Hỏi:
Từ nhiều năm nay, cứ vào mùa Xuân là tôi lại hay bị nhiệt miệng. Gần đây, tôi đọc báo thấy nói, đồng bào dân tộc ít người ở miền núi thường sử dụng "cây loét mồn" để chữa nhiệt miệng. Nhưng tôi không biết, "cây loét mồn" có hình dạng như thế nào và có thể kiếm ở đâu. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, "cây loét mồm" có hình dạng ra sao, có thể chữa nhiệt miệng được không? Ngoài ra cây còn có những tác dụng gì khác?
Trần Thị Mai, Yên Hưng, Quảng Ninh
Đáp:
"Cây loét mồm" trong sách thuốc thường gọi là "Dạ cẩm". Cây dạ cẩm mọc hoang ở nhiều vùng rừng núi, thuộc các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Tây, ...
"Loét mồm" là cách gọi của người vùng Cao Lạng (Cao Bằng và Lạng Sơn), vì trước đây nhân dân vùng đó thường sử dụng cây này để chữa miệng, lưỡi bị viêm loét. Cây còn có rất nhiều tên khác như "ngón cúi", "ngón lợn", "đất lượt", "đứt lướt", "đứt lưỡi", ... người dân tộc Tày gọi là "chạ khẩu cắm", còn người Dao gọi là "sắn công mía". Cây có tên khoa học là Hedyotis capitellata Wall. hoặc Oldelandia eapitellata Kuntze; thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Dạ cẩm là một loại cây mọc trườn, thường cuốn vào cây khác, dài tới 1-2m. Thân hình trụ, các đốt phình to ra. Lá đơn, mọc đối, hình bầu dục, đầu nhọn, cuống ngắn. Hoa tự hình xim phân đôi tụ lại thành hình cầu ở đầu cành hay kẽ lá, gồm nhiều hoa hình ống nhỏ, màu trắng. Quả rất nhỏ, xếp thành hình cầu. Có thể thu hái để sử dụng quanh năm; thường hái lá và ngọn non; còn có thể sử dụng toàn cây (bỏ rễ) nhưng tác dụng có phần kém hơn; hái về rửa sạch phơi hay sấy khô để nơi khô ráo dùng dần hay nấu thành cao.
Chữa miệng lưỡi lở loét: Dùng lá dạ cẩm nấu với gạo nếp thành xôi ăn; xôi có màu tím đẹp và có tác dụng chữa miệng lưỡi lở loét và viêm họng. Một cách đơn giản hơn đó là dùng lá non nhai và ngậm, hoặc giã lá non vắt lấy nước cốt ngậm và nuốt dần, cũng có tác dụng chữa viêm loét rất tốt.
Ngoài tác dụng chữa miệng lưỡi lở loét, cây dạ cẩm còn thường được sử dụng chữa đau dạ dày. Kết quả nghiên cứu cho thấy dạ cẩm có tác dụng làm giảm đau, trung hòa axit trong dạ dày, giảm bớt ợ chua, giúp vết loét se lại khiến bệnh nhân có cảm giác dễ chịu, khoan khoái. Bệnh viện Lạng Sơn là nơi đầu tiên đã đưa cây dạ cẩm vào điều trị bệnh đau dạ dày từ năm 1962 xuất phát từ kinh nghiệm dân gian. Có thể dùng dạ cẩm dưới hình thức thuốc sắc, thuốc cao, thuốc bột hay thuốc cốm, cụ thể:
- Thuốc sắc: Dùng 10-25g lá và ngọn khô, sắc với nước, thêm đường cho đủ ngọt; chia 2-3 lần uống trong ngày, uống trước bữa ăn hay lúc đau.
- Thuốc cao: Dùng lá dạ cẩm khô 7kg, đường kính 2kg, mật ong 1kg; nấu lá dạ cẩm với nước, chắt lấy nước bỏ bã, cô lại thành 8kg cao lỏng, cho 2kg đường kính vào đánh tan, cô lại còn 9kg; cuối cùng thêm 1kg mật ong vào trộn đều, chờ nguội, cho vào chai nút kín dùng dần; ngày uống 2-3 lần, trước bữa ăn hoặc khi đau, mỗi lần uống 1 thìa to (10-15g).
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.