Hỏi:
Mấy tháng gần đây người tôi thường bị đau ê ẩm, nhất là về đêm. Có người mách có thể dùng "dây đau xương" sắc nước uống để chữa. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có thể kiếm "dây đau xương" ở đâu?
Lê Minh Thái, Kỳ Bá, Thái Bình
Đáp:
Dây đau xương
"Dây đau xương" có rất nhiều tên gọi khác như "khoan cân đằng", "thân cân đằng", "thư cân đằng", "đại lục đằng", "đại thanh xà", "lục đằng tử", "tiếp cốt đằng", "nhuyễn cốt đằng", ... tên khoa học là Tinospora sinensis Merr họ Tiết dê (Menispermaceae).
Cây có tên là "dây đau xương" vì dân gian thường sử dụng cây này để chữa bệnh đau xương. Những tên khác như "khoan cân đằng", "thư cân đằng", "thân cân đằng" cũng liên quan đến tình trạng đau nhức gân cốt - có nghĩa là thứ dây leo có tác dụng làm cho gân cốt dễ chịu, hoạt động dễ dàng ("khoan" = dễ chịu, "thư" = thoải mái, "thân" = duỗi ra, "cân" = gân, "đằng" = dây leo).
Dây đau xương là một loại cây leo dài khoảng 7-8m, có cành dài rũ xuống, lúc đầu có lông sau thì nhẵn. Lá có lông nhất là ở mặt dưới - làm cho mặt dưới có màu trắng nhạt; phiến lá hình tim, phía cuống tròn và hõm lại, phía đỉnh hẹp lại thành mũi nhọn, dài 10-12cm, rộng 8-10cm, có 5 gân rõ, tỏa hình chân vịt. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc đơn độc, hoặc mấy chùm tụ lại, chùm dài chừng 10cm, có lông măng, màu trắng nhạt. Quả hạch, khi chín có màu đỏ, có dịch nhầy, hạch hình bán cầu, mặt phẳng của bán cầu hõm lại. Mùa quả ở miền Bắc là tháng 3-4. Cây mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam, còn mọc cả ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Cần lưu ý: Trong Đông y "khoan cân đằng" còn chỉ một loài cây khác, cũng được sử dụng để chữa trị các chứng đau nhức, có tên khoa học là Lycopodium clavatum L.; nhưng là loài cây thân bò (không phải thân leo như "dây đau xương"), còn gọi là "thạch tùng", "thông đá", "thăng kim thảo", "quá sơn long", "thư cân thảo", ... Loài cây này chỉ thấy mọc ở các vùng núi cao như Sapa, Tam Đảo, ... còn thứ "dây đau xương" mà bạn quan tâm thì mọc hoang ở khắp nơi, miền núi và đồng bằng đều có sẵn.
Để sử dụng làm thuốc: Cắt lấy thân, cắt ngắn thành từng đoạn dài 20-30cm rồi phơi hay sấy khô. Lá thường dùng tươi, thu hái quanh năm.
Theo Đông y: Dây đau xương có vị đắng, tính mát; vào 2 kinh Can và Tỳ. Có tác dụng trừ phong thấp, thư cân hoạt lạc, tán ứ chỉ huyết. Thường sử dụng chữa các chứng đau nhức gân xương do phong thấp, chân tay co rút, bán thân bất toại, bị ngã hoặc bị đánh tổn thương, gãy xương, ... Liều dùng 15-20g.
Vài hình thức dùng dây đau xương:
(1) Chữa gân xương đau nhức, bán thân bất toại: Thái nhỏ dây đau xương, sao vàng, ngâm rượu với tỷ lệ 1:5; hàng ngày lắc bình, sau một tuần có thể sử dụng; ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 chén con; phụ nữ và những người không uống được rượu hàng ngày có thể dùng 15-20g dây đau xương sắc với nước uống; thường thời gian điều trị kéo dài khoảng 15 ngày (một liệu trình).
(2) Chữa đau răng: Dùng dây đau xương tươi, cắt nhỏ cho vào miệng nhai nát, ngậm một lúc rồi nhổ. Có tác dụng giảm đau rất tốt.
(3) Chữa sưng đau do bị đòn, bị ngã: Trong dùng dây đau xương 10-15g khô sắc nước uống; ngoài dùng dây đau xương tươi giã nhỏ (có thể trộn với rượu) đắp lên những chỗ sưng đau rồi dùng gạc hoặc băng cố định lại.
(4) Chữa ngoại thương xuất huyết: Trong dùng dây đau xương 10-15g khô sắc nước uống; ngoài dùng dây đau xương tán bột rắc lên chỗ vết thương.
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcXjn cho hỏi dây đau xương tìm ở đâu ,tôi bị đau nhất gân tay đả lâu trị không khỏi . Xin cho biết cách trị cảm ơn rất nhiều .