Hỏi đáp

Cây phèn đen thanh nhiệt, tiêu độc mùa hè

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 19/06/2012 08:46 CH

Hỏi:

Tôi nghe nói, "Phèn đen" là vị thuốc tiêu độc chữa các bệnh nhiễm trùng rất hay. Nhưng chữa những bệnh gì và cách dùng thế nào thì tôi chưa rõ. Rất mong "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết, có thể sử dụng cây phèn đen để chữa những bệnh gì? Cây có độc không? Sử dụng như thế nào có hiệu quả nhất?

Nguyễn Xuân Thìn, Hà Tĩnh

Đáp:

cây phèn đen, phèn đen, cây nỗ, cây nổ, tảo phàn diệp, sáp tràng thảo, Phyllanthus reticulatus Poir, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae)

Cây phèn đen còn có tên là "cây nỗ", "cây nổ", "tảo phàn diệp", "sáp tràng thảo", ... tên khoa học là Phyllanthus reticulatus Poir. Thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Phèn đen là loại cây bụi, cành gầy mảnh, đen nhạt, cứng. Lá đơn, mọc so le, có hình dạng thay đổi, hình trái xoan hay hình trứng ngược, nhọn hay tù ở hai đầu; phiến lá rất mỏng, dài 1,5-3cm, rộng 6-12mm, mặt trên màu sẫm hơn mặt dưới. Lá kèm hình tam giác hẹp. Cụm hoa hình chùm ở nách lá, gồm 3-4 hoa đực và cái. Quả hình cầu, khi chín có màu đen, dài 5mm, rộng 3mm. Hạt hình ba cạnh, màu nâu nhạt, có những đốm rất nhỏ.

Phèn đen là loài cây cổ nhiệt đới. Rất phổ biến ở khắp nước ta, còn thấy mọc ở nhiều nước vùng Đông Á. Cây mọc hoang dại khắp nơi, thường thấy ở ven rừng, bờ bụi ven đường. Nhưng cũng có nơi trồng để làm thuốc chữa bệnh hay làm thuốc nhuộm.

Phèn đen đã được dùng làm thuốc trong dân gian và y học dân tộc từ lâu đời.

Theo Đông y:

    - Rễ cây phèn đen có vị chát, tính bình. Có tác dụng tiêu viêm, thu liễm, chỉ tả. Dùng chữa lỵ, viêm ruột, lao ruột, viêm gan, viêm thận và trẻ em cam tích.

    - Lá có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, lợi tiểu. Thường dùng để chữa sốt, ỉa chảy, phù thũng, ứ huyết do đòn ngã, huyết nhiệt sinh đinh nhọt. Lá phơi khô, chế thành viên, dùng riêng hay phối hợp với ít lá long não, xuyên tiêu, ngậm chữa chảy máu chân răng. Người ta còn dùng bột lá rắc lên vết thương, vết loét cho chóng lành và chóng lên da non. Lá tươi còn dùng chữa rắn độc cắn, nhai nát nuốt nước, bã đắp lên nơi rắn cắn.

    Tại Ấn Độ người ta cũng dùng lá để trị bệnh răng lợi, thường làm viên phối hợp với long não và màng tang, dịch lá cũng được dùng chữa ỉa chảy cho trẻ nhỏ.

    - Vỏ thân có vị nhạt và chát, thường được dùng chữa lên đậu và tiểu tiện khó khăn, có mủ. Mỗi ngày dùng 20-40g dưới dạng thuốc sắc, chia làm 2-3 lần uống trong ngày. Dùng ngoài rửa không kể liều lượng.

Một số bài thuốc có sử dụng phèn đen:

    (1) Chữa kiết lỵ:

        - Dùng rễ cây phèn đen, dây mơ lông, cỏ seo gà, cỏ tranh - mỗi vị 20g, gừng 2 lát; sắc uống trong ngày (Đơn thuốc của Tuệ Tĩnh trong "Nam dược thần hiệu").

        - Dùng lá phèn đen tươi, thêm nước lọc, giã nát, chắt lấy nước để chiêu thuốc bột. Thuốc bột chế theo công thức: Mạch nha, ý dĩ, cam thảo, liều lượng bằng nhau, tán bột mịn, trộn đều. Mỗi lần uống 1/2 thìa cà phê, chiêu bằng nước phèn đen chế như trên (Kinh nghiệm dân gian).

    (2) Chữa tiêu chảy và đi lỵ trong mùa hè do nhiệt: Dùng cây phèn đen (cả cành và lá), đậu đen sao - mỗi thứ 40g; đổ 4 bát nước, sắc lấy 1 bát; chia ra uống làm 3 lần uống trong ngày (Đơn thuốc của danh y Hoàng Đôn Hòa trong sách "Hoạt nhân toát yếu").

    (3) Chữa đại tiện ra máu: Dùng cây phèn đen (cả cành và lá), thái nhỏ 3 bát; sắc đặc uống (Đơn thuốc của Hải Thượng Lãn Ông trong "Bách gia trân tàng").

    (4) Chữa chấn thương: Lá phèn đen giã nát, chế thêm rượu, vắt lấy nước uống. Chữa bị đòn, máu ứ ở trong, nguy cấp (Đơn thuốc của Hải Thượng Lãn Ông trong "Bách gia trân tàng"). Hoặc dùng 40g lá, sắc lấy nước, chế thêm 1 chén rượu vào uống (Kinh nghiệm dân gian).

    (5) Chữa nhọt độc mới phát: Lá phèn đen, lá bèo ván; giã nát đắp.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]