Hỏi đáp

Đinh hương: Chữa nấc và các bệnh đường ruột mùa lạnh

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/01/2016 06:57 SA

Hỏi:

Cứ tới mùa lạnh, tôi rất hay bị nấc, nhất là vào sau những bữa ăn. Gần đây tôi nghe nói, dùng đinh hương chữa nấc rất hay. Nhưng cách sử dụng cụ thể như thế nào thì vẫn chưa rõ. Vì vậy, rất mong "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn cho biết.

Nguyễn Lê Thanh, Thái Bình

Đáp:

đinh hương

Đinh hương

Đinh hương là một loại gia vị thông dụng, nguyên liệu chủ yếu chế bột ca-ri; đồng thời cũng là một vị thuốc.

Trong Tây y, người ta dùng đinh hương chế rượu khai vị, kích thích tiêu hóa và sát trùng (khi có dịch bệnh nhai đinh hương để phòng bệnh). Trong Đông y, đinh hương được sử dụng làm thuốc "ôn lý" (làm ấm, để chữa các chứng Hàn).

Theo Đông y: Đinh hương có vị cay, tính ấm, hơi độc (hữu tiểu độc) vào 3 kinh Tỳ, Vị và Thận. Có tác dụng chống nôn mửa, làm ấm Tỳ Vị, bổ Thận, trợ Dương. Thường dùng chữa các chứng nấc, nghẹn, nôn mửa, ăn vào nôn ngược trở lại (Đông y gọi là "phản vị"), đau bụng, bụng dưới nổi hòn cục sưng đau, ... Liều dùng 2-5g sắc uống.

Trở lại vấn đề chữa nấc. Khi bị nấc, việc đầu tiên là cần phải xác định xem đó là "nấc cơ năng" (do rối loạn chức năng cơ hoành) hay "nấc thực thể" (do thương tổn thực thể, do một bệnh khác). Nếu là "nấc thực thể", cần đến bệnh viện để chữa trị các bệnh liên quan. Chúng ta chỉ có thể đề cập đến vấn đề chữa "nấc cơ năng".

"Nấc cơ năng" là hiện tượng co thắt cơ hoành, khiến cho ngực và bụng bị co đột ngột. Đông y cho rằng, nấc là do Vị Khí nghịch lên - Khí ở dạ dày (Vị Khí) bốc ngược lên trên.

Nguyên nhân có thể do ngoại cảm tà khí hoặc do nội thương; cũng có thể xuất hiện do ăn uống không điều độ, ăn đồ nóng đồ lạnh lẫn lộn, ...

Nấc do nhiễm lạnh thường có tiếng trầm, chiều tối tiếng nấc nặng hơn và liên tục, kèm theo những biểu hiện của chứng Hàn, như chân tay lạnh, sợ lạnh, ... Nấc do nhiệt thịnh thường có tiếng nấc to, mạnh, kèm theo những biểu hiện của chứng nhiệt. Nấc do nội thương, cơ thể suy yếu, thường có tiếng nấc yếu, nhẹ, không liên tục, kèm theo biểu hiện suy nhược, như người mệt mỏi, chán ăn, ngủ kém, ...

Sử dụng đinh hương chữa nấc là một kinh nghiệm lưu truyền từ lâu trong dân gian; đã được chứng nghiệm và ghi chép trong nhiều sách thuốc.

Có thể sử dụng đinh hương để chữa nấc theo một số phương pháp tương đối thông dụng như sau:

    (1) Phương pháp 1: Dùng khoảng 1g đinh hương (9-10 cái), cho vào miệng nhai nát, từ từ nuốt dần nước, cuối cùng nuốt bã. Thông thường sau khi nhai một lát sẽ hết nấc; nếu sau 30 phút vẫn còn nấc, thì lại nhai tiếp nhai và nuốt thêm vài cái đinh hương như trên. Có thể nhai liên tục như vậy 3 lần.

    (2) Phương pháp 2: Dùng đinh hương 2g, vỏ quít 10g, gừng tươi 5 lát, gạo tẻ 50g; đầu tiên sắc đinh hương, vỏ quít và gừng lấy nước; sau đó cho gạo đã vo sạch vào nấu cháo; chia ra ăn trong ngày.

    (3) Phương pháp 3: Dùng đinh hương và thị đế (tai quả hồng) - 2 thứ liều lượng bằng nhau; sấy khô, tán thành bột thật mịn; ngày uống 3-4 lần, mỗi lần uống 3g, chiêu thuốc bằng nước sắc nhân sâm hoặc đảng sâm ("Giản yếu tế chúng phương"). Bài thuốc này còn có thể sử dụng để chữa nhiễm lạnh, ho, nôn mửa không ngừng.

Chú ý:

    - Đinh hương là loại thuốc cay ấm, thuần Dương, thích hợp với các chứng hư Hàn, không thích hợp với các chứng thực Nhiệt.

    - Đinh hương nói chung chỉ thích hợp với chứng nấc do Hàn, không dùng chữa chứng nấc do Nhiệt.

    - Đối với các chứng nấc do "khí trệ", "đàm tích", cơ thể hư nhược, cũng có thể sử dụng đinh hương để chữa, nhưng cần gia thêm một số vị thuốc khác cho phù hợp cơ địa từng người, nói chung nên tiến hành dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc.

    - Ngoài ra, đinh hương hơi độc (hữu tiểu độc) nên chỉ sử dụng với liều nhỏ và nói chung không nên sử dụng dài ngày.

Ngoài chữa nấc, còn có thể sử dụng đinh hương để chữa trị một số chứng bệnh đường tiêu hóa, thường hay phát sinh trong mùa Đông:

    (1) Chữa trẻ nhỏ bị nôn mửa do nhiễm lạnh: Dùng đinh hương và bán hạ (để sống) - 2 thứ liều lượng bằng nhau; sấy khô, tán thành bột thật mịn, trộn với nước gừng làm thành viên to bằng hạt đậu xanh; ngày uống 3-4 lần, mỗi lần uống 3-4 viên ("Bách nhất tuyển phương").

    (2) Chữa chứng buổi sáng ăn vào buổi chiều nôn ra: Dùng đinh hương tán thành bột thật mịn, trộn với nước mía ép và nước cốt gừng làm thành viên to bằng hạt hạt sen; ngày dùng 3-4 viên, ngậm trong miệng và nuốt dần ("Thích nguyên phương").

    (3) Chữa miệng nôn chôn tháo: Dùng đinh hương 14 nụ, nấu với 100ml rượu trắng, đun cạn còn khoảng 40ml, uống khi thuốc còn ấm; có thể sắc với nước cũng có kết quả ("Thiên kim dực phương").

    (4) Chữa thương thực do ăn cua: Dùng bột đinh hương 3-4g, hòa với nước sắc nước gừng uống ("Chứng trị yếu quyết").


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]