Hỏi:
Em năm nay 22 tuổi, hiện đang học, tình trạng sức khỏe bình thường. Nhưng tóc em bị bạc khá nhiều. Em đã điều trị nhiều loại thuốc nhưng vẫn không hết. Em muốn biết đó có phải là triệu chứng của "stress" không và phải điều trị bằng cách nào? Hiện em đang uống thân và lá của cây Hà thủ ô, bằng cách phơi khô và ngâm vào nước nóng như uống trà. Em muốn hỏi uống như vậy có được không? Có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Em trai, 3CB-104 Long Thành-Đồng Nai
Đáp:
Hà thủ ô đỏ
Theo Đông y, sự phát triển của tóc có liên quan mật thiết với trạng thái của Huyết và hai tạng Tâm, Thận. Huyết đầy đủ, Tâm và Thận hoạt động tốt, thì tóc ắt đen mượt.
Tóc bạc sớm tất nhiên có liên quan tới "stress". Vì "stress" có thể làm rối loạn một số chức năng sinh lý trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe toàn thân. Do đó để ngăn ngừa tóc bạc sớm, chống "stress" cũng là một biện pháp không thể coi nhẹ.
Bạn có đề cập đang uống thân và lá cây Hà thủ ô. "Thân" ở đây có phải là "thân leo" hay không? Vì Hà thủ ô là loài dây leo.
Ngoài ra, Hà thủ ô lại có 2 loại: Hà thủ ô đỏ và Hà thủ ô trắng. Cả hai loại đều có thể sử dụng làm thuốc bổ, nhưng thứ đỏ được coi là "chính vị" - tốt hơn.
Hà thủ ô trắng
Trường hợp có điều kiện tự thu hái, phân biệt giữa hai loài Hà thủ ô không khó khăn lắm:
- Cả hai đều là dây leo thân tròn, nhưng thân Hà thủ ô đỏ không có lông, còn Hà thủ ô trắng thì có nhiều lông, nhất là ở những đoạn thân non.
- Lá Hà thủ ô đỏ mọc so le, hai mặt đều nhẵn và không có lông; còn lá Hà thủ ô trắng mọc đối, có lông mịn ở cả hai mặt.
- Hoa Hà thủ ô đỏ màu trắng, mọc thành chùy, nhiều nhánh dài; còn hoa Hà thủ ô trắng màu nâu nhạt hoặc vàng tía, mọc thành xim, rất nhiều lông.
- Quả Hà thủ ô đỏ có 3 cạnh, trơn bóng; còn quả Hà thủ ô trắng tẽ đôi ra như cặp sừng bò.
Đặc biệt cần chú ý là, một số cây khác thường hay bị nhầm lẫn với Hà thủ ô, như "cây vú bò", "cây sữa", "cây sừng trâu" (còn gọi là "cây sừng dê") và "cây càng cua".
Cây càng cua giống Hà thủ ô trắng ở nhiều điểm: Cùng thuộc họ Thiên lý, lá cũng mọc đối, thân cũng có chất nhựa trắng, quả cũng tẽ làm đôi, ... nhưng lại là loài cây có độc; phải là người có kinh nghiệm mới phân biệt chính xác được.
Cây Hà thủ ô đỏ cho ta 2 vị thuốc:
(1) "Hà thủ ô" là củ đã phơi hoặc sấy khô.
(2) "Dạ giao đằng" là dây (thân, có thể kèm theo lá).
Như vậy bạn đang sử dụng vị thuốc "Dạ giao đằng". "Hà thủ ô" và "Dạ giao đằng" có tác dụng không hoàn toàn giống nhau:
- Hà thủ ô có vị đắng ngọt chát, tính hơi ấm. Có tác dụng bổ Can, ích Thận, dưỡng Huyết, trừ phong. Dùng chữa Can Thận âm hư, tóc bạc sớm, đau đầu do huyết hư (thiếu máu), lưng gối yếu mỏi, gân cốt tê đau, di tinh, băng lậu, sốt rét lâu ngày, viêm gan mạn tính, ung nhọt, ...
- Dạ giao đằng có vị hơi đắng, tính bình. Có tác dụng dưỡng tâm, an thần, thông kinh lạc, trừ phong. Dùng chữa mất ngủ, mệt mỏi, nhiều mô hôi, người đau do huyết hư (thiếu máu), tràng nhạc, ung thũng, mụn nhọt lở ngứa, ...
Hà thủ ô có tác dụng bổ huyết mạnh hơn, nhưng về mặt an thần thì Dạ giao đằng có tác dụng mạnh hơn. Do đó để bồi bổ cơ thể và chữa tóc bạc sớm, nên dùng Hà thủ ô. Còn để an thần, chữa mất ngủ, chữa các bệnh lở loét ngoài da, thì nên sử dụng Dạ giao đằng.
Trong dân gian, để chữa tóc bạc sớm nhiều người hay dùng Dạ giao đằng thay thế Hà thủ ô, nhưng cách làm như vậy không hoàn toàn đúng.
Ngoài ra, còn cần lưu ý, Hà thủ ô chia ra 2 loại: Củ Hà thủ ô khô chưa chế biến gọi là "Hà thủ ô sống" (sinh Hà thủ ô), củ đã qua chế biến gọi là "Hà thủ ô chế". Hà thủ ô sống thường được dùng chữa chứng táo bón ở người già và sản phụ. Còn để bồi bổ và chữa tóc bạc sớm thì cần sử dụng Hà thủ ô chế.
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
2 Ý kiến bạn đọcToi da hon 40 tuổi roi.hàng ngày tôi uống giay va lá hà thổ ô thay trà có được không?xin chỉ cho tôi vói!
Xuân khánh hoài mỹ hoài nhơn bình định