Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Có thể ăn rau ngót nhật thường xuyên?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 27/05/2017 07:46 SA

Hỏi:

Gần đây, tôi được một người bạn mang cho ít giống cây rau ngót nhật. Cây dễ trồng và nấu ăn rất ngon. Tuy nhiên, có người lại nói, rau ngót nhật là một cây thuốc. Đã là thuốc thì chỉ dùng mỗi khi bị bệnh và không nên sử dụng thường xuyên. Mong được "Thuốc vườn nhà" cho biết, có thể sử dụng rau rau ngót nhật làm món ăn thường xuyên hay không?

Lê Huy Thân, Tây Hồ, Hà Nội

Đáp:

Những năm gần đây, tại Hà Nội đã xuất hiện một loại rau mới, có tên là "rau ngót nhật", gọi tắt là "ngót nhật". Những người trồng rau sạch tự túc đua nhau trồng loại rau này ở khắp mọi nơi.

1. Rau ngót nhật không phải lá diễn:

Để trả lời câu hỏi của bạn, trước tiên chúng ta cần xác định tên khoa học của cây rau ngót nhật là gì.

Theo hầu hết các trang tin trên mạng: "Rau ngót nhật" là cây "lá diễn".

IMG

Thế nhưng, nếu quan sát kỹ có thể nhận thấy: Hình trạng của cây lá diễn và rau ngót nhật tuy có nhiều điểm giống nhau, ví dụ như đều là những cây thảo một năm hoặc nhiều năm, đều có thân hình vuông với những đốt phồng to, lá đều mọc đối và có hình trứng thuôn, ...

Thế nhưng, nếu quan sát những cây đã có hoa, sẽ thấy cấu trúc hoa của hai loài cây có một số khác biệt rõ ràng:

    - Hoa của lá diễn mọc ở nách lá hoặc đầu cành, còn hoa của rau ngót nhật chỉ mọc ở đầu cành.

    - Cách sắp xếp hoa trên cành (cụm hoa, hoa tự) của hai cây cũng không giống nhau: Cụm hoa của lá diễn có dạng "xim" (cyme) còn cụm hoa của ngót nhật lại có dạng "chùm" (raceme).

    - Tràng hoa của lá diễn có dạng "hai môi" còn tràng hoa của rau ngót nhật chỉ "hơi 2 môi" - nghĩa là 2 môi không rõ ràng.

rau ngót nhật, ngót nhật

rau ngót nhật, ngót nhật

Rau ngót nhật

Lá diễn và rau ngót nhật là những cây cùng Họ Ô rô - Acanthaceae. Nhưng chúng là những cây khác Chi và khác Loài.

Tên khoa học của lá diễn là Dicliptero chinensis (L.) Ness. Còn tên khoa học của của rau ngót nhật là Asystasia gangetica (L.) T. Anderson. Cây còn có những tên đồng nghĩa là Justicia gangetica L., Ruellia coromandelina Wall., Asystasia che-lonoides Nees, Asystasia coromandelinus Nees.

Rau ngót nhật có nhiều tên khác: "Từ điển cây thuốc Việt Nam" gọi nó là "Biến hoa sông Hằng". Tại Trung Quốc, cây này có rất nhiều "dị danh" (tên gọi khác) như "Thập vạn thác", "Tế huệ tước sàng", "Đạo thâu thảo", "Điệt đả thảo", "Long quỳ nhật" (Nhật Bản Long quỳ), "Violet xích đạo", "Hoa bão táp" (Đài phong thái), "Rau sống dai" (Hoạt lực thái), ...

2. Đặc điểm hình thái của cây rau ngót nhật:

Rau ngót nhật là loại cây thảo, sống nhiều năm, rất đa dạng. Cành có cạnh, màu xanh lục, đốt phình to và khi già có màu tim tím, ban đầu mọc vươn lên trên, sau mọc nằm. Lá mọc đối, có cuống ngắn, phiến lá hình bầu dục hoặc mũi mác, mép lá hầu như nguyên, hơi lượn sóng. Đầu lá nhọn dài, gốc lá nhọn, tù, tròn hoặc gần hình tim, hai mặt lá phủ lông ngắn rải rác.

Hoa xếp dạng chùm, trục cụm hoa 4 cạnh. Hoa thường mọc nghiêng về một phía. Đài hoa có 5 khía sâu, phần gốc dính liền, lá đài hình mũi mác, hình dải, dài 5-6mm. Tràng hoa ngắn, hơi 2 môi. Đoạn gốc tràng hoa hình trụ tròn, môi trên xẻ đôi thành 2 phiến hình trứng tam giác, đầu hơi nhọn, môi dưới xẻ 3, thành những phiến hình bầu dục, phiến giữa cao hơn một chút. Hoa có 4 nhị, chỉ nhị không có lông, mỗi bên có 1 đôi - 1 dài 1 ngắn, phần gốc dính với nhau thành từng đôi, bao phấn hoa màu tím. Vòi nhụy dài khoảng 12mm, phần gốc phủ lông mêm dài. Quả nang.

Rau ngót nhật là cây rất đa dạng. Những cái tên "biến hoa" (hoa biến đổi), "thập vạn thác" (sai biệt cực lớn) có lẽ có phát sinh từ tính đa dạng của cây này.

Sự biến hóa về hình trạng, theo "Thuốc vườn nhà", có thể phụ thuộc nhiều vào điều kiện sống.

Thí dụ, về mùa hoa, sách "Từ điển cây thuốc Việt Nam" viết "Ra hoa vào mùa hè"; sách "Trung Hoa Bản thảo" viết "Ra hoa từ tháng 11-12 đến tháng 3 năm sau". Nhưng theo "Thuốc vườn nhà", có thể cây ra hoa quanh năm. Hiện tại đã là cuối tháng 5, mà vẫn thấy hoa nở trên nhiều khóm rau ngót nhật mọc tại Hà Nội. Có khả năng, rau ngót Nhật ra hoa khi cành đã đủ tuổi thành thục. Nếu chăm bón tốt, không bị ngắt ngọn và hái lá, khoảng 1-2 tháng sẽ thấy hoa xuất hiện. Tất nhiên, đây mới chỉ là một giả thuyết, cần tiếp tục quan sát, kiểm chứng. Kết quả ra sao "Thuốc vườn nhà" sẽ xin thông tin tới bạn đọc trong một dịp khác.

• Rau ngót nhật - loại rau mới giàu chất dinh dưỡng:

Trở lại vấn đề chủ yếu bạn quan tâm...

Theo kết quả nghiên cứu của "Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rau quả Châu Á" (AVRDC): Trong mỗi 100g cành lá non có 3,96g protein, 3,36mg carotenoid, 4,4mg vitamin E và 5,7mg sắt.

Căn cứ vào nhu cầu trung bình về chất dinh, có thể thấy: Với 100g rau ngót nhật, lượng carotenoid đã đạt khoảng 90%, còn lượng vitamin E và lượng sắt đã đạt khoảng 40% nhu cầu hàng ngày của một người trưởng thành.

Ngoài ra, rau ngót nhật còn có chứa nhiều nguyên tố vi lượng và có hoạt tính chống ô-xy hóa cao. Đặc biệt, thành phần chất dinh dưỡng của rau ngót nhật tương đối ổn định và ít phụ thuộc vào thời vụ thu hái, lại có thể bảo quản trong tủ lạnh tương đối dài ngày mà vẫn xanh tươi, không bị biến chất.

Nhân tiện xin nói thêm, AVRDC là một Tổ chức Quốc tế, hình thành từ tháng 5 năm 1971 và bắt đầu chính thức vận hành từ tháng 10 năm 1973. Nhiệm vụ của Trung tâm là thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ các loại rau quả có giá trị dinh dưỡng cao, nhằm khắc phục tình trạng thiếu dinh dưỡng trong dân cư ở vùng sâu vùng xa.

Thứ rau mà người Việt ta gọi là "rau ngót nhật" vốn là một loài cây thảo nguyên sinh, mọc hoang dã tại khắp các khu vực Xích đạo, trên khắp thế giới, như Kenya, Uganda, ... ở Châu Phi, ... Ấn Độ, Việt Nam, Malaixia, ... ở Châu Á, ...

Sau khi đã tiến hành nghiên cứu toàn diện về đặc điểm sinh học, hoạt chất sinh học và dinh dưỡng, độc tính, phương pháp trồng, phương pháp thu hái, ... Từ tháng 10 năm 2006, AVRDC đã tổ chức cuộc Hội thảo đầu tiên để giới thiệu về giá trị của rau ngót nhật. Tiếp sau đó, AVRDC đã thường xuyên tổ chức các hội thảo, tập huấn, hướng dẫn cách trồng và sử dụng, nhằm xúc tiến việt sản xuất và tiêu thụ loại rau mới này.

Hiện tại, rau ngót nhật đã trở thành một loài rau sạch, được trồng phổ biến và có bán trong các siêu thị, ở nhiều nước vùng Đông - Nam - Á.


Lương y THÁI HƯ


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
Hoà Nguyễn Văn (15/10/2017 08:15 CH)

Cây này sách thảo dược gọi là cẩu can thảo, dân gian gọi là cây gan heo, dễ trồng, làm rau sạch được, ít sâu bệnh.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]