Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cỏ đũa bếp chữa được bệnh gì?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 26/03/2012 07:43 SA

Hỏi:

Cánh đồng đất cát phèn vùng quê tôi có rất nhiều cỏ đũa bếp, còn gọi là cỏ đuôi lươn. Tôi thấy người dân ở các vùng khác đến bứt và đào bới, hỏi thì họ nói thu hái về dùng làm thuốc bổ và chữa được nhiều bệnh, nhất là bệnh phụ nữ. Vậy có đúng cỏ đũa bếp có thể dùng làm thuốc bổ và chữa được nhiều bệnh hay không? Rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết, nếu là thuốc bổ thì bổ gì? Và chữa được những bệnh gì? Chế biến ra sao?

Nguyễn Xuân Hiền, Đồng Hới, Quảng Bình

Đáp:

cây đũa bếp, đuôi lươn, bòn bòn, cỏ đuôi lươn, điền thông, Philydrum lanuginosum Banks

Cây "đũa bếp" là thứ cỏ mọc hoang ở các vùng đất ẩm, đầm lầy. Ngoài Bắc cây này thường gọi là "đuôi lươn", "bòn bòn". Cây có tên là "cỏ đuôi lươn", vì ngọn và cụm hoa giống đuôi con lươn. Trong các sách thuốc của Trung Quốc, cây có tên là "điền thông" (điền = ruộng, thông = cây hành; nghĩa là thứ hành mọc hoang ở ngoài ruộng). Cây có tên khoa học là Philydrum lanuginosum Banks, họ Cỏ đuôi lươn (Philydraceae).

Cỏ đuôi lươn là một loại cỏ mọc đứng, cao chừng 0,3-1m. Trên thân có rất nhiều lông ngắn màu trắng, trông như len, nhiều nhất là ở phía dưới cụm hoa. Lá hình gươm, dài 8-70cm, rộng 4-10mm, phía trên có vạch dọc, phía dưới có lông; lá ở gốc phủ lên nhau; lá trên thân nhỏ hơn, mọc so le. Cụm hoa mọc thành bông dài 2-5cm; hoa mọc so le, không cuống. Quả nang có lá bắc bao bọc, có lông mịn.

Để sử dụng làm thuốc, thường nhổ cả cây, liền cả rễ, rửa sạch đất cát, phơi khô, không cần chế biến gì khác.

Đuôi lươn là vị thuốc khá thông dụng trong dân gian. Trong tay chúng tôi hiện chưa có tài liệu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý. Vì vậy chỉ có thể giới thiệu một số cách sử dụng, theo kinh nghiệm dân gian, để bạn tham khảo.

Theo kinh nghiệm dân gian: Đuôi lươn có tác dụng điều hòa kinh nguyệt và chữa một số bệnh sản hậu ở phụ nữ. Tại các hàng lá ở các chợ Hà Nội, các bà hàng lá thường cho phụ nữ dùng trước và sau khi sinh nở, để điều kinh và chữa bệnh hậu sản. Tại Trung Quốc, người ta thường dùng cây tươi giã đắp vào mụn nhọt, nấu nước rửa chỗ da lở loét.

Nói rằng đuôi lươn là vị thuốc bổ - theo nghĩa rộng, có lẽ chưa hoàn toàn đúng.

Liều dùng: Ngày dùng 10-15g, sắc nước uống.

Một số cách sử dụng cụ thể:

    (1) Điều hòa kinh nguyệt: Dùng cỏ đuôi lươn 15g, cỏ ích mẫu 10g, củ gấu 16g, cam thảo 6g; sắc nước uống trong ngày. Kinh nguyệt là chiếc "phong vũ biểu" về sức khỏe của phụ nữ; kinh nguyệt điều hòa, thì cơ thể khỏe mạnh. Cỏ đuôi lươn có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, có lẽ vì vậy nên một số người nói đuôi lươn là vị thuốc bổ.

    (2) Chữa khí hư, bạch đới: Cỏ đuôi lươn 15g, bạch đồng nữ 10g; sắc nước uống trong ngày.

    (3) Chữa sản hậu đau bụng, kém ăn: Cỏ đuôi lươn 15g, vỏ rụt (hoặc vỏ vối) 12g, củ gấu 12g, vỏ quít 8g; sắc nước uống trong ngày.

    (4) Sa tử cung sau khi sinh đẻ: Cỏ đuôi lươn 15g, rễ gai (lá dùng làm bánh) 20g; sắc nước uống trong ngày.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]