Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Dùng bòn bọt chữa bệnh tiêu hóa

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 26/11/2012 07:27 CH

Hỏi:

Tôi nghe nói, cây bòn bọt chữa trẻ nhỏ đi đồng sống phân và các bệnh đường ruột rất tốt. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Cây có hình dạng như thế nào? Thường mọc ở đâu? Và còn có thể chữa những bệnh gì khác?

Nguyễn Thị Lan Phương, Duy Tiên, Hà Nam

Đáp:

bòn bọt, cây bòn bọt, chè bọt, ắn mật, nhung mao toán bàn tử, Glochidion eriocarpum Champ, Glochidion volutinum Wight., thuộc họ Thầu dầu, Euphorbiaceae

Cây bòn bọt còn có tên là cây "chè bọt" (Xuân Mai - Hà Tây cũ), "ắn mật" (đồng bào Tày), sách thuốc Đông y Trung Quốc gọi là "nhung mao toán bàn tử", ... tên khoa học là Glochidion eriocarpum Champ; có tác giả xác định là Glochidion volutinum Wight., thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Chúng tôi giới thiệu cả hai tên khoa học cho tiện tra cứu.

Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi, tên "bòn bọt" có thể do cây được nhân dân dùng chữa bệnh trẻ em đi ỉa có bọt. Cũng có thể do cây lắc với nước cho nhiều bọt.

Bòn bọt là một loại cây bụi nhỏ, thân mỏng mảnh. Cành non có màu phớt đỏ rất nhiều lông ngắn, trắng, cành già có màu xanh nhạt. Lá hình trứng, mọc so le, phiến lá nguyên, đáy lá tròn, đầu lá thuôn nhọn, dài 6-8cm, rộng 2-3cm, hai mặt phiến có nhiều lông ngắn, màu trắng, mặt dưới nhiều lông hơn, thoạt trông giống như lá mơ lông; cuống lá ngắn, khoảng 1-1,5mm; có 2 lá kèm biến thành vẩy nhỏ, nhìn như 2 cái gai nhọn. Lá non có màu phớt đỏ, phủ một lớp lông mịn.

Đặc điểm nổi bật của cây bòn bọt, là trong mọi thời tiết, nhìn phần thân và lá non, luôn có màu phớt đỏ, óng ánh như nhung.

Cây có hoa rất nhỏ, không có mùi thơm, đơn tính, mọc ở kẽ lá, thành cụm 3 hay 4 hoa một, 1 hoa đực, 2 hay 3 hoa cái. Hoa đực có cuống ngắn, màu trắng, dài 5mm; với 6 lá đài màu vàng nhạt. Đường kính của lá đài chỉ chừng 5mm; trên lá đài cũng có nhiều lông nhỏ màu trắng. Hoa cái không có cuống, nhỏ hơn. Hoa nở vào mùa xuân. Quả hình bánh xe, cuối hè đầu thu quả chín; khi chín có màu đỏ, trông như những cái cúc áo bé xíu, với 7-8 múi, như những hạt gạo xếp tỏa tròn hình đĩa, bày trên đế hoa màu lục nhạt, rất đẹp.

Cây bòn bọt mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Cây mọc riêng lẻ hoặc xen kẽ những cây khác; có thể mọc đơn độc hay mọc trườn dựa vào những thân cây khác mà vươn lên cao.

Để làm thuốc, thường hái cành và lá về phơi khô, để dành khi cần dùng đến. Không cần chế biến gì đặc biệt.

Theo Đông y: Bòn bọt có vị đắng chát, tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, trừ phong hoạt lạc. Dùng chữa cảm mạo phát sốt, đau họng; viêm dạ dày - ruột cấp tính, tiêu hóa bất lương, lỵ, phong thấp khớp xương đau nhức, đòn ngã tổn thương, bạch đới, thống kinh, ...

Trong dân gian, bòn bọt chủ yếu được sử dụng chữa kiết lỵ, đi ỉa lỏng và các bệnh rối loạn tiêu hóa. Đồng bào dân tộc Tày dùng bòn bọt để chữa chứng bệnh gọi là "tống trường" - một bệnh ở trẻ nhỏ, với các triệu chứng chính như rối loạn hấp thu, ăn vào không tiêu hóa được, đi tướt, phân lỏng trắng, lổn nhổn nguyên những hạt cơm cháo.

Ngoài tác dụng chữa bệnh đường ruột, đồng bào Tày ở Cao Bằng còn thu hái cây, gài trên mái nhà phơi khô như cất lá vối. Khi phụ nữ mới sinh nở, dùng toàn cây khô đun nước uống và tắm, sẽ giúp sản phụ tránh được viêm đường sinh dục và sức khỏe nhanh chóng phục hồi.

Dân gian còn dùng chữa bệnh "phân trắng cứt cò" ở lợn con, chưa xuất chuồng, một bệnh khá nan giải mà những người chăn nuôi hay gặp. Chỉ cần cho lợn con uống nước sắc cây bòn bọt vài lần là khỏi.

Xin giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng bòn bọt:

    (1) Chữa viêm ruột và lỵ: Dùng cành lá bòn bọt 30g, có thể thêm cỏ seo gà 20g; sắc uống.

    (2) Chữa rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, ỉa lỏng: Bòn bọt 40g, thủy xương bồ 4g, trần bì 8g, gừng 4g; sắc uống.

    (4) Chữa viêm cầu thận mạn tính: Bòn bọt 40g, phục linh 20g, trạch tả 40g, ý dĩ 40g; sắc uống.

    (5) Chữa phong thấp khớp xương đau nhức: Bòn bọt 40g, cành dâu 40g, thiên niên kiện 40g, cốt toái bổ 40g, bạch chỉ 20g; sắc uống.

    (6) Chữa dị ứng sơn, nổi mày đay: Bòn bọt 40g, cành khế 40g; sắc uống.

    (7) Chữa viêm da dị ứng: Lá bòn bọt, lá thồm lồm gai, cúc bạc leo, lá muối - mỗi thứ 30-50g; nấu nước rửa chỗ bị bệnh.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]