - Đau tức ngực (hung tý): Kiêng thịt béo, các món nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, rượu, thuốc lá, ...

    - Vàng da, đau hai bên mạng sườn: Hạn chế mỡ động vật và các chất kích thích cay nóng.

    - "Tỳ vị hư nhược" (chức năng tiêu hóa suy yếu): Kiêng các món xào rán béo ngậy, thức ăn lạnh, cứng khó tiêu hóa.

    - Mắc chứng "Can dương thược cang": Kiêng hồ tiêu, ớt, rượu trắng, các chất cay nóng khác.

    - Lở loét ngoài da: Kiêng cá, tôm, cua, chất tanh, các chất cay nóng.

    - ...

2. Kiêng khem tùy theo thuốc sử dụng:

    Khi dùng một số loại thảo dược để chữa bệnh, để tránh làm giảm tác dụng trị liệu của thuốc, hoặc thậm chí sản sinh độc tính, cần kiêng kỵ một số loại thức ăn nhất định.

    Một số trường hợp cụ thể:

    - Khi trong thang thuốc có sử dụng những vị thuốc "cam thảo", "hoàng liên", "cát cánh", "ô mai", ... cần kiêng thịt lợn.

    - Khi dùng vị thuốc "miết giáp": Kỵ ăn rau dền.

    - Khi dùng vị thuốc "thường sơn": Kiêng hành.

    - Khi dùng vị thuốc "đan sâm", "phục linh", "phục thần": Kiêng ăn giấm.

    - Dùng các vị thuốc "thổ phục linh", "sử quân tử": Kiêng trà.

    - Dùng vị thuốc "bạc hà": Kiêng ăn cua

    - ...

Trên cơ sở những quy định về cấm kỵ nói trên, kết hợp với tính chất và công năng của từng loại thức ăn cụ thể, chúng ta có thể suy luận và tự xác định xem, một điều kiêng kỵ nào đó có thực sự cần thiết hay không?

(1) Kiêng "ba ba, thịt gà, cá chép":

    Điều này  thực ra  thuộc phạm vi "kiêng kỵ tùy theo bệnh và chứng".

    Trong đó quy định: Khi bệnh ngoại cảm hoặc viêm nhiễm chưa khỏi hẳn, kiêng dùng thuốc bổ. Ba ba là thuốc bổ Âm, thịt gà là thuốc bổ Dương, cá chép là thuốc bổ Tỳ, đều là những thức ăn - vị thuốc bổ dưỡng, vì vậy chỉ có thể sử dụng để điều dưỡng khi bệnh ngoại cảm đã khỏi hẳn.

    Như vậy, Đông y chỉ quy định kiêng kỵ "ba ba, thịt gà, cá chép" khi đang dùng thuốc chữa bệnh ngoại cảm (hoặc viêm nhiễm).

    Trên thực tế, một số thầy lang đã mở rộng điều cấm kỵ này đối với tất cả các trường hợp dùng thuốc Đông y, làm như vậy là thiếu cơ sở.

(2) Kiêng kỵ rau muống và đậu xanh:

    Thực ra, trong y thư cổ, "Thuốc vườn nhà" không thấy có tài liệu nào khẳng định rằng khi uống thuốc Nam (sử dụng Đông dược) cần kiêng ăn rau muống hay đậu xanh.

    Rau muống và đậu xanh là những thứ Đông y thường sử dụng để giải độc. Nhưng điều đó không có nghĩa là khi đang uống thuốc Nam, nếu ăn rau muống hay đậu xanh, thì chúng sẽ làm mất hết tác dụng của thang thuốc.

    Trong các sách về Đông dược hiện đại, đậu xanh được xếp vào loại "Thuốc thanh nhiệt giải độc", cùng với một số vị thuốc quen thuộc khác, như kim ngân hoa, bồ công anh, thổ phục linh, xuyên tâm liên, đại thanh diệp (bọ mẩy), ngư tinh thảo (rau diếp cá), mã xỉ hiện (rau sam), dã cúc hoa (cúc hoa vàng, kim cúc), bạch hoa xà thiệt thảo, ...

    Theo dược lý Đông y: Đậu xanh có vị ngọt, tính lạnh; vào 2 kinh Tâm và Vị. Có tác dụng thanh nhiệt ích khí, tiêu thử giải phiền (chống nắng nóng, người bồn chồn), lợi thủy (tăng cường chuyển hóa nước), giải độc.

    Y gia thường sử dụng đậu xanh để chữa trị các chứng bệnh do nhiệt độc gây nên, như cảm nắng, say nắng, sốt, phiền khát, mụn nhọt lở loét và đặc biệt là thường dùng để giải độc khi ngộ độc thuốc, nấm độc hoặc thức ăn nhiễm độc.

    Về vấn đề kiêng kỵ, Đông y chỉ cho rằng đậu xanh tính lạnh, do đó người "Tỳ vị hư nhược thể hư hàn" (chức năng tiêu hóa yếu, thể hàn) không nên dùng nhiều.

    Khi dùng thuốc chữa chứng "Tỳ vị hư hàn" và các loại thuốc ôn bổ (thuốc bổ Dương) thì không nên sử dụng đậu xanh, để khỏi làm giảm hiệu quả thuốc.

    Như vậy, Đông y cổ truyền không cho rằng, khi uống tất cả các loại thuốc cần kiêng đậu xanh.

    Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, các protein, tanin và các hợp chất flavone trong đậu xanh có thể kết hợp với các thành phần trong phân hữu cơ, với thủy ngân, arsenic (As), chì (Pb), ... tạo thành các hợp chất trầm tích, khiến cho dạ dày khó hấp thu, do dó có thể làm giảm bớt độc tính của chúng.

    Trên lâm sàng, khi bị trúng độc nông dược và kim loại nặng, có thể nấu đậu xanh ăn hoặc nghiền mịn đậu xanh pha nước uống, để giải độc có kết quả tốt.

    Theo cơ chế tương tự, các ion kim loại trong một số loại tân dược, cũng có thể kết hợp với protein trong đậu xanh, tạo thành những hợp chất trầm tích, khó được cơ thể hấp thụ. Như vậy, đối với những loại thuốc hóa dược, có hoạt chất dạng ion kim loại, thì khi dùng chung với đậu xanh, hiệu quả có khả năng bị giảm.

    Điều "kiêng kỵ" này, không chỉ liên quan tới đậu xanh, mà bao quát tất cả các loại thực phẩm giàu protein khác. Kiêng kỵ này, trên thực tế cũng chỉ phù hợp với một số loại thuốc hóa dược nhất định.

    Thang thuốc Đông y bao gồm nhiều vị thuốc, được phối hợp theo những phép tắc nhất định, gọi là "phối ngũ". Khi các vị thuốc được dùng chung trong một thang thuốc, phép "phối ngũ" có tác dụng tăng cường tác dụng của các vị thuốc và làm giảm độc tính của những vị thuốc có tính độc.

    Thành phần của thuốc Đông dược nói chung rất phức tạp, do đó không thể áp dụng những kết luận đối với một thành phần đơn lẻ nào đó, cho toàn bộ thang thuốc.

    Điều này tương tự việc mấy năm trước về trước, một số người đã "cảnh báo" rằng, ăn đậu phụ có thể làm suy giảm chức năng sinh lý ở nam giới, vì đậu phụ là thức ăn giàu nội tiết tố sinh dục nữ. Nhưng trên thực tế, có mấy ai chỉ ăn riêng một món đậu phụ?

    Như vậy, việc kiêng kỵ đậu xanh cần căn cứ vào bệnh tình và loại thuốc sử dụng cụ thể. Không thể "chụp mũ" và cho rằng, hễ uống thuốc (tất cả các loại Đông dược và Tân dược), đều cần kiêng sử dụng đậu xanh.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
kathy (21/09/2016 03:30 CH)

Khi em dung thuoc bac , ma an dau den xanh long co duoc khong Xin cam on

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]