Hỏi:
Tôi là bạn đọc thường xuyên của thuocvuonnha.com, năm nay tôi 35 tuổi, không mắc bệnh mãn tính, nhưng cứ mùa đông tới thường hay bị cảm cúm và đau nhức khớp xương. Có người nói, dùng cây quít gai có thể chữa khỏi được cả hai bệnh đó. Mong "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết có đúng như vậy không? Nếu đúng thì tìm cây quít gai ở đâu và phải sử dụng như thế nào?
Đoàn Nhật Minh, Chương Mỹ, Hà Nội
Đáp:
Cây quít gai là thứ cây mọc hoang rất nhiều ở quê bạn, cũng như nhiều nơi khác khắp cả nước ta. Cây thường gặp ở bờ bụi, bờ ruộng, gò đống, ven đường, trẻ nhỏ thường hái quả ăn tươi, một số địa phương thường trồng làm hàng rào vì cây có rất nhiều gai.
Quít gai có nhiều tên gọi khác như "tầm xoọng", "cúc keo", "quít hôi", "gai xanh", "mền tên", "tửu bính lặc", "đông phong quất", ... tên khoa học là Atalantia buxifolia (Poir.) Oliv. thuộc họ Cam quít.
Đây là một cây nhỏ, mọc thành bụi, cao khoảng 1m, thân phân thành rất nhiều cành, có nhiều gai mọc từ nách lá, cành non có khi có lông mịn. Lá nguyên, hình bầu dục đầu tròn, thuôn tròn ở phía cuống. Hái lá soi lên ánh sáng sẽ thấy có rất nhiều điểm trong (sáng) do chứa tinh dầu. Hoa trắng gần như không cuống, mọc đơn độc hay tụ thành 2 hoặc 3 bông ở nách lá. Quả mọng, hình cầu, đường kính 10-12mm, chứa 2 hạt, khi chín có màu đen. Mùa hoa vào tháng 6-8, mùa quả vào tháng 9-12.
Theo Đông y:
- Quít gai có vị cay, tính ấm; có tác dụng hóa ứ chỉ thống (tan huyết ứ, giảm đau), thuận khí hóa đàm (điều hòa hô hấp, tan đờm); thường dùng chữa đòn ngã sưng đau, gãy xương, phong thấp đau nhức, cảm mạo, ho, đau dạ dày.
- Cách thức sử dụng và liều lượng: Uống trong từ 6-12g, sắc nước uống; dùng ngoài, nghiền mịn, sao với rượu đắp, liều lượng tùy thuộc diện tích da bị bệnh.
Một số bài thuốc thường dùng vị quít gai:
(1) Chữa cảm cúm, ho, nhức đầu: Dùng lá hoặc rễ quít gai 9-15g, sắc nước uống trong ngày; trường hợp cảm lạnh, ngạt mũi, không mồ hôi, có thể dùng lá quít gai nấu với những loại lá thơm khác như sả, cúc tần, đại bi, hương nhu, lá bưởi, lá chanh, ... đun nước xông cho ra mồ hôi.
(2) Chữa ho do phong nhiệt (ho nóng): Dùng rễ quít gai 20g, vỏ rễ dâu tằm 10g, rễ hoặc lá cam thảo nam 10g (hoặc cam thảo bắc 5g); ba thứ thái mỏng, phơi khô; sắc với 400ml nước còn 100ml, thêm đường, chia thành 2-3 phần uống trong ngày.
(3) Chữa ho nhiều đờm: Quả quít gai còn xanh 8-16 quả, trộn với một thìa cà phê đường kính hoặc mật ong, ít muối ăn và 5g bồ hóng (thứ bồ hóng đốt bằng củi, không dùng thứ đốt bằng than quả bàng hoặc các loại nhiên liệu khác); tất cả đem hấp cơm trong khoảng 15-20 phút, lấy ra nghiền nát, trộn đều, chia thành 2-3 phần uống trong ngày.
(4) Chữa kiết lỵ: Vỏ thân quít gai 20g, vỏ quả lựu 20g, vỏ quả chuối hột 20g, rễ tầm xuân 20g, búp ổi 10g; thái nhỏ, phơi khô, sắc nước uống trong ngày.
(5) Chữa đòn ngã sưng đau: Lá quít gai 40g, chia thành hai phần bằng nhau; một phần đem phơi khô, sao vàng, sắc uống; một phần để tươi, giã nát đắp lên chỗ bị thương; uống và dắp liên tục trong 3-4 ngày.
(6) Chữa mụn rò có mủ lâu ngày: Lá quít gai 20g, phối hợp với lá chanh 20g, tinh tre 10g; tất cả phơi khô, tán thành bột mịn, rắc lên chỗ vết thương.
(7) Chữa phong thấp, đau xương, đau mình: Rễ quít gai 10-15g, sắc nước uống. Còn có thể phối hợp với thổ phục linh, ngưu tất, thiên niên kiện - mỗi thứ 50g; ngâm với 1 lít rượu, sau một tuần có thể uống; ngày uống 3-4 lần, mỗi lần một chén con.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.