Hỏi:
Nghe nhiều người nói về tác dụng tốt của chè dây, tôi đã gửi mua từ Lào Cai về để uống thường xuyên. Một số người đến chơi nói rằng, chè dây uống nhiều ảnh hưởng đến nòi giống, không tốt. Vậy đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho tôi biết tác dụng lợi, hại của chè dây.
K.M.Đ, Hà Nội
Đáp:
Chè dây là dây leo, tên khoa học là Ampelopsis cantoniensis, thuộc họ Nho. Ở nước ta, chè dây mọc dại theo bờ bụi ở nhiều nơi, như Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Thái, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tây (cũ), Nghệ An, ... cho tới tận Lâm Đồng, Đồng Nai. Chè dây còn mọc ở Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, ... còn có tên là "vô thích đằng", "hồng huyết long", "xích chi sơn bồ đào", ...
Đông y coi chè dây là vị thuốc tiêu viêm, giải độc. Viện Đông y Việt Nam đã sử dụng chè dây dạng cao khô để chữa viêm loét dạ dày - hành tá tràng; trường Đại học Dược Hà Nội đã sản xuất chế phẩm có tên là "Ampelop" chữa loét dạ dày, nhiều bệnh nhân đã sử dụng có kết quả tốt.
Ở Trung Quốc, chè dây thường được sử dụng để chữa trị các chứng viêm nhiễm, như viêm tai giữa, viêm tuyến vú, viêm họng, viêm khí quản, viêm thận, ...
Kết quả thực nghiệm ở Trung Quốc cho thấy, chè dây có tác dụng tốt trong điều trị các chứng viêm do tụ cầu khuẩn và trực khuẩn mủ xanh gây nên. Vì vậy nếu bạn bị viêm loét dạ dày - tá tràng, hoặc một chứng viêm khác, thì nên đến thầy thuốc để tham vấn và dùng chè dây để điều trị.
Theo quan niệm của Đông y, chè dây thuộc loại thuốc "hàn lương" (mát lạnh), nếu uống dài ngày, có thể gây nên mất cân bằng Âm Dương, làm tổn thương Dương khí - cơ năng sinh lý của tạng phủ và chức năng sinh sản. Vì vậy, cũng không loại trừ khả năng gây ảnh hưởng không tốt đến nòi giống (như một số người đến chơi nói với bạn). Tất nhiên, điều này còn tùy thuộc vào thể tạng của từng người. Nếu như cơ thể bạn thuộc dạng "âm hư hỏa bốc", thì có thể đun nước chè dây cùng với một số vị thuốc có tác dụng dưỡng âm, như sinh địa, mạch môn, ... để uống; còn nếu thuộc dạng "dương hư" thì cần phải thận trọng.
Trong dân gian, một số nơi có tập quán dùng chè dây nấu nước uống thay trà. Nhưng thiển nghĩ, việc uống chè dây thường xuyên có lợi hay có hại còn tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt và ăn uống ở từng địa phương.
Tuổi của bạn đã cao, khả năng thích ứng của cơ thể với các loại thức ăn, đồ uống lạ không còn được mạnh như thời trẻ, vì vậy càng cần chú ý theo dõi các phản ứng của cơ thể khi uống chè dây. Nếu thấy có biểu hiện bất thường, như miệng khô, rêu lưỡi đang vàng trắng trở nên xám hoặc đen, đại tiện lỏng, ... thì cần ngừng uống và tham khảo ý kiến cuả thầy thuốc.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.