Hỏi:
Cháu năm nay 20 tuổi, người rất béo và từ khi vào Phổ thông trung học mặt cháu bắt đầu nổi nhiều mụn trứng cá. Cháu đọc trên báo thấy có phổ biến kinh nghiệm dùng cây vòi voi tươi hoặc khô sắc lấy nước uống hàng ngày, để giảm béo và chữa trứng cá, chỉ sau 2 tháng là sẽ có kết quả. Cháu rất muốn áp dụng thử, nhưng tác giả bài báo lại không nói rõ về liều dùng hàng ngày. Vì vậy, cháu mong được "Mỹ phầm từ thiên nhiên" chỉ cho biết, liều dùng hàng ngày để sắc uống là bao nhiêu? Ngoài ra, cây vòi voi mọc hoang quanh nơi cháu ở rất nhiều, nên cháu cũng mong được Mỹ phẩm cho biết thêm về những tác dụng chữa bệnh của cây này.
Nguyễn Thị Yến Hoa - Sóc Sơn - Hà Nội
Đáp:
Cây vòi voi
Vòi voi là cây mọc hoang ở khắp nơi. Cây có tên "vòi voi", vì cụm hoa giống như vòi con voi. Cây còn có tên là "cây đuôi chó", "cây đuôi mèo", "ban thảo", "mặc ngư tu thảo", ... tên khoa học là Heliotropium indicum L., thuộc họ Vòi voi.
Để dùng làm thuốc, người ta nhổ toàn bộ cây (cả rễ), đem về rửa sạch, dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
Theo Đông y: Vòi voi có vị đắng, tính bình. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, tiêu thũng, giải độc. Trong dân gian thường sử dụng để chữa viêm họng, ho, bạch hầu, viêm phổi, sỏi bàng quang, viêm tinh hoàn, phong thấp sưng khớp, lưng gối đau mỏi, loét cổ tử cung, mụn nhọt mẩn ngứa hoặc sưng tấy, viêm mủ da, nhiễm khuẩn ecpet mảng tròn, ...
- Liều dùng hàng ngày: 15-30g khô (hoặc 30-60g tươi) sắc nước uống; dùng ngoài, lấy cây tươi, giã nát đắp.
- Kiêng kỵ: Người gìa yếu cơ thể suy nhược, tỳ vị hư hàn, ỉa chảy lâu ngày, hay chân lạnh, phụ nữ có thai không nên dùng.
Do tính năng thanh nhiệt, lợi niệu, tiêu thũng và giải độc, nên đối với một số người "thể tạng" nhất định, cây vòi voi có thể có tác dụng giảm béo và chữa mụn trứng cá, như trên báo cháu đọc đã giới thiệu.
Tuy nhiên, nếu cháu muốn "thí nghiệm" trên bản thân mình, thì cần phải hết sức thận trọng, dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc. Vì theo kết quả nghiên cứu gần đây, trong vòi voi có chứa loại chất độc alcaloid pyrolizidin (viết tắt là AP). Độc tính của AP được tình cờ phát hiện, khi theo dõi tình trạng chết hàng loạt của cừu ở Australia vì ăn một loại lá có chứa AP.
Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi: "Loại ancaloit có vòng pyrolizidin nói trên, có độc tính cao đối với gan và gây huỷ hoại tổ chức gan, gây đau bụng, ỉa chảy, xuất huyết lan tỏa và có thể gây ung thư. Tính chất độc này thường không thể hiện ngay khi dùng, mà thường xuất hiện một cách âm ỉ, kéo dài, khó phát hiện".
Trên cơ sở đó, Tổ chức y tế thế giới có khuyến cáo không nên dùng vòi voi làm thuốc. Bộ y tế Việt Nam (1985) cũng đã có chỉ thị cần thận trọng khi dùng vòi voi chữa bệnh. Ngay cả đối với những trường hợp chỉ dùng ngoài, như giã đắp để chữa tụ huyết, bầm tím, do chấn thương, viêm tấy, áp xe, sưng vú, sưng khớp, đinh nhọt giai đoạn chưa có mủ, ... cũng cần rất cẩn thận: Khi có kết quả nên ngừng ngay, không nên dùng lâu.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.