Hỏi đáp

Cỏ roi ngựa chữa da lở ngứa, cảm sốt

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 21/05/2012 08:47 SA

Hỏi:

Gần nơi tôi ở, có rất nhiều cây cỏ roi ngựa mọc hoang. Nghe nói, khi da bị lở ngứa, dùng cây này nấu nước để tắm rửa rất hay. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không? Nấu nước tắm có gây dị ứng như khi đụng phải cây lá han không? Ngoài ra, cây còn có thể dùng chữa những loại bệnh gì khác?

Đinh Doãn Thanh, Bắc Ninh

Đáp:

cỏ roi ngựa, cỏ vọt ngựa, nhả tháng én, co pin mạ, mã tiên thảo, hạc tất phong, thoái huyết thảo, Verbena officinalis L.

Cỏ roi ngựa là loài cây mọc hoang ở khắp nơi. Miền núi, trung du và đồng bằng đều có. Cây thường mọc ở bờ rào, bờ ruộng, ven đường, chân đê và trên các bãi hoang.

Cỏ roi ngựa còn có tên là "cỏ vọt ngựa", "nhả tháng én" (dân tộc Tày), "co pin mạ" (Thái), "mã tiên thảo", "hạc tất phong", "thoái huyết thảo", ... tên khoa học là Verbena officinalis L., thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Sách thuốc Đông y thường gọi là "mã tiên thảo" vì loại cỏ này dài, thẳng, có đốt, giống như cái như roi ngựa ("mã" = ngựa, "tiên" = roi, "thảo" = cỏ).

Cỏ roi ngựa là loại cỏ nhỏ, sống dai, mọc thành bụi, cao từ 10-100cm. Thân có 4 cạnh, mọc đứng, có lông. Lá mọc đối, xẻ thành những thùy hình lông chim không đều. Mép lá có răng cưa; phiến lá men theo cuống đến tận gốc. Hoa mọc ở ngọn, thành bông hoặc chùy, dài khoảng 20cm, phân nhánh nhiều; lá bắc có mũi nhọn; hoa nhỏ màu xanh lam tím nhạt, lưỡng tính, mọc sít nhau, không đều. Quả nang, có 4 nhân, hạt nhỏ. Mùa hoa quả vào tháng 3-9.

Để dùng làm thuốc, người ta chặt toàn cây, hoặc nhổ cả cây kèm theo rễ, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô.

Thời trước dân châu Âu rất hay dùng vị thuốc này, coi như có khả năng chữa được bách bệnh, nhưng hiện nay chỉ còn dùng làm thuốc xoa bóp.

Còn ở phương Đông, tác dụng chữa bệnh của mã tiên thảo đã được ghi chép đầu tiên trong sách "Danh y biệt lục" của Đào Hoằng Cảnh (456-536).

Theo Đông y: Cỏ roi ngựa có vị đắng, tính mát; vào 2 kinh Can và Tỳ. Có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, thanh nhiệt, giải độc, thông kinh, lợi tiểu, tiêu thũng. Những năm gần đây các nhà khoa học còn phát hiện thêm tác dụng ức chế đối với vi trùng gây sốt rét.

Trong Đông y: Mã tiên thảo thường dùng để chữa sốt do ngoại cảm, hoàng đản do thấp nhiệt, thủy thũng, kiết lỵ, sốt rét, bạch hầu, bế kinh; lở ngứa ngoài da, ...

Một số ứng dụng cụ thể:

    (1) Da lở ngứa:

        - Cỏ roi ngựa (mã tiên thảo) có thể sử dụng nấu nước tắm rửa khi da bị lở ngứa (đúng như bạn đã nghe nói).

        - Cây không độc; không gây dị ứng, mẩn ngứa như lá han hay một số loại lá độc khác.

        - Cách sử dụng cụ thể: Khi da bị lở ngứa, có thể lấy 50-100g cỏ roi ngựa tươi, nấu nước để tắm rửa hàng ngày và xoa xát lên chỗ da có bệnh; tác dụng chống viêm và chống ngứa rất tốt.

    (2) Ăn phải cá độc sinh cổ trướng: Dùng cỏ roi ngựa một nắm to, sắc nước uống nhiều lần trong ngày (Nam dược thần hiệu).

    (3) Họng sưng đau: Dùng cành và lá cỏ roi ngựa tươi một nắm to, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa thêm một lượng sữa người vào, ngậm và nuốt dần từng ít một (Giang Tây Trung thảo dược học).

    (4) Sốt rét:

        - Dùng cỏ roi ngựa khô 30-60g, sắc nước uống; trước và sau lúc lên cơn sốt 1-2 giờ uống 1 lần.

        - Đã tiến hành điều trị cho 236 ca, 216 ca có kết quả tốt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thuốc có tác dụng ức chế đối với vi trùng sốt rét (malarial parasite), khiến trùng bị biến dạng và chết (Thảo mộc liệu pháp).

    (5) Phòng viêm gan truyền nhiễm:

        - Dùng cỏ roi ngựa 25g, cam thảo 5g; sắc với 150ml nước, đun nhỏ lửa đến khi cạn còn 40ml (đó là liều lượng 1 lần uống đối với người lớn); mỗi ngày uống 3 lần vào trước bữa cơm; liên tục trong 4 ngày.

        - Theo Trung y tạp chí 4/1960: Trong thời kỳ có dịch viêm gan truyền nhiễm, 74 người trong diện có nguy cơ bị nhiễm bệnh đã được sử dụng phương thuốc trên, theo dõi trong 4 tháng không thấy bị nhiễm bệnh. Trong khi đó, nhóm đối chứng 35 người, có 3 người bị bệnh, như vậy sơ bộ có thể thấy mã tiên thảo có tác dụng dự phòng nhất định đối với bệnh viêm gan nhiễm trùng.

    (6) Hoàng đản (vàng da): Dùng rễ cỏ roi ngựa tươi hoặc toàn cây tươi 50g, sắc lấy nước, bỏ bã, pha thêm đường, chia thành 3 phần uống trong ngày; nếu vùng gan trướng đau thêm sơn tra 15g vào cùng sắc uống (Giang Tây Thảo dược thủ sách).

    (7) Trĩ nội:

        - Dùng cỏ roi ngựa, rau dền gai - mỗi thứ 20g; sắc nước uống thay trà trong ngày; liên tục trong nhiều ngày.

        - Tạp chí Quảng Tây trung dược học số 2/1977 thông báo: 1 nữ bệnh nhân 26 tuổi, bị trĩ nội xuất huyết đã 11 năm, sử dụng phương thuốc này trong nửa tháng đã khỏi bệnh, 2 năm sau không thấy tái phát.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]